Cô bạn tôi kể lại buổi hẹn gặp người yêu cũ mà giọng đầy bực dọc. Hai người từng yêu nhau mấy năm, định đi đến hôn nhân nhưng rồi có những bất đồng không thể hàn gắn nên cuối cùng tan vỡ.
Từ đó, hai người ít liên lạc với nhau, mãi đến gần đây, khi biết sẽ đi công tác đến nơi người cũ đang làm việc, cô bạn tôi mới hẹn gặp… Cô kể: “Mình thì trong sáng thôi, có duyên nhưng không nợ thì thành bạn bè, nhưng hình như anh ta không muốn như vậy… Anh ta cứ huyên thuyên mình làm được cái này, có được cái kia, tỏ ra rất thành đạt và mỹ mãn, như thể mình không lấy được anh ta là một điều đáng tiếc ghê gớm. Rồi anh ta lại hỏi mình có hạnh phúc không, hình như hàm ý rằng chắc là mình đang vất vả, long đong lắm. Thật tình mình không còn hình dung được đó là người mình đã yêu thương trước đây. Đã vậy, có lẽ chạy từ công trường đến, không kịp tắm rửa, ngồi gần anh ta mà mình… ngạt thở vì mùi mồ hôi đậm đặc”. Kể một hơi, cô bạn tôi kết luận: “Mình thất vọng tràn trề! Chẳng lẽ khi hiện nguyên hình, đàn ông tệ vậy sao?”. Nói rồi cô nhìn tôi như thăm dò, chắc để xem nếu tôi “hiện nguyên hình” thì sẽ như thế nào.
|
Ảnh minh họa. |
Nói chung là khi yêu nhau hoặc chỉ quan hệ ở chừng mực còn có tính xã giao, đàn ông cũng chú trọng hình thức. Tùy người, có người thích chải chuốt, có người ưa giản dị, nhưng ai cũng cố gắng tạo ra một hình thức dễ nhìn, dễ gây ấn tượng, có phong thái lịch lãm, nhã nhặn. Với người mình yêu, thì việc để lại hình ảnh đẹp lại càng được các anh chú ý. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình hoặc gặp vào lúc “bất ngờ”, nhiều người “để lộ” mình khá sốc. Tôi có anh bạn làm nghề giáo, bình thường anh chỉn chu, nghiêm túc, nhưng vài lần đến nhà mà không hẹn trước thì thấy anh ở trần, quần “lò xo”, trong khi trước nhà vẫn còn nhiều người qua lại, lắm khi vợ tôi đi cùng phải quay mặt đi, chờ anh “thay đổi xiêm y” mới dám vào nhà. Cứ mỗi lần như thế, vợ tôi lại nhắc tôi phải chú ý hơn khi ở nhà, đừng để bạn bè đến bất chợt lại thấy hình ảnh không đẹp như thế.
Dù sao đó cũng là “chuyện nhỏ”. Chuyện lớn hơn là thay đổi hình ảnh qua lời nói, thái độ, tình cảm, phong thái… Có người khi giao tiếp bên ngoài thì tỏ ra ga-lăng, chừng mực nhưng ở nhà khi nói chuyện với người thân lại sỗ sàng đến khó chịu. Có người nói chuyện với người mới quen hoặc với cấp trên thì từ tốn, lễ phép, nhưng với người quen thân thì lại "nổ" bạt mạng, tỏ ra ta đây, với kiểu kẻ cả vô cùng. Cũng có người hồi còn yêu đương, đeo đuổi thì lịch lãm, hào phóng nhưng đã thành vợ chồng rồi thì thô lỗ, bủn xỉn. Trường hợp bạn tôi kể ở trên cũng không hiếm gặp; một số quý ông gặp lại người yêu cũ thường luôn thể hiện mình thành đạt, sung túc, chẳng mấy ai dám để lộ rằng mình còn làng nhàng, vất vả, không chỉ để tự thể hiện mình mà đôi khi còn có ý trêu ngươi, cho người kia “tức chơi”, cứ như là chuyện duyên nợ không thành chỉ là lỗi của người kia. Những hình ảnh không đẹp đó rõ ràng phản ánh con người thật của các ông. Nếu lỡ để ai đó trông thấy, thì coi như cái con người đẹp kia dù cố tô vẽ, gìn giữ bao lâu cũng bị hoen ố.
Tất nhiên, cũng có bà vợ chủ trương chồng mình là “hoa đã có chủ” không được điệu đà, đỏm dáng, nhưng phần đông các chị hẳn chẳng lấy gì làm “vinh dự” khi mọi người chê chồng mình là người kém lịch sự. Những phụ nữ khác lại càng nhìn những người đàn ông đó bằng con mắt thiếu tôn trọng.
Giá trị của một con người phần lớn do bản thân mình tạo nên; giàu có, địa vị cao… có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng sự thể hiện lịch sự, đứng đắn thì gần như chỉ do sự chú trọng điều chỉnh, sự tự rèn luyện của bản thân mỗi người đàn ông.
Theo Phụ Nữ TP HCM