Mới đám cưới hơn hai năm, mà bà Trương Thị Cẩm Nương, một kế toán, cảm thấy hai vợ chồng đã sống với nhau…mấy chục năm. Nghe một người bạn thân khoe cái vali mua 10 năm, xài nhiều lần chưa cũ, bà ngậm ngùi nhớ đến lão chồng, sao cũ nhanh thế không biết.
Sáng, ông chồng thức dậy, uể oải, mắt nhắm, mắt mở, từng bước nặng nề vào toilet, không bao giờ đóng cửa, nên buổi sáng trong lành của bà vợ luôn bị ô nhiểm bởi âm thanh cá nhân của lão chồng. Rồi lão thay quần áo, xỏ giày, ho vài tiếng, dắt xe ra khỏi nhà…cứ thế ngày này qua ngày khác chả có gì mới. Có khi bà bật cười một mình khi đoán đúng ngay hành vi kế tiếp của chồng. Hay thật, lão chẳng thay đổi gì cả. Buổi tối, hôm nào đi nhậu với bạn, lão sẽ về khoảng giờ đó, dáng xiêu xiêu, lăn đùng ra ghế sopha, hôm nào không ai rủ đi nhậu thì sau khi chán cái laptop, lão nằm ườn xem tivi, và khi lão chịu mò vào giường là lúc lão ngáp đến sắp toác cả miệng.
|
Ảnh minh họa. |
Ngay cả cái cách lão gây chuyện với vợ cũng…cũ sì. Ở nhà bà, những buổi cơm tối đầy đủ vợ chồng, con cái đâu phải là thường xuyên, vậy mà ngồi vào bàn ăn, lão luôn nói một câu: “Hổng có gì ăn, cứ canh chua, thịt kho, rau muống hoài!”. Cái chê của lão, khiến bà cảm thấy bị tổn thương, ai nội trợ mới hiểu nổi niềm của người nấu ăn, đi chợ đến long óc mới nghĩ ra mua gì, nấu gì…Nhưng bà cũng kịp nhận ra một thông điệp: Thì ra chồng bà cũ sì của bà lại muốn vợ phải mới, ít ra là nấu món mới. Vậy là bà có cơ sở để suy ra: “Chắc lão chồng cũng thấy bà vợ mình…đang cũ đi”.
Các ông chồng gặp nhau trên bàn nhậu, hay bông đùa: “Không có gì cũ nhanh bằng…bà vợ”…chứ các lão đâu biết, các lão cũng cũ nhanh không kém, cũ từ con người đến hành vi, lối sống, cách ứng xử.
Bà Lê Thị Thu Phương, mất 6 năm quần quật làm mẹ vì sanh liền hai đứa con chỉ cách 2 năm. Đó là khoảng thời gian, bà không biết đến giấc ngủ dài, bữa cơm trọn vẹn. Con cái lấy đi nhiều sức lực của bà. Bây giờ, đứa đã lên 6, đứa đến 4, bà mới có thời gian phục hồi ngoại hình. Dành thời gian đầu tư làm móng, làm đầu, matxa…bà thấy mình cũng chưa đến nỗi nào, “bo - đì” chưa đến mức xuống cấp. Vậy, mà chồng bà, chẳng bầu bì, sanh nở, chẳng cho con bú, cũng không thức khuya, dậy sớm…lại sồ sề nhanh hơn vợ. Bà ngao ngán nhìn cái bụng vượt mặt của chồng, kết quả của những chầu bia bọt vì đủ thứ lý do với bạn bè. Chồng bà còn hay tự hào khoe cái bụng to: “Sắp giàu rồi, nên tướng sang ra”.
Đàn ông sướng vì vô tư, già cũ thế nào thì vợ cũng phải mê, phải chiều, chứ đàn bà mà béo lên là mặc cảm ngay, là héo hon liền. Bà không chê chồng, nhưng bà chán cái lão chưa ngủ đã ngáy. Đi đâu với chồng, bà cũng chẳng vui vẻ gì khi được mọi người khen bà nhỏ hơn chồng có một tuổi, sanh hai con mà trông còn trẻ chán, bởi bà lo cái gì cũ cũng dễ bị hư hỏng. Nhiều lần bà nghiêm túc bảo chồng chú ý ăn uống điều độ, siêng chơi thể thao để giữ gìn sức khỏe. Mua áo quần cho chồng, năm sau tăng size hơn năm trước, bà lại nhắc chồng kiêng nhậu, kiêng ngồi máy tính. Chồng bà có nghe đâu, bảo đàn ông không sợ già, không sợ cũ, sợ xấu, chỉ sợ vợ cằn nhằn thôi.
Bởi thế, không ít gia đình lâm vào cảnh chẳng đến mức chia tay, mà cũng chẳng có gì vui. Gia đình cứ thế cũ đi, nhàm đi. Nhiều bà vợ chọn thời điểm cuối năm để thực hiện một vài hoạt động mang tính đổi mới gia đình, tuy nhiên cùng với việc sơn nhà, sơn cửa, mua hàng hóa mới…thì nhân đây các ông chồng, bà vợ cũng nên quan tâm đến việc làm mới bản thân, nhằm mang đến nhiều niềm vui bất ngờ cho gia đình.
Theo Tuổi Trẻ