Chúng tôi quen nhau suốt hai năm học trung cấp nghề. Ra trường một thời gian, hai gia đình giục cưới. Vừa cưới được một năm, tôi âm thầm ôn luyện và thi đậu đại học.
Đem giấy báo về khoe với chồng, tưởng anh sẽ vui, sẽ động viên, khích lệ, nào ngờ anh đổ quạu: “Lấy chồng rồi đi học chi nữa?” và anh bỏ đi nhậu đến nửa khuya. Thấy chồng không vui, tôi lén đi học trong giờ hành chánh, chấp nhận bị trừ lương, không thi đua khen thưởng. May nhờ công ty tôi đánh giá theo hiệu quả công việc nên tôi dễ sắp xếp.
Biết vợ có bằng cử nhân, chồng cáu tiết, dằn hắt mọi thứ trước mặt tôi. Anh tra cạch, xét nét những sơ sót của tôi trong việc bếp núc và chăm sóc con nhỏ. Hiểu chồng đang tự ái, sĩ diện, vì từ khi cưới đến giờ anh vẫn là một thợ bảo trì của xí nghiệp may với bằng trung cấp. Tôi khuyên chồng nên học thêm kỹ thuật vi tính, mục đích chính chỉ là để anh… có cái bằng. Tôi cũng hy vọng khi thường xuyên vào mạng thì anh sẽ có cái nhìn thoáng hơn việc hơn thua bằng cấp giữa vợ chồng. Không ngờ anh nạt ngang, cho rằng tôi muốn anh học thêm nghề để nai lưng ra làm thêm việc! Tôi đành im lặng.
|
Ảnh minh họa. |
Ở nhà, khi cần dạy dỗ con, tôi nói gì ra chồng tôi cũng nói ngược lại, chứng tỏ ý anh mới đúng, còn tôi thì phải sai. Con tôi mới lên bốn, phân vân không biết nên nghe lời ba hay mẹ. Tôi nhẹ nhàng phân tích anh đừng làm vậy trước mặt con, khi anh dạy bé, tôi tôn trọng, thì khi tôi dạy con có gì không bằng lòng, anh nên góp ý sau, đừng để con nghe thấy cảnh cha mẹ mà trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chỉ vậy thôi mà anh đập đổ bàn ghế, cho là “bà cử nhân” lên mặt dạy chồng.
Tất cả những gì tôi cố gắng cũng chỉ nhằm vun đắp cho mái ấm nhỏ bé của mình. Trong khi anh bằng lòng với những gì đã và đang làm, tôi cũng không đòi hỏi anh phải vươn lên, vượt qua tôi. Tôi chỉ mong anh hiểu những gì tôi làm là vì anh và con, nhưng chưa bao giờ anh lắng nghe, chia sẻ. Chỉ toàn mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia mỗi lần nghe ai khen tôi hay thấy tôi được thưởng bằng này, giấy khen nọ. Ngay cả tôi lãnh lương cao, bàn với anh mua sắm thêm vật dụng gia đình, thay vì vui vẻ thì anh dấm dẳng: “Lương cử nhân mới sắm nổi mấy thứ đó chớ thợ thuyền như tôi sao mua nổi mà mơ”. Thế là tôi một mình lủi thủi đến cửa hàng điện máy lựa chọn. Dù khi đem về thì anh cũng sử dụng, nhưng vừa xài vừa chê. Tôi đã nhiều lần nuốt nước mắt vì câu cửa miệng của anh: “Cử nhân mà đi rinh mấy cái thứ này về đây hả? Con nít nó còn biết lựa đồ tốt hơn để xài”. Dù tức tới đâu tôi cũng phải im lặng, vì tôi chỉ cần trả lời một câu, sẽ là cái cớ cho anh nói suốt nhiều ngày sau đó về đề tài bằng cấp cao thấp, chuyện dại khôn…
Tôi biết, anh mà hay tin tôi nhận chức trưởng phòng, từ ngày mai, mỗi lần “chạm nọc”, anh sẽ đổi cách gọi mỉa mai tôi từ “bà cử nhân” thành “bà trưởng phòng”. Thôi thì đành lặng lẽ nhận nhiệm vụ ở công ty và cố gắng đảm đương tốt vị trí làm “vợ của anh thợ máy” ở nhà, như cách anh hay nhắc nhở “danh phận” của tôi, để cho gia đình êm ấm.
Theo Phụ Nữ Online