Ly hôn nhưng chưa kết thúc

Google News

Ba năm trở lại đây, ngày nào anh cũng ghen tuông vô lối rồi về đánh vợ đến thừa sống thiếu chết...

Hai dãy ghế trong phòng xử án cách nhau một lối đi nhỏ. Người chồng ngồi bên này, mấy lần quay sang vợ, nói bằng giọng buồn thiu: “Cho anh thêm một cơ hội”, người vợ bên kia cứ ngó lơ, chừng như không nghe không thấy.

Ghen tuông vô lối

Năm 1992, anh Nguyễn Thanh P. (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Bé H. (SN 1974, hiện trú tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) chính thức nên duyên chồng vợ. Hai con gái lần lượt chào đời, cuộc sống tuy chật vật song hạnh phúc. Anh làm nghề phụ hồ, chị ở nhà se nhang, tằn tiện nuôi các con ăn học. Sáu năm trước, muốn ổn định, vợ chồng anh xin vào làm công nhân KCN Tân Tạo. Theo chị H., mọi sự cũng từ đó chao đảo, nhất là ba năm trở lại đây, ngày nào anh P. cũng ghen tuông vô lối rồi về đánh vợ đến thừa sống thiếu chết: “Đi sửa xe, chợ búa, tôi đều bị anh rình mò theo dõi. Đi đâu về trễ một chút, tôi cũng bị tra khảo, không vừa lòng là anh đánh đập”. Hôm ấy, vừa thấy chị từ đầu ngõ, anh P. ngó đồng hồ, cho rằng vợ về trễ nên lao ra đường túm tóc kéo vô nhà, giáng cho những cú đấm, cái bạt tai, ai can ngăn cũng không được. Xót con gái, mẹ vợ nhào vô khuyên can cũng chịu đòn.

Cuộc sống gia đình trở nên bí bách, khó thở, chị viết đơn ly hôn. Tháng 2/2013, TAND Q.Bình Tân xử sơ thẩm, tuyên ly hôn, dựa trên các biên bản của phường cho thấy anh P. nhiều lần bạo hành vợ. Chị H. được quyền nuôi con, không yêu cầu cấp dưỡng. Anh P. kháng cáo, xin đoàn tụ.

Phiên phúc thẩm diễn ra chiều 21/5 tại TAND TP.HCM, vị chủ tọa phân tích, ai cũng có những mối quan hệ bạn bè hoặc công việc để giải quyết riêng, đòi hỏi đi về đúng giờ hay giao tiếp, liên lạc ai đều trình báo cho chồng là điều… quá sức với bất cứ người vợ nào. Anh P. phân trần: “Tôi không kiềm chế nổi khi vợ cứ đi làm về trễ, ở nhà thì lén lút nghe điện thoại, hỏi cô ấy đi đâu, gọi cho ai đều không trả lời”. Anh kể thêm, chị H. hay mượn lý do đau răng, để rồi trong nửa năm ròng, cách vài ba bữa lại đòi đi tái khám. Có lần hoài nghi, anh tìm đến phòng khám nhưng không thấy vợ, về hỏi, chị H. đinh ninh “chỉ một đường thẳng đến phòng khám và ngược lại”. Rồi mấy lần bắt gặp vợ đi ăn, đi uống nước với người đàn ông lạ nên anh tức giận không kiềm chế được.

 Anh Nguyễn Thanh P. lầm lũi dắt xe về sau phiên xử phúc thẩm.

Bản án không là dấu chấm hết

“Tôi yêu vợ, nhưng có người chồng nào bình tĩnh nổi khi vợ cứ “mập mờ” như vậy?”, anh P. nói rồi bất ngờ quay sang vợ nài nỉ: “Nếu em cho thêm một cơ hội, anh hứa không bao giờ tái diễn chuyện đánh đập. Con chúng ta còn nhỏ, mẹ em già yếu, gần 20 năm chung sống, xin em nghĩ đến tình cảm xưa mà tha thứ cho anh”. Chị H. ứa nước mắt, giọng tức tưởi: “Em thương anh là thương cả đời, mà anh vì một chút ghen tuông, ích kỷ cứ hành hạ em. Đánh - xin lỗi - rồi lại đánh, em làm sao chịu được”.

Trong giây phút ngắn ngủi, cảm giác như giữa họ đã không còn sự hiện diện của “vách núi” vô hình. “Nắm bắt” phút chùng lòng của chị, vị chủ tòa thiết tha: “Chồng mà ghen tuông, hoài nghi đúng là rất khó chịu. Nhưng tòa nhận thấy hai đương sự còn rất thương nhau. Ly hôn là chuyện của cha mẹ, nhưng nên nghĩ cho các con, đứa trẻ nào lớn lên trong gia đình đổ vỡ đều chịu những thiệt thòi và khiếm khuyết nhất định. Đã ngần ấy năm bền vững, còn tình nghĩa, thì thêm một năm thử thách, vì mình, vì con cũng có sá gì”. Nhưng chị H. lắc đầu, nức nở rằng thương, nhưng thà ly hôn để an lòng nuôi con, còn hơn có ngày bị chính chồng quá tay đánh chết!

Anh P. bỗng bật khóc sau câu nói nhói lòng của vợ. Giọng rất buồn, anh kể chuyện đã nhiều lần xin níu kéo chút thời gian còn là chồng, là cha trong mái ấm nhỏ. Hôm tòa Bình Tân triệu tập, anh tìm gặp thư ký, thiết tha xin hoãn xử đến qua Tết, để anh được vui vẻ ba ngày xuân với vợ con, cảm nhận chút không khí của gia đình. Nhưng phiên xử vẫn diễn ra vào 27 Tết, tuyên ly hôn. Sau đó anh về nhà và bị vợ… đuổi đi. Anh chia sẻ: “Từ sau sơ thẩm đến nay, đã ba tháng, tôi rất thấm thía nỗi nhớ vợ thương con. Đến thăm mà vợ tránh mặt, tôi tìm gặp con ở trường cho thỏa nhớ. Hối hận lắm, đây là bài học đắng đót nhất của đời tôi”. Anh xin nói riêng với chủ tòa, không có anh, cuộc sống của vợ con rất chật vật, do đó anh tự nguyện đóng góp mỗi tháng 1,5 triệu đồng cấp dưỡng nuôi con, trong trường hợp không thể hàn gắn.

Cuối cùng, cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định cho ly hôn của tòa sơ thẩm, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện cấp dưỡng của anh.

Bản án ly hôn, là dấu chấm hết một cuộc hôn nhân. Song nó không là sự kết thúc của tình yêu và trách nhiệm. Không ai có quyền cấm cản một người cha thăm nom, lo lắng cho con và vẫn yêu thương vợ cũ. “Chỉ đánh người chạy đi, trân giữ tình yêu để thay đổi ứng xử, thái độ, biết đâu, vợ sẽ tha thứ cho anh. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình tái hợp khi bản án ly hôn giúp người ta nhận ra tình yêu, từ đó sửa đổi, hoàn thiện mình” - vị chủ tọa ôn tồn giải thích. Anh im lặng, gật đầu, rồi nhấm nhẳng rằng sẽ sửa sai, sẽ không thôi hy vọng. “Thật khó khi trông mong vợ chồng lại sum họp. Nhưng còn yêu, tôi còn cố gắng, coi như “chinh phục” lại từ đầu” - anh cười mà mắt đỏ hoe.

 Mong con tim “sẽ vui trở lại”

Việc ly hôn của anh P., chị H. làm cho người ta tiếc nuối. Tình yêu của anh dành cho chị và các con, tình cảm chị dành cho anh sẽ có một cái kết thật đẹp nếu như họ hành xử chín chắn hơn. Ở đây, hành vi bạo hành của anh P. đối với chị H. là không thể chấp nhận được, bất kể lý do gì. Hành vi này, lẽ ra phải được chính quyền địa phương xử lý quyết liệt, nghiêm khắc hơn thì sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình có thể đã không xảy ra.

Ở góc độ pháp luật, với hành vi bạo hành của anh P. liên tục diễn ra trong ba năm nhưng chính quyền địa phương chỉ lập biên bản, không áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là một thiếu sót, khiến tình trạng bạo hành càng trầm trọng hơn. Theo điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhẹ thì góp ý phê bình, đưa ra cộng đồng dân cư mà không chịu sửa chữa thì sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn như cấm tiếp xúc với nạn nhân, giáo dục tại xã phường hoặc đưa vào cơ sở giáo dục nếu chưa đến mức xử lý hình sự… Ở đây cũng cần nói thêm về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở địa phương trong việc để cho tình trạng bạo lực của anh P. tái diễn thời gian dài.

Trong hôn nhân, một chút ghen tuông, giận hờn sẽ là gia vị tạo nên hạnh phúc. Nhưng nếu “quá liều” thì gia vị ấy sẽ trở thành thứ độc dược có thể giết chết hôn nhân. Việc ghen tuông vô cớ của anh P. làm cho gia đình vốn đã dễ tổn thương (vì mưu sinh thường ngày) càng trở nên dễ vỡ, dần giết chết tình yêu, sự yên ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, “Bản án ly hôn là dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân nhưng không là sự kết thúc của tình yêu và trách nhiệm”. Tôi hy vọng với tình yêu, trách nhiệm của anh P. dành cho chị H. và các con, một ngày không xa gia đình họ lại đoàn tụ, khi mọi vướng mắc được giải tỏa, hai bên đã hiểu cho nhau hơn.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP.HCM)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Báo Phụ nữ