Có thể nói chắc rằng 10 nằng dâu thì 9 không muốn sống với bố mẹ chồng, thế nhưng tỷ lệ phải ở chung vẫn rất lớn. Đối diện với vô số áp lực, stress khi phải kiềm chế cái tôi, khao khát được sống tự do theo ý mình, nhiều phụ nữ ấp ủ "tham vọng" ra riêng, và nhiều người dùng đến mưu mẹo.
Làm cho mẹ chồng chán ngấy để dễ thoát thân
"Muốn ra riêng êm thấm cũng phải có mẹo, không phải cứ túm lấy chồng mà xúi bẩy là được đâu", Hà Vy chia sẻ kinh nghiệm "tháo cũi sổ lồng" của mình.
"Nếu như bạn lễ phép nói với bố mẹ chồng rằng chúng con xin phép được ra ở riêng, chắc chắn ông bà sẽ kết tội bạn là lôi kéo đứa con trai ngoan ngoãn của họ phản bội bố mẹ. Họ biết rằng con họ chả cần ở riêng làm gì, chỉ có bạn là muốn được tự do sung sướng. Việc gì họ phải cho bạn sung sướng trong khi họ muốn ở gần con trai chứ?".
Thực ra khi chưa cưới, Vy cũng đã thăm dò chồng về chuyện ở riêng, nhưng anh lập tức cảnh báo cô rằng đừng có hy vọng gì chuyện đó, vì anh cả đã ra riêng rồi.
"Suốt thời thơ ấu, cái gì cũng phải làm theo ý người lớn, tôi chỉ ước đến tuổi trưởng thành để làm những điều mình thích. Thế nhưng tự do chưa được mấy ngày thì lại tiếp tục bị bố mẹ chồng kiểm soát. Những điều tôi muốn đâu có gì xấu, cũng chẳng hại gì đến ai, nhưng vì không hợp ý bố mẹ chồng nên chẳng được làm, chuyện chẳng có gì dưới mắt các cụ có thể là tội lỗi nghiêm trọng. Nếu suốt đời không bao giờ được sống như ý mình muốn thì tôi thấy oan ức quá, nên tôi phải ra riêng bằng được", Vy nói.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nàng dâu trẻ tính rằng, nếu không được bố mẹ chấp nhận thì không đời nào chồng cô về phe vợ trong việc đòi tự do, thế nên cô phải làm sao cho bố mẹ chồng thấy rằng, việc cô ra ngoài sống có lợi cho ông bà trước hết. Chính ông bà sẽ muốn cô đi để được an hưởng tuổi già.
"bản chất bố mẹ chồng tôi tuy tốt nhưng cực kỳ kỹ tính, khó tính, và quen với việc mọi chi tiết dù nhỏ nhất đều phải sắp đặt theo ý họ. Vì thế chỉ cần đảo lộn tí chút là các cụ không chịu nổi", Vy kể.
Bắt đầu từ chuyện ăn. Lấy cớ làm việc khuya, cô từ chối dậy nấu bữa sáng và nói rằng sẽ đi mua cho cả nhà. Mẹ chồng gây sức ép cho con dâu bằng việc tự thân dậy sớm nấu nướng phục vụ, nhưng Vy cố tình giữ chồng lại gần đến giờ đi làm để có thể lao ra khỏi nhà mà không ăn đồ mẹ nấu. Tối, các cụ quen ăn vào lúc 6h30, chậm nhất là 7h, thế là Vy đăng ký lớp học thêm để về nhà thật muộn. Cô nhã nhặn đề nghị bố mẹ chồng ăn trước, nhưng lại nhõng nhẽo đòi chồng chờ mình. Bữa cơm tối đoàn viên thế là trở nên lạnh lẽo.
Vy tự ý vứt hết đồ cũ của mẹ chồng, sắm một loạt đồ tân kỳ mà cô biết bà không thích, rồi khi bị mắng thì khóc lóc ầm ĩ rằng cô có tấm lòng muốn làm điều tốt vì bố mẹ mà bị chà đạp, chỉ vì cô là con dâu. Rồi Vy bỏ cơm, khóc lóc suốt mấy ngày, mắt sưng húp, khiến các cụ cũng khiếp vía.
Mỗi ngày, Vy dấn thêm một chút trong chuyện thách thức khả năng chịu đựng của bố mẹ chồng: cô nấu những món rất ngon khiến chồng khen nức nở nhưng hoàn toàn trái ngược với khẩu vị của bố mẹ chồng, cô nấu những món hợp khẩu vị bố mẹ chồng nhưng lại "vụng về" nấu hỏng. Cô để nhà cửa bừa bộn với cái cớ công việc, học hành quá mệt mỏi. Cô giả vờ hậu đậu, cứ vài ngày lại đập vỡ một món đồ quý của mẹ chồng. Cô bật nhạc chát chúa lúc bố mẹ chồng đang xem phim, cố tình chiếm dụng phòng vệ sinh thật lâu vào giờ cao điểm...
Bố mẹ chồng dĩ nhiên thường xuyên trách mắng, nhưng mỗi lần như vậy, Vy lại diễn mỗi một bài là khóc lóc váng nhà, khiến ông bà cũng đành thở dài bất lực. Đến cái ngày mà Vy, sau khi chồng hứa sẽ ra ngoài nếu bố mẹ chấp nhận, lễ phép trình bày rằng đang có một căn hộ bán giá hời, và vợ chồng cô muốn được ra ngoài để học cách sống tự lập, thì các cụ gật đầu cái rụp. Họ thậm chí còn mừng vì thoát được cô con dâu.
"Tôi biết cái cách của mình chẳng hay ho gì, tự bôi xấu mình trước không chỉ bố mẹ mà còn cả họ hàng nhà chồng nữa. Nhưng tôi chấp nhận cái giá đó để được tự do. Ra ngoài rồi, tôi sẽ cố gắng ăn ở tốt với các cụ để chuộc lại", Vy nói.
Từng bước "nhón chân" ra khỏi nhà chồng
Bước đầu tiên trong kế hoạch "đào tẩu" của Hằng ra khỏi nhà chồng là tìm một công việc mới. Cô cố tình chọn một công ty thu nhập khá hơn chỗ cũ nhưng địa điểm lại xa. Ủng hộ 'âm mưu" của vợ, chồng cô cũng tìm việc mới ở gần công ty vợ. Hai vợ chồng sáng sớm ra khỏi nhà, tối mịt mới trở về, trông mệt mỏi rã rời chả thiết ăn uống.
Mẹ chồng bảo, hai đứa dở hơi, tự dưng chuyển đi xa tít, thôi tìm chỗ nào gần gần mà làm kẻo suy nhược thì chết. Linh, chồng Hằng bảo, việc tốt vừa kiếm được, sao lại bỏ hả mẹ, mệt tí nhưng có tiền đồ. Cũng vì mệt, hai vợ chồng ăn quấy quá rồi về phòng. Có hôm, họ về phòng luôn, bảo bọn con ăn bát miến ngoài đường cho nhanh.
Lại có đợt, công ty anh Linh phải làm gấp dự án, nhiều hôm 1 giờ sáng anh mới về. Mẹ xót, bảo sao không ngủ lại cơ quan mai làm luôn, về làm gì vài tiếng cho khổ ra. Linh bảo, ở công ty không có giường chiếu, con ngủ không nổi. Ít hôm sau, Hằng nói với mẹ chồng: "Chị bạn con chuyển vào sống trong TP HCM, cái nhà ở gần công ty anh Linh chị ấy không bán mà muốn cho người quen thuê giá rẻ, cốt để có người trông nhà. Con thuê cho anh Linh những khi làm đêm có chỗ ngủ lại mẹ ạ, có 1 triệu đồng mỗi tháng thôi".
Mẹ chồng khen phải. Thế là thỉnh thoảng Linh ngủ lại căn nhà thuê. Rồi nhiều hôm, Linh gọi điện về báo cả hai vợ chồng đều làm muộn nên ngủ lại bên đó cho tiện. Tần suất ở nhà thuê mỗi ngày một dày, Hằng cũng sắm sang bên đó ngày càng nhiều đồ đạc hơn. Bố mẹ chồng quen dần với việc không đợi con trai, con dâu về cùng ăn tối, mỗi tuần các con vắng mặt vài ngày. Nhưng mỗi lần vợ chồng Linh xuất hiện, ông bà nhận thấy cả hai đều khỏe khoắn, tươi vui hơn rõ rệt.
Thời gian sau, anh Linh hớn hở bảo với bố mẹ: "Bọn con đặt cọc tiền mua nhà rồi, có một căn hộ gần chỗ con đang ở, bán rẻ lắm, nhà lại đẹp nữa, phải đặt ngay kẻo mất nên không kịp xin ý kiến bố mẹ. Giờ con chở bố mẹ đi xem nhé". Thế là bố mẹ chẳng trách được cái tội tự tung tự tác, mà có trách thì sự đã rồi. Nhà mua xong thì dĩ nhiên là chuyển đồ từ bên nhà thuê sang, rồi sắm thêm. Khi đó đã là nhà riêng, thì cái chuyện vợ chồng Hằng ở bên đấy nhiều hơn ở với bố mẹ cũng là điều tất yếu.
"Cuối cùng, em chốt lại cái chuyện tách ra riêng hẳn bằng cái bụng bầu", Hằng nói. Em bảo bầu bí nghén ngẩm rất mệt, bọn con ở hẳn bên này, cuối tuần về ăn cơm với bố mẹ. Ông bà cũng quen với việc ở riêng, lại cũng đã chuẩn bị dần tinh thần trong suốt quá trình bọn em thuê nhà rồi mua nhà, nên cũng không gây khó dễ gì nữa. Vậy mà hồi mới cưới, bố mẹ chồng em tuyên bố rất kiên quyết là không bao giờ có chuyện ở riêng".
Chuyện các nàng dâu tìm trăm phương nghìn kế để không phải sống chung với nhà chồng có thể khiến nhiều người lớn tuổi phiền lòng, thất vọng về giới trẻ vì thấy có "mùi âm mưu". Nhưng nếu nhìn thoáng hơn một chút sẽ thấy, một thời gian sau khi tách ra dù bằng cách nào, quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu thường là tốt hơn người ta tưởng. Khi không đụng độ hằng ngày, hai người phụ nữ sẽ dễ có quan hệ hữu hảo hơn, miễn là nàng dâu tuy ở riêng nhưng vẫn biết quan tâm đến gia đình chồng, thăm hỏi, qua lại thường xuyên.
"Hồi trước tôi vẫn nghĩ là vợ chồng con trai dứt khoát phải ở với mình", bà Hồng, 64 tuổi, nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội, nói. "Nhưng sau đó tôi với con dâu mâu thuẫn lớn quá, hai đứa nó nằng nặc đòi ra ngoài ở. Tôi không đồng ý, dọa dẫm ép buộc đủ kiểu nhưng chúng nó vẫn đi. Tôi giận, nhưng con cháu mình nên cũng chẳng ngoảnh mặt mãi được. Giờ thì thấy ở riêng cũng tốt, nó (con dâu) không phải chịu đựng tôi mà tôi cũng chẳng phải chịu đựng nó, đâm ra lại dễ chịu với nhau".
Giờ thì mỗi tuần, gia đình anh con trai bà Hồng lại kéo nhau về thăm ông bà, nấu nướng ăn uống vui vẻ. Bà nhận thấy trước đây tuy rằng ngày nào cũng gặp nhưng cũng chẳng có thời gian chuyện trò một cách vui vẻ, không có thời gian để giải trí, cười đùa với nhau vì ai nấy đều mệt mỏi với công việc và cả xung đột gia đình, chủ nhật cũng ngủ nướng rồi bọn trẻ kéo nhau ra ngoài chơi, ông bà vẫn một mình. "Giờ gặp ít nhưng mà chất", bà Hồng nói. Bà thấy tình cảm gia đình có vẻ khăng khít hơn trước, chứng tỏ không phải cứ sống chung mới là yêu quý, tình cảm với nhau.
Theo Tri Thức Thời Đại