Kỷ niệm 40 năm ngày cưới

Google News

Khổ bà ghê, già rồi còn… mắc cỡ! Đã vậy, bà còn trách khéo tui hồi trẻ không biết… nịnh bà.

Kỷ niệm 40 năm ngày cưới, tui tính tụ họp con cháu, làm một bữa tiệc nho nhỏ cho bà vui. Bà không chịu, cứ cản tui: “Ông bày vẽ làm gì cho mất công. Với lại, hồi trẻ không làm, giờ làm tụi nhỏ nó cười chết”. Khổ bà ghê, già rồi còn… mắc cỡ! Đã vậy, bà còn trách khéo tui hồi trẻ không biết… nịnh bà. Mà đúng thiệt, hồi trẻ tui không biết nịnh bà, là lúc ấy tui trẻ người non dạ. Giờ già rồi, từng trải hơn, thấy được “giá trị” của bà, nên phải tranh thủ nịnh càng nhiều càng tốt.
Đám cháu cứ nhao nhao: “Trời! Ông cưng bà thấy sợ. Tình cảm còn hơn cả đám trẻ tụi con!”. Tụi nó chỉ thấy giờ tui săn sóc cho bà từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng khi đau bệnh… Tụi nó chỉ thấy tui “già mà sến”, mua tặng bà khi thì cái khăn, lúc thì bó hoa. Nhưng tụi nó đâu có biết, bao nhiêu đó thì đáng gì, bởi tui nợ bà nhiều lắm, nợ cả cuộc đời…
Ảnh minh họa. 
Tui nợ bà thời thanh xuân thiếu nữ. Lúc ấy, tui là thằng công tử lông bông, chỉ được cái mẽ ngoài hào hoa cùng mớ gia tài của cha mẹ. Còn bà là con gái đầu của một gia đình nhà giáo nghèo, dễ thương, hiền dịu. Lúc gặp nhau, với “kinh nghiệm tình trường” phong phú, không khó để tui “cua” bà. Ban đầu tui chỉ tưởng bà sẽ là một cuộc vui qua đường như bao cô gái khác. Và cả thời yêu nhau, tui cứ làm khổ bà bởi vô số bóng hồng khác. Nhưng có ai ngờ, cái vẻ dịu dàng, hiền hậu của bà lại níu chân tui, tình cảm ngày càng sâu đậm, cả hai đều muốn tiến tới hôn nhân…
Tui nợ bà cái danh, cái phận, nợ bà một đám cưới với đầy đủ nghi lễ. Bởi lẽ, cái tiếng ăn chơi của tui đến tai cha bà, và ông cương quyết không gả bà cho tui. Tụi mình tìm đủ cách thuyết phục mà không được, trong khi ông lại tìm cách gả bà cho một mối khác, vậy là bà trốn nhà để theo tui. Ngày đám cưới, chỉ có ba mẹ chú rể mà không có ba mẹ cô dâu. Đêm tân hôn, bà tủi phận mà khóc hết nước mắt…
Tui nợ bà nỗi cơ cực của những năm tháng vợ chồng. Tui vốn là thằng lông bông không nghề ngỗng, lúc lấy nhau, ba mẹ cho một cửa tiệm làm ăn. Nhưng sẵn tính ham chơi, tui khoán hết cho bà. Vậy là bà vất vả vừa kinh doanh, vừa nội trợ, vừa chăm sóc con cái. Còn tui cứ miệt mài từ cuộc vui này sang cuộc vui khác…
Tui nợ bà cả những tủi nhục, những uất hận của một người vợ trót có chồng trăng hoa. Lúc đứa con thứ hai mới chào đời, tui có “phòng nhì”. Cô ta trẻ đẹp, khôn khéo với vô số thủ đoạn. Tui mê mẩn cô ta, về đòi ly hôn. Bà cương quyết không chịu, nói tui muốn đi thì cứ đi, chứ bà không bao giờ đồng ý. Tui lại đòi chia tài sản để có tiền cho cô ta. Khuyên tui mãi không được, bà phải gạt nước mắt bán đi cửa tiệm, chia đôi tiền. Không thể về nhà mẹ đẻ được, bà phải dắt díu con sang ở nhờ nhà chồng, chịu cái tiếng bị chồng bỏ mà không có đường về…
Tui nợ bà cả một trời vị tha. Tui đi theo nhân tình được hai năm thì cũng gãy gánh, tiền bạc đội nón ra đi hết. Vậy mà khi tui lủi thủi quay về, bà cũng dang tay đón nhận. Rồi bà lại tiếp tục những chuỗi ngày vất vả vừa kinh doanh, vừa nội trợ, trong khi lão chồng bất tài chẳng giúp được bao nhiêu.
Tui nợ bà những tháng ngày vui sướng của tuổi trung niên. Bởi lẽ sau này, khi tui đã hồi tâm chuyển ý, chuyên tâm làm ăn thì cũng đã muộn. Lúc tui tạo dựng được chút tiền bạc, chút của cải để bà có thể hưởng chút an nhàn thì là lúc tuổi bà đã xế chiều…
Tui nợ bà nhiều lắm, những món nợ chẳng bao giờ trả nổi. Gần 70 tuổi, trải qua bao thăng trầm dâu bể, tui đã sai lầm vô số chuyện. Nhưng có một điều tui chắc chắn mình đã làm đúng, đó là cưới bà. Tui đã tìm được cho mình một “tài sản” quý giá nhất đời.
Theo Phụ Nữ CN