Đám đông nhốn nháo kèm tiếng la hét, chửi bới vẳng lại từ phía góc đường lôi kéo đôi chân tôi về phía ấy. Người dân bu kín xung quanh, đứng ở ngoài thật khó nhìn thấy những gì đang xảy ra, chỉ nghe mấy bà đi chợ kháo nhau: “Chết vì tình. Bị đánh ghen đây mà”.
Một vài người giàu lòng trắc ẩn lớn tiếng khuyên can mấy tay thanh niên hung hãn tha cho nạn nhân xấu số, nhưng nhìn mấy kẻ đánh thuê người ngợm xăm trổ đủ thứ hình thù kỳ quái, mặt mũi bặm trợn giang hồ, ai nấy đều khiếp vía rồi im bặt. Họ ái ngại nhìn về phía cô gái đầu tóc rũ rượi, máu từ miệng chảy ra, quần áo rách tươm như mớ giẻ chắp vá trên tấm thân bầm dập, tím tái.
Len lỏi giữa đám đông hiếu kỳ, tôi thất kinh khi nhìn thấy gương mặt của cô gái trẻ ngã sóng soài dưới nền đất ẩm ướt còn sót lại sau đêm mưa hôm trước. Đó chẳng phải là Thảo – con dâu cũ của tôi - hay sao? Mặc dù không ưa gì, thậm chí ghét cay ghét đắng Thảo, nhưng không hiểu nguồn cơn từ đâu, lý trí bảo tôi chen vào giữa đám côn đồ và ngăn cản trận hành xác mà chúng dành cho con dâu cũ của tôi.
Tôi giật vội tấm áo mưa của bà bán hàng gần đó và khoác lên người Thảo đang run cập lập vì lạnh và đau. Tiếng la hét của tôi nhận được sự đồng tình của những người chứng kiến. Lúc ấy, đám côn đồ mới chịu giải tán. Tôi định dìu Thảo về nhà nhưng Thảo gạt tay tôi ra. Cô ấy bước đi, bỏ lại cho tôi cái nhìn hằn học, bất cần và lạnh lẽo.
Tôi đứng chôn chân một chỗ, giỏ đồ đi chợ bất giác rơi xuống đất, văng lăn lóc trên con đường ướt nhẹp. Một thoáng rùng mình, tôi nhớ về thói cơ cầu, tệ bạc tôi đã dành cho Thảo trước đây, khi nó vẫn là con dâu tôi. Rồi tiếp đó, lũ lượt những câu hỏi quay quắt vẳng lại. Tại sao Thảo ra nông nỗi này? Phải chăng tôi chính là tội đồ đã đẩy Thảo vào cảnh thê lương, u tối như hiện tại?
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Thảo từng là con dâu tôi. Nó là vợ của thằng Hải – đứa con trai độc nhất của tôi. Thú thực, ngay từ khi Hải dẫn Thảo về ra mắt, tôi đã tỏ ý không hài lòng. Giác quan của một người mẹ nói với tôi rằng Thảo rất khó trở thành một nàng dâu ngoan hiền. Trong khi Hải hiền lành, ít nói, tính nết chỉn chu, gia giáo, thì Thảo trái ngược hoàn toàn.
Nó ăn nói bỗ bã, phóng túng, tính nết có phần ngông cuồng, bất cần đời. Hải một mực bênh người yêu, khen Thảo “vô tư, thoải mái, tuy bên ngoài xù xì là vậy nhưng nội tâm sâu sắc, thông minh”. Yêu nhau chẳng bênh nhau thì sao, tôi vẫn một mực kiên quyết phản đối.
Thú thực, Hải là cả cuộc đời của tôi. Nó là kỳ quan một tay tôi tạo dựng kể từ lúc chồng tôi qua đời khi tôi còn rất trẻ. Bao nhiêu yêu thương, kỳ vọng, niềm tin, tôi đều dồn cả cho con. Con tôi ngoan ngoãn, trí tuệ hơn người, nên mong mỏi của tôi là Hải cũng phải tìm được một nửa “tài sắc vẹn toàn”, xứng đôi vừa lứa với con.
Thế mà, chẳng biết Hải rước từ đâu về một cô gái phóng túng, hoang dã như cây lan dại và khẳng khái giới thiệu “đây là người yêu con”. Phận làm mẹ, làm sao tôi có thể chấp nhận cuộc hôn nhân chệch choạc, khập khiễng này.
Thế nhưng, dường như sự ngăn cản quyết liệt của tôi càng đốt lên ngọn lửa tình của hai đứa. Tới khi Hải dắt tay Thảo về với chiếc bụng bầu lùm lùm sau lớp áo, tôi biết rằng nỗ lực của mình hoàn toàn thất bại. Giận con trai, giận Thảo, nhưng tôi không thể chối bỏ huyết thống của gia đình mình. Đứa trẻ nào có tội tình gì, và hơn hết, nó là con cháu, là giọt máu của chúng tôi. Đám cưới diễn ra trong miễn cưỡng, thật tâm trong lòng tôi không có lấy một chút hài lòng, yên ổn.
Về làm dâu, Thảo vẫn giữ tính nết như thời còn con gái. Buổi sáng, Thảo giữ thói quen ngủ tới khi trời sáng bảnh mắt vẫn không buồn dậy. Bao năm qua, tôi giữ nếp nấu ăn sáng cho Hải đi làm, nay có Thảo làm dâu, tôi muốn nhường phận sự ấy cho Thảo. Ai ngờ, nó dậy rồi chạy tót ra đầu ngõ, mua cho Hải cái bánh mỳ ốp la, hoặc tô bún, phở.
Tôi không hài lòng về cách chăm chồng của Thảo, góp ý thì nó tỏ ra khó chịu: “Thời đại nào rồi mà mẹ còn nặng nề chuyện bếp núc?”. Nói đoạn, nó bỏ vào phòng ngủ tiếp. Thảo làm báo tự do, giờ giấc không cố định nên có khi nửa trưa mới đi làm và trở về nhà khi tối mịt. Tôi nói với Hải, nó chỉ cười xuề xòa: “Ôi dào, mẹ bận tâm làm gì. Thảo là người yêu tự do mà mẹ”. Tự do kiểu gì, chứ kiểu “ngựa hoang” ngay cả lúc có chồng này, làm sao tôi bỏ qua cho được.
Thảo sinh con đầu lòng, nhà có mẹ, có con, nhưng nó kiên quyết đòi thuê ôsin giúp việc. Tôi không đồng thuận, bởi đứa trẻ còn nhỏ quá, cần được mẹ nâng niu, chăm bẵm. Dồn tất việc cho ôsin, sau này con thiếu hơi mẹ, làm sao quấn quýt, gần gũi được, trong khi đó tôi còn khỏe, thừa sức khỏe trông cháu.
Nhưng, Thảo một mực làm theo ý nó. Đến lúc này, không thể chịu đựng được cô con dâu lười nhác, lắm chiêu trò, hoang tàng, tôi quyết ra tay hành động, tìm câu trả lời giải đáp những ngờ vực tiềm ẩn trong lòng tôi từ rất lâu rồi.
Tôi bắt đầu đặt nghi vấn từ đứa cháu nội tôi hết mực yêu thương. Tại sao Thảo tỏ ý dè chừng mỗi khi tôi tới gần, thậm chí không muốn tôi gần gũi cháu? Nhiều khi nhớ cháu, tôi lén vào phòng nhìn trộm cháu ngủ. Nhưng kỳ lạ, nhìn đi nhìn lại, tôi không thấy đứa nhỏ giống Hải ở bất cứ nét nào. Hải mắt đen, tóc cứng, đen thì đứa bé mắt nâu, tóc gợn xoăn nhẹ.
Đến dáng ngủ, đôi bàn tay, bàn chân của cháu đều không gợi cho tôi bất cứ ấn tượng nào về hình hài của Hải lúc nhỏ. Mạnh dạn lấy vài sợi tóc của cháu nội và Hải, tôi tới trung tâm xét nghiệm ADN giám định. Khi bác sĩ đưa cho tôi bản thông báo cháu nội của tôi và Hải tới 99,99% không cùng quan hệ huyết thống, tôi chỉ muốn quỵ ngã. Nỗi lo sợ trong tôi đã trở thành hiện thực. Ngay từ đầu, Thảo đã dẫn dụ, lừa gạt Hải và gia đình chúng tôi. Thương con trai, căm hận con dâu, máu nóng trong người kẻ làm mẹ như tôi dâng lên đỉnh điểm.
Trở về nhà, tôi ném tờ giấy xác nhận của trung tâm xét nghiệm ADN vào mặt Thảo. Trái với những gì tôi hình dung, Thảo tỏ ra bình tĩnh, không chút ăn năn. Cô ta gằn giọng: “Cuối cùng mẹ cũng đã biết. Con không định lừa dối bất cứ điều gì. Mẹ có thể hỏi anh Hải”. Con trai tôi im lặng, một sự im lặng xác minh rằng Hải đã biết kịch bản này từ đầu đến cuối.
Hải quỳ xuống chân tôi, khóc lóc, thừa nhận: “Con là người đồng tính. Con sợ làm mẹ thất vọng và ngại xấu hổ với mọi người nên mới cùng Thảo dựng lên vở kịch vợ chồng. Ngay từ đầu, từ chuyện yêu Thảo, có con với Thảo… đều là màn kịch do con dựng nên, mẹ ơi!”.
Tôi thực sự choáng váng, không dám tin vào những gì Hải nói. Hóa ra, chúng đã lừa dối tôi ngay từ đầu. Không đủ bình tĩnh, tôi đuổi Thảo ra khỏi nhà. Tôi không cần đứa trẻ bất hợp pháp kia, tôi không cần cái mác hào nhoáng ẩn ngoài lớp mục ruỗng đang kỳ phân hủy trong nếp nhà này.
Cơ cầu, đáo để hơn, tôi còn viết đơn tố cáo Thảo lên cơ quan của cô ấy, rằng Thảo là một kẻ phóng túng, lăng loàn, thiếu đoan chính. Nghe đâu, Thảo cũng điêu đứng vì vụ việc lùm xùm đó và buộc phải chuyển công tác. Tôi bặt tin Thảo kể từ đó. Còn Hải con tôi sang Mỹ du học, tôi thừa biết nó muốn trốn chạy quá khứ u tối của mình nên không ngăn cản vì có thể đó là liều thuốc tốt nhất dành cho Hải vào lúc này.
Tôi gặp lại Thảo vào đúng cái hôm đi chợ sớm đó. Lần nữa tôi gặp Thảo khi cô ấy tìm tới nhà và trả lại cho tôi tấm áo mưa tôi mượn được để che chắn cho Thảo khỏi cơn bầm dập của đám côn đồ. Thảo gằn giọng: “Tôi đã đi làm gái, cặp bồ, chen chân vào hạnh phúc gia đình người khác. Bà đã hài lòng rồi chứ? Cả cuộc đời này, tôi hận bà đến xương tủy”.
Những lời lẽ cay nghiệt của Thảo quất mạnh vào bộ óc mụ mị của tôi. Tôi không hỏi Thảo về đứa trẻ, tôi đoán nó vẫn sống cùng mẹ, trong cơ cực. Và có lẽ, vì đứa nhỏ, vì nỗi hận đời, Thảo mới sa chân vào con đường lầm lạc như vậy. Nhưng trên tất cả, phía sau số phận bi thảm của Thảo, có một phần tội lỗi lớn do nỗi cơ cầu, cực đoan của tôi năm xưa.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật