Đàn bà đi đánh ghen là chuyện thường ở huyện còn hễ có anh đàn ông nào thấy vợ/ người yêu ngoại tình và trong giây phút nông nổi, không kiềm chế được lỡ vung tay hành hung người tình/tình địch thì bị phê phán, dè bỉu, châm chọc, lên án vì "Đàn ông, đàn ang ai lại nhỏ nhặt như chị em thế kia. Hèn. Kém. Đáng khinh".
Ô hay lạ nhỉ, người ta bảo ghen tuông là biểu hiện, gia vị không thể thiếu của tình yêu. Vậy hóa ra đàn ông không biết yêu, không được phép thể hiện tình yêu lớn lao của mình cho bàn dân thiên hạ biết hay sao?
Đàn bà được đánh ghen còn đàn ông thì cấm - cái điều tưởng như thật vô lí đó lại được người trong cuộc, dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Cánh chị em dĩ nhiên chẳng có ý kiến gì cũng là điều dễ hiểu vì họ đã được trao cái "quyền năng" tối thượng là được phép đánh ghen khi phát hiện chồng/người yêu phản bội.
Còn cánh mày râu thì sao? Sao chẳng thấy họ phàn nàn, kêu ca đỏi hòi quyền lợi nhỉ? Chẳng biết đồng tình, hưởng ứng hay phản đối nhưng chưa thấy "cuộc biểu tình" nào thì chắc là bản thân họ cũng tán thành với quan điểm đàn ông đánh ghen thì chẳng đáng mặt nam nhi.
|
Ảnh minh họa.
|
Các anh đàn ông nếu bị người yêu/vợ tặng cho vài cái sừng lớn nhỏ, dài ngắn cắm ở trên đầu nhưng vẫn chẳng thấy anh nào xù lông, trợn mắt hay tụt quần, lột áo tình địch. Thế nhưng, hễ bà vợ nào biết mình bị chồng "chơi xỏ", dám lén lút "ăn vụng" thì chẳng cần biết thực hư thế nào họ cũng nổi trận lôi đình, chuyện bé xé ra to, làm mưa làm gió khiến cho chồng/người tình phải ê mặt vì xấu hổ, nhục nhã. Chưa dừng lại ở đó, những kẻ ngoài cuộc chẳng những tỏ chút cảm thông, thương tình với những kẻ bị đánh ghen. Ngược lại họ còn khinh bỉ, chế giễu: "Đáng đời tội lăng loàn đi cướp chồng người khác".
Cái chân lí đàn bà mới có quyền đánh ghen được thấm nhuần từ chị bán cá, bán tôm ngoài chợ đến cả những kẻ có ăn, có học ở chốn công sở.
Như chuyện vợ chồng chị bán hàng tạp hóa ngoài chợ gần nhà tôi là một ví dụ. Khi chồng chỉ mới liếc mắt sang cô bán hàng vải kế bên mà đã xảy ra chiến sự ban căng giữa hai người phụ nữ vốn trước đến nay thân thiết như chị em.
Chẳng biết sự thể ra sao, chẳng biết người chồng có tình ý đen tối gì với chị bán vải hay không nhưng ngay lập tức chị vợ nổi máu ghen hất tung sạp bán của tình địch rồi lao vào xé áo, giật tóc. Vừa đánh vừa chửi vừa la làng, người ngoài đứng nhìn xem cũng ném những lời cay nghiệt cho cô bán hàng vải: "Cái ngữ ấy thì đáng đánh lắm, đánh cho chừa cái tội dám quyến rũ chồng người khác".
Không chỉ chuyện ngoài đường, ngoài chợ mà chẳng đâu xa ngày công ty tôi cũng suốt ngày chứng kiến cảnh các chị kể chuyện đi đánh ghen cho bản thân hay đánh ghen hộ cho chị em gái, bạn bè.
Được giành thế thượng phong, quyền ưu tiên nên họ cũng chả dại gì mà không tận dụng hết quyền năng đó. Hễ có bất cứ chị nào bị chồng/người yêu phản bội thì y như rằng ngay lập tức họ thành lập liên minh để lên kế hoạch chiến đấu với tình địch.
Ngọc Lan, cô bạn thân của tôi khi phát hiện chồng tư tình cặp với em sinh viên thực tập đã nổi máu Hoạn Thư. Cô đã rủ các chị đồng nghiệp, bạn thân, em gái đến ngồi chờ sẵn tại phòng trọ của cô gái.
Khi thấy chồng đang sung sướng, hạnh phúc dung dăng dung dẻ với cô tình nhân trẻ bước vào phòng thì họ thay nhau lao vào chửi bới, đấm đá túi bụi vào cô sinh viên. Tưởng anh Chung - chồng Lan sẽ đứng bảo vệ người đẹp cho đáng mặt đàn ông. Thế nhưng, trái lại anh ta nhanh chóng lẩn vào đám hỗn loạn đang cào cấu nhau và nhanh chóng chuồn êm để mặc người của vợ lăng mạ, cắt tóc, xé quần áo, phá hết đồ đạc của cô tình nhân.
Sau chuyện đó tưởng Lan và chồng mỗi người sẽ đi một ngả nhưng 1 tháng sau gặp lại tôi đã thấy họ hạnh phúc khoác vai nhau vào rạp chiếu phim tình cảm hơn cả thời còn yêu nhau.
Tôi cũng đã chứng kiến tận mắt hay nghe đủ các câu chuyện của bạn bè, người thân rồi đọc các bài báo nhan nhản trên mạng về việc chị em đi đánh ghen. Họ chẳng những bị lên án mà còn rất được mọi người ủng hộ vì dư luận xã hội đa phần cho rằng như thế là đúng.
Thế mà anh hàng xóm nhà tôi khi phát hiện vợ lừa dối, ngủ với sếp suốt 2 năm qua đã điên máu bạt cho cô vợ hai cái tát cháy máy và đuổi ra khỏi nhà.
Ngay tối hôm đó, anh đã bị các chị em phụ nữ trong xóm và bác tổ trưởng đến nhà giáo huấn: "Chị nhà có sai thì anh là đàn ông không được phép hành hung, đánh đập vợ. Như thế là phạm tội vũ phu.... ". Và bị "đe dọa": "Nếu anh còn tái diễn thì chúng tôi sẽ báo công an phường đến xử lí, đòi lại quyền công bằng cho vợ anh. Dẫu sao người ta cũng là phụ nữ, chân yếu tay mềm...". Anh chồng rối rít xin lỗi và hứa sẽ không bao giờ đánh đập vợ nữa.
Thế mà chỉ mới cách đó 1 tháng, một chị ở tầng 5 khu tập thể nơi tôi ở cũng ầm ĩ đuổi chồng ra khỏi nhà vì tội lấy tiền bao gái thì chẳng thấy ai có ý kiến gì. Trái lại các chị em trong xóm lại xúm xít động viên, hùa nhau mà rằng: "Em làm thế phải lắm. Chị mà bị chồng cắm sừng như em chị còn mạnh tay hơn. Phải cho hắn ta nếm mùi vì tội dám đi tìm con đàn bà khác. Nếu em cần đánh ghen thì bọn chị sẽ xắn tay áo giúp một tay để em đỡ thiệt thòi".
Ô hay, thế là sao nhỉ? Tôi cứ nghĩ mãi mà chưa tìm ra được lời đáp vì sao cùng một tình huống, chỉ khác ở người chủ thể thì cách giải quyết và con mắt của dư luận lại khác nhau đến thế.
Có lẽ vì thế mà cách đây hơn 300 trăm năm về trước đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng thành công một hình tượng điển hình về máu ghen của đàn bà là Hoạn Thư. Và tôi đố bạn lật lại lịch sử, lục tìm trong các nhân vật điển hình trong các tác phẩm văn học hay ngoài đời thực kiếm đâu ra một "anh Hoạn Thư"?
Theo MegaFun