Một người đàn ông khóc thường gợi lên hình ảnh bi tráng, ái ngại. Càng ái ngại, bi tráng hơn khi người đàn ông ấy vừa ôm cột nhà vừa khóc ngon lành. Tôi chứng kiến hình ảnh ấy từ lúc lên 7 và còn nhớ như in vì người đàn ông khóc ấy chính là cha tôi.
Chiếc áo may ô cũ sờn đã ngả màu, hằn lên hai bờ xương vai, ông đứng khóc như thế hồi lâu trước mắt mẹ con tôi sau chuyến đi làm ăn xa trở về. Cơ chừng cây cột nhà lúc ấy cũng là bạn tri kỷ, cũng hồn vía thân quen như cái giường, cái tủ từng theo ông và cả gia đình bao năm rồi.
Đó là điều sau này lớn lên, tôi mới cảm nhận mỗi lần hồi tưởng hình ảnh cha tôi khóc. Cũng như sau này lớn lên, tôi mới biết lần ấy cha tôi khóc là vì nhớ nhà. Ông khóc cho bưa nỗi nhớ vợ, nhớ con vốn hành hạ ông, làm ông quay quắt suốt mấy tháng trường mưu sinh nơi đất khách quê người. Mẹ tôi kể lần ấy, khi xe đò vừa dừng trước cổng, cha tôi đã tức tốc lao vào sân và ném bừa chiếc túi xách xuống hiên nhà để chạy đến ôm lấy anh em tôi vào lòng mà khóc nức nở. Đó dường như là chuyến đi xa đầu đời của ông sau lúc lập gia đình và hình như đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy cha khóc.
|
Ảnh minh họa. |
Mẹ tôi cũng kể những năm tôi học xa nhà, cha vẫn thường mang chiếc áo cũ nồng mùi long não của tôi ra để đưa lên mũi hít hà cho đỡ nhớ con. Khi tôi lập gia đình, ông cũng làm như thế với những chiếc áo còn sót lại của cháu nội lúc chúng tôi chuyển đến sinh sống và lập nghiệp ở phương xa. Tôi không nghĩ rằng cha tôi quá ủy mị, yếu mềm. Mùi hương, với ông, là một phần không thể thiếu của nhớ thương và hoài niệm. Nỗi nhớ của ông không dừng lại ở chỗ thổn thức bi ai mà thường kéo theo cả một trời lo toan, chăm sóc dành cho cháu, cho con.
Thời cha tôi còn sống, thỉnh thoảng có dịp từ nơi xa trở về nhà, ngã lưng trên chiếc phản cũ, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc khi kê đầu lên chiếc gối mát lạnh trơn nhẫy mồ hôi từ mái đầu của cha. Trở mình qua một bên, trong khuya sâu có thể nghe rõ tiếng rơi của một tàu cau trong vườn nhà, tôi nhận ra mùi hương của gối. Rõ là một mùi hương khó tả trong đời vì chỉ cảm nhận được nó bằng tình thương của đứa con hướng về người cha luôn lo lắng cho mình. Mùi hương ấy có vị ngọt mồ hôi một đời vất vả làm lụng và không thiếu vị mặn nước mắt những đêm trằn trọc thương con, nhớ cháu.
Hương gối dắt tôi về thuở lên 9 với trận đau sinh tử, cả họ hàng vây quanh chờ vuốt mắt tôi lần cuối nhưng cha quyết không bất lực nhìn con yếu dần. Ông băng đồng lội suối vời cho được một thầy thuốc danh tiếng ở phương xa và thang thuốc của vị lương y mát tay đã vớt lấy tôi ra khỏi tay thần chết. Hiện ra trong hương gối tuồng chữ của người cha trong những lá thư viết cho con những ngày tôi trọ học neo đơn ở xứ người và cái bóng thất thểu của cha trên sân ga năm nào tiễn gia đình tôi vào phương Nam lập nghiệp. Và, diệu kỳ làm sao cái hình ảnh người đàn ông khóc lại hiện về nồng nàn, bi tráng mà gần gụi...
Mỗi ngày của chúng ta bây giờ hương thơm nhiều quá. Những xà phòng, nước hoa, mỹ phẩm đủ loại đã làm bay đi rất nhiều mùi vị người thân. Tìm một chiếc gối của cha để gối đầu mà sống lại bầu trời ký ức đâu dễ chút nào!
Theo Người Lao Động