Vậy là sau hai phiên hòa giải không thành, nguyện vọng ly hôn của chị đã được tòa chấp thuận. Chị hoàn toàn tự do. Nhưng bây giờ chị lại thấy sự tự do ấy chỉ là một khoảng trống.
“Tội” của anh có đáng bị “trừng trị” như thế không, dù rằng ngày quyết định nộp đơn, chị cho rằng anh đáng phải “bị vợ bỏ” từ lâu? Mà “tội” của anh là gì khi hàng ngày anh chăm chỉ đi làm, hàng tuần đều đặn “cống nộp” tiền lương cho vợ. Nhậu nhẹt chút đỉnh, đôi khi nói năng một phút tới trời, nhưng anh vẫn phụ chị đưa rước con cái và nhất là làm nghề tài xế nhưng anh không bồ bịch gì.
|
Ảnh minh họa. |
Rồi chị lại tranh luận với chính mình. “Tội” của anh đáng bị vợ bỏ lắm. Đàn ông gì mà tám năm trời không lo được cái nhà cho vợ con. Hai đứa trẻ ra đời mà cứ sống bám nhà cha mẹ vợ. Đàn ông gì mà gia trưởng, cổ lỗ sĩ vô cùng. Bây giờ là thời đại nào rồi mà cứ bắt vợ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa chứ không cho ra đường mua bán, làm lụng... Tính áp dụng chính sách “ngu vợ” để dễ bề ăn hiếp à? Ấy là chưa kể, điều tế nhị nhưng khiến chị “sợ muốn chết” là hễ đi thì thôi, về là anh kéo chị vô phòng “đòi hỏi” bất cứ lúc nào. Chị cằn nhằn, anh bảo tại vì nhớ vợ quá, yêu vợ quá, xe đi “tua” xuyên Việt, cả tuần mới được về nhà hai ba ngày. Anh cố “giữ mình” để chỉ có mình vợ, sao vợ lại chối từ? Chuyện anh bắt vợ ở nhà chăm con là vì anh thấy lương mình đủ nuôi vợ con, vợ ra đường cũng là buôn bán nhỏ lẻ, mệt nhoài với đắt ế rồi sinh lo lắng, cáu bẳn. Hoặc đi làm công nhân, lương hướng không ra gì, rồi vài bữa ngộ độc thức ăn, ít hôm ngất xỉu vì hạ canxi như mấy cô hàng xóm.
Chị bảo, vợ chồng gì cả tuần không nói với nhau câu nào, không có một thái độ, cử chỉ yêu thương. Vậy mà cứ về là "hùng hục" như… trâu cày buổi sáng. "Em quên rồi sao. Xe qua tỉnh nào anh cũng gọi về hỏi em có thích đặc sản của tỉnh đó, dăm ba bữa lại hỏi em còn tiền xài không, lên chủ xe ứng tạm". "Em không cần quà cáp, đặc sản cũng không, tiền cũng không là thứ quan trọng. Em cần vợ chồng yêu thương khắng khít bên nhau". "Dễ ợt, anh a lô một tiếng, nói chủ cho nghỉ làm, vợ chồng như chim liền cánh rồi nhé, nhưng con chim sâu khờ khạo của anh ơi, em có thể không ăn mà sống được không em?". Chị ậm ừ.
Chịu hết xiết. Chị xin ly hôn với lý do “không hợp nhau”. Hai phen anh xin đoàn tụ không được, đành chấp nhận. Chị nuôi hai con, anh cấp dưỡng. Anh bước ra khỏi nhà với chiếc ba lô nhẹ tênh. Chị bắt đầu chuỗi ngày “tự do” của một công nhân cạo mủ cao su. Phải dậy từ hai giờ sáng, cạo tới tám giờ. Mười giờ trưa, xoay qua trút mủ. Về nghỉ ngơi ăn cơm tí rồi hai giờ chiều đi lượm mủ đất. Thu nhập khá nhưng mới hai tháng đã phờ phạc dung nhan. Cái dung nhan mà tám năm qua anh gìn giữ cho chị không thua gì thời con gái, chỉ có dáng vóc là đầy đặn lên chút ít. Bây giờ da mặt khô sần, tóc tai rối bù, mắt sâu hoắm, môi không thể nở nụ cười. Chị đi làm từ sáng, cách nhà mươi cây số, hai con khi thì bà ngoại đưa, lúc lại hàng xóm rước.
Đêm thăm thẳm trằn trọc. Cơn gió lạnh nào thổi quanh chiếc giường quen thuộc. Con bé tuổi mẫu giáo của chị ngủ mơ gọi ba khóc mếu:“Ba của em mà… ba của em… sao ba ẵm anh Hai mà bỏ con vậy?”. Những nhọc nhằn của hậu ly hôn đã đánh gục cái tôi phiến diện. Tự dưng chị thèm… mùi mồ hôi của anh.