Làm được gì cho vợ, tôi luôn sẵn sàng!

Google News

Rời quân ngũ sau hơn nửa đời người gắn bó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lại chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho vợ mình.

(Kienthuc.net.vn) - Rời quân ngũ sau hơn nửa đời người gắn bó, tưởng như những năm tháng vợ chồng biền biệt sẽ được đền đáp lại bằng tháng ngày hai ông bà an hưởng tuổi già bên nhau, vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng, chẳng biết có phải ông trời lại muốn thử thách lòng người không mà 15 năm ông trở về với gia đình thì 10 năm vợ ông bị bại liệt. Ông phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho bà.
 
Xin nghỉ công tác để "toàn tâm lo cho vợ"

“Bà cô“ nhà tôi vừa lười, vừa láo

Mẹ chồng tương lai gọi điện “hỏi thăm” 5 lần một ngày Mẹ chồng tương lai gọi điện “hỏi thăm” 5 lần một ngày
Căn nhà của vợ chồng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Bưởi (Ba Đình, Hà Nội). Buổi sáng khi PV Kienthuc.net.vn đến thăm, ông đang ngồi đọc báo cho bà - "nếp sinh hoạt mà 10 năm nay chưa khi nào thay đổi" như lời ông bảo.

Ông Thước kể, hai ông bà lấy nhau từ năm 1957. Cuộc đời binh nghiệp khiến ông xa nhà biền biệt. Mãi đến năm 1997, khi ông về hưu thì mới thực sự được sống trọn vẹn trong chính ngôi nhà của mình.

Thế nhưng, niềm vui đoàn tụ chưa được bao lâu thì bà Phan Thị Thủy, vợ ông bị tai biến, liệt nửa người. Ông xin nghỉ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam để "toàn tâm toàn ý lo cho vợ, bù đắp lại những tháng ngày bà ấy vò võ chờ chồng, nuôi dạy hai con trưởng thành", ông bảo.

Từ ngày bà Thủy bị ốm liệt, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến chồng, từ tắm gội, ăn uống. Ông bà sống cùng vợ chồng người con trai út, gia đình con gái ở gần nên các con cũng phụ giúp bố phần nào trong việc chăm sóc mẹ. Nhà lại thuê thêm người giúp việc để cùng chăm nom bà, thế nhưng "con chăm cha không bằng ông chăm bà, bởi người già nên hiểu tính nết nhau, chăm sóc nhau cũng thuận lợi hơn", ông Thước chia sẻ.
 
Chỉ mong bà ấy nói được thôi!

Bệnh tình của bà Thủy thay đổi theo thời tiết. Những lúc trái gió trở trời bà lại mệt, hay nổi cáu, vùng vằng vô cớ, không chịu ăn uống. "Có lần lên cơn, bà ấy còn cắn cả vào tay tôi. Lúc đầu, thấy bà ấy như vậy thì cũng giận lắm. Tôi hỏi "bà không thương tôi nữa hay sao mà cắn tay tôi?" thì bà thảng thốt, nước mắt lưng tròng, lắc đầu vì có nhớ được gì đâu. Ngẫm lại, cũng chỉ vì bệnh tình mới khiến bà ấy như thế. Vậy nên tôi lại càng thương vợ hơn. Làm được gì cho vợ, tôi luôn sẵn sàng", ông Thước kể.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ân cần chăm sóc vợ 10 năm nay.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ân cần chăm sóc vợ 10 năm nay.

Bà Thủy không nói được nhưng vẫn có thể nghe và hiểu. Bà rất thích được chuyện trò, dù chỉ giao tiếp bằng cử chỉ. Vậy nên, ông Thước thường tranh thủ thời gian để nói chuyện cùng vợ, ôn lại những kỷ niệm xưa. Chủ nhật hàng tuần, các con cháu đều quây quần để cùng nấu ăn, gặp mặt gia đình. "Những lúc ấy, bà vui lắm, cười nhiều hơn. Cũng 10 năm nay, đi đâu thì thôi chứ ở nhà, tôi đều dành thời gian đọc báo cho vợ. Bà thích nghe tin thời sự. Những lúc tôi bận làm việc thì lại mở dân ca cho bà ấy nghe, song cũng không rời bà ấy nửa bước. Nhiều bản thảo tôi viết ngay cạnh xe lăn của vợ", ông "bật mí".

"Bà ấy cũng tình cảm lắm đấy. Nhiều hôm tôi bận đi họp, bà ấy nhờ người gọi điện, hỏi tôi có về ăn cơm không. Nếu tôi bảo "có" thì dù phải đợi đến hơn 12 giờ, đói đến mấy bà ấy cũng nhất định đợi. Những ngày tôi đi vắng, bà lại nhờ người gọi điện, mở to loa điện thoại lên để cùng nghe", giọng ông Thước không giấu được nỗi xúc động, nghẹn ngào.

Trước khi chúng tôi chào tạm biệt ông bà, ông cho hay: "Ngày mai, tôi sẽ vào Hà Tĩnh để đón thầy bấm huyệt ra điều trị cho bà ấy. Nghe đâu, ông thầy này "mát tay" lắm, chữa cho nhiều người nói được rồi. Chỉ mong cho bà ấy nói được thôi!". Ngồi bên cạnh, nghe chồng kể chuyện, bà Thủy lại khóc nấc lên. Ông Thước vội quay sang, vỗ về.

Chứng kiến những cử chỉ chăm sóc của ông tới người vợ hiền đã cả đời hy sinh, tảo tần thay chồng gánh vác việc gia đình, nuôi dạy các con khôn lớn mới thấy rằng chính trong hoạn nạn, thử thách càng toát lên tình yêu thương, nghĩa vợ chồng sâu sắc hơn bao giờ hết. Và bóng dáng vị tướng lĩnh quân đội ấy hiện lên rất đời, thật đẹp và gần gũi.

An Nhiên
 
 
[links()]