Chuyện đứa trẻ ''người nhà giời''
Sự xuất hiện của bé Bon đối với người làng xung quanh ngôi nhà của ông bà ngoại giống như một sự kiện giải trí. Các bà các thím sang chơi mừng mẹ Bon về thăm quê, ngắm bé Bon trắng muốt, thơm tho, ăn nói lém lỉnh và đẹp như trong các đoạn phim quảng cáo, thích thú hỏi chuyện nó, nghe nó nói. Sau đó gặp nhau, họ tán chuyện về Bon với nụ cười giòn tan cùng lời bình phẩm: "Con bé ngộ thật, đúng là người nhà giời". "Dân thành phố nó thế".
Mẻ cười đầu tiên là vào buổi sáng mới đến, Bon đang chạy nhảy trên sân nhà ngoại thì bỗng con gà trống đầu đàn tiến về phía cô bé. Nhìn con vật có cái mặt đỏ rực, dáng đi lấc la lấc láo, Bon sợ chết khiếp. Nó cứ đứng chôn chân giữa sân, nhìn trừng trừng vào con gà mà không thể nhúc nhích, cũng không thốt lên được lời nào. Đến khi chàng gà trống vênh váo tiến đến sát bên Bon để mổ hạt ngô cạnh chân bé thì bé mới bật thét lên.
Bà ngoại đang uống chè xanh với hàng xóm, vội chạy lại ôm lấy cháu, thế là Bon òa khóc nức nở, đu lên người bà. "Có gì đâu cháu, chỉ là con gà thôi mà", bà dỗ. Lát sau lúc Bon đã nín và lại xoen xoét nói chuyện, một bà hàng xóm hỏi: "Thế cháu chưa thấy con gà bao giờ à?". "Thấy rồi ạ", Bon nói. "Mẹ cháu hay mua gà, vì cháu thích ăn thịt gà".
"Sao lúc nãy cháu lại sợ con gà ấy thế?". "Đó không phải gà", Bon lắc đầu nói dứt khoát như thể biết thừa người lớn đang lừa mình. "Gà là phải da mịn cơ, da nó màu vàng. Cháu thích ăn da gà lắm. Cái con lúc nãy định cắn cháu thì người bù xù, màu xanh đỏ". Mọi người ngẩn ra một lúc rồi ồ lên: hóa ra "cái con lúc nãy" không được Bon công nhận là gà vì nó có... lông. Trước giờ cô bé chưa từng được thấy một con gà còn sống, mà chỉ thấy con gà làm sẵn mẹ mua về làm thức ăn.
Mẻ cười thứ hai cũng liên quan đến gà, cụ thể là trứng gà. Hôm đó mẹ Bon đi chơi với mấy cô bạn cấp một, để Bon ở nhà bà trông. Ở nông thôn hiếm đồ chơi, bà sang hàng xóm mới mượn được một người nhện bằng nhựa về cho cháu, nhưng Bon chẳng thèm nhìn. "Cái này cháu chán từ lâu rồi. Cháu muốn chơi trứng sống cơ". Thấy bà hỏi lại, Bon bảo: "Trứng gà sống ý, ở nhà mẹ toàn cho cháu chơi trứng sống, chơi chán rồi ăn luôn".
Bà ngoại Bon kể: "Lúc đó tôi ngạc nhiên vì con gái rất cầu kỳ cẩn thận trong chuyện ăn của con nó, thế mà lại cho Bon ăn trứng sống. Nhưng thấy nó nói chắc như đinh đóng cột nên tôi cũng vào lấy mấy quả trứng, rửa sạch sẽ rồi để vào cái tô đưa cho cháu chơi. Nó lôi bút dạ màu trong ba lô ra, bảo sẽ vẽ hình mặt người lên trứng để tặng bà".
"Tôi vừa quay lưng định đi hái rau thì nghe tiếng bụp rồi thằng bé khóc ré lên. Quay lại, thấy trứng vỡ nát trên sàn, còn Bon thì bảo bà lừa cháu, cháu muốn chơi trứng sống cơ mà. Tôi bảo trứng sống đấy chứ còn gì nữa. Nó khóc hu hu bảo đây là trứng dởm, trứng sống phải cứng cơ, bên trong cũng cứng cơ không phải toàn nước như thế này. Đến lúc mẹ nó về, tôi mới biết trứng sống theo quan niệm của con bé là trứng đã luộc, còn trứng chín là đã rán hoặc ốp la. Con bé chưa từng biết đến quả trứng sống nào".
Nhà bên cạnh có thằng bé trạc tuổi Bon, mẹ nó đưa sang chơi với Bon. Bon hỏi bạn có hay đi thú nhún, hay đi công viên vầng trăng, đi nhà hơi, nhà bóng không, thằng cu hàng xóm bảo không. Bon hỏi bạn nhà có máy bay điều khiển từ xa, có rô bốt biết nhảy múa không, cũng lắc đầu. "Sao không bảo mẹ mua cho? Tớ thích cái gì, đòi mẹ là mẹ mua ngay", Bon thắc mắc.
Mẹ thằng bé đáp: "Vì không có tiền, người lớn làm ra được đồng tiền khó lắm, cực khổ lắm, phải tiết kiệm chứ". Bon cãi: "Có gì mà khó. Hết tiền chỉ cần ra cái máy, đút cái thẻ vào, bấm số là tiền chảy ra tha hồ mua đồ chơi, không cực khổ tí nào".
|
Ảnh minh họa. |
Hàng xóm thì coi sự ngây ngô của Bon như một chuyện thú vị, nhưng ông bà ngoại thì lo lắm. Họ cảnh cáo mẹ Bon là đứng có nuôi con trong lồng kính nữa: "Nó không có một chút hiểu biết gì về thế giới bên ngoài cả. Con đừng tưởng cứ mua cho nó những đồ chơi trí tuệ cao siêu là nó sẽ phát triển tốt, nếu như những cái đơn giản nhất cũng không biết".
Ông bà cũng lo ngại, chuyện chiều con, o bế con thái quá khiến Bon chẳng những biến thành "gà công nghiệp" mà còn hoàn toàn không biết đến giá trị của lao động, sự quý giá của đồng tiền. Dù sao, cô bé cũng mới 5 tuổi và bố mẹ hoàn toàn có thời gian để khắc phục.
Kỹ năng sống, chỉ học ở câu lạc bộ?
Rất nhiều đứa trẻ được nuôi "trong lồng kính" ở các thành phố lớn. Chúng hết đến trường rồi lại về nhà, cuối tuần hoặc ngày lễ được mẹ cho đi ăn nhà hàng, hay đến cung thiếu nhi, vui chơi ở các trung tâm thương mai. Nếu có về quê hay đi du lịch thì những đứa trẻ này vẫn được bảo đảm để không bị đảo lộn chế độ dinh dưỡng, không bị bẩn tay chân quần áo kẻo nhiễm trùng rồi sinh bệnh...
Bố mẹ thường là người có tri thức, vì thế ngoài sức khỏe, họ cũng rất quan tâm đến sự phát triển trí tuệ của con. Họ mua cho con những bộ đồ chơi đắt tiền được cho là do các nhà tâm lý giáo dục chế ra nhằm giúp trẻ phát triển trí thông minh, những băng đĩa, cuốn sách giúp tăng chỉ số IQ cho trẻ. Họ nghĩ vậy là đủ hành trang cho con vào đời, thành người thành đạt.
Nhưng thực ra con họ lớn lên thành đứa trẻ ngờ ngệch, rời bố mẹ ra là không biết tự xoay xở, mọi điều trong thế giới thực đều lạ lẫm, sợ những cái không đáng sợ, với những cái đáng sợ lại chẳng biết đề phòng...
Nhiều bậc phụ huynh cũng nhận ra vấn đề đó, nên đăng ký cho con đi học các lớp kỹ năng sống, đang được mở ra rất nhiều những năm gần đây, học phí không nhỏ. Thế nhưng, cái được dạy chủ yếu là kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc tập thể, ý thức giữ an toàn... Những cái đó đều rất bổ ích và cần thiết, nhưng sẽ chỉ là lý thuyết nếu đứa trẻ hoàn toàn được nuôi dạy trong một môi trường "vô trùng", không có sự tiếp xúc với thực tế cuộc sống.
Anh Thiên, một phụ huynh ở Hà Nội, bộc bạch: "Tôi và vợ khác nhau về quan điểm giáo dục con. Cô ấy giữ con khư khư, thi thoảng cho con về quê thì vẫn bắt nó cư xử y như ở thành phố. Thằng bé muốn đi chân đất thì bị mắng, muốn ăn thử vài thứ lạ thì bị cấm, muốn đi chơi với mấy đứa trẻ tóc cháy nắng ở quê càng không được. Đừng nói ở quê, ngay trẻ con trong khu nhà tôi đang ở, cô ấy cũng không cho chơi vì bảo chúng nó là con nhà lao động chân tay, nhiều thói hư tật xấu".
Con anh Thiên cũng được đi học kỹ năng sống, nên khá tự tin trong giao tiếp, học cũng giỏi. "Nhưng đó là khi nó ở môi trường quen thuộc của nó, là trường học, chốn thị thành, còn ra khỏi đó là lập tức thành cậu cả ngố", anh Thiên nói. "Tôi đã nhiều lần thấy con mình mặt nghệt ra, trong khi đám trẻ cười phá lên vì một sự thiếu hiểu biết đến ngớ ngẩn của nó".
Kỹ năng sống là gì? Là những kỹ năng giúp con người tồn tại trong thế giới luôn có nhiều cả cơ hội lẫn nguy cơ. Muốn tồn tại được thì phải hiểu biết về thế giới đó. Dù có học bao nhiêu lớp kỹ năng sống, đứa trẻ vẫn khó trở thành cá thể độc lập nếu bố mẹ nó không biết đâu là kỹ năng con mình thực sự cần.
"Chẳng phải là cái gì cao siêu cả", chị Hoài Anh, một người mẹ nuôi dạy con thành công, nói. "Ngoài việc biết những điều cơ bản của thế giới xung quanh, trẻ cần phải biết tự phục vụ mình trong những nhu cầu và sinh hoạt cơ bản: vệ sinh cá nhân, tự mang bát đĩa của mình vào chậu rửa, tự gấp chăn màn, quần áo cho mình, lớn hơn chút nữa thì biết tự dọn phòng, giúp mẹ lau dọn nhà cửa, tập nấu nướng..."
"Lâu nay chúng ta cho là bình thường chuyện một thằng bé học cấp 3 không biết tự úp mì tôm, trong khi thực sự nó vô cùng vô lý, vì đó là lứa tuổi tsắp trưởng thành và phải tự lập, nếu tự chuẩn bị bữa ăn cho mình cũng không thể thì nói gì đến khả năng sống sót trong xã hội đầy chông gai?".
Hai con chị Hoài Anh đều đi du học từ bậc trung học phổ thông. Ở xứ người, chúng vẫn học tốt và vui vẻ bởi ở nhà đã được mẹ rèn cho tính tự lập. Mẹ không làm thay hay phục vụ con tận răng. Theo chị, chính bố mẹ, chứ không phải các giảng viên, mới là người dạy kỹ năng sống cho con từng ngày qua từng việc nhỏ, bồi đắp dần qua tháng năm.
Một người mẹ khác, chị Kiều Oanh, thì dạy con bằng cách đưa bé đi cùng trong những chuyến từ thiện. Nhờ đó, con chị chẳng những hiểu biết về thiên nhiên và cuộc sống bên ngoài ngôi nhà của mình mà còn biết rằng có những con người vẫn đang phải chịu thiếu thốn, khó khăn cần sự chia sẻ, và rằng những tiện nghi vật chất không phải từ trên trời rơi xuống mà là thành quả của học tập và lao động. Vì thế, dù sống ở thành phố, được chăm sóc yêu thương và chưa từng trải qua vất vả nhưng con chị Oanh vẫn không có tính ỷ lại và biết quan tâm đến người khác.
Những người mẹ như chị Oanh, chị Hoài Anh, quan niệm rằng con cái ngờ nghệch hay hiểu biết không phải vì nó ở nông thôn hay thành thị, mà ở cách bố mẹ cho nó tiếp cận với thế giới như thế nào.
Theo Tri Thức Thời Đại