- Bệnh viện K giờ quá tải đấy mày ạ.
Nghe tiếng bà vợ vảnh vót sau lưng, ông Tân quay đầu lại thấy cô bán hoa quả đang ngượng ngùng cúi đầu. Mấy người ở chợ nhìn vợ ông với ánh mắt nửa tò mò, nửa khó chịu. Ông Tân vội vàng kéo vợ đi, khẽ nhắc: “Họ mời bà không mua hàng cho người ta thì thôi. Làm gì mà phải rỉa róc họ thế”. “Ôi chao, biết là hoa quả Tàu độc hại mà cứ mời người ta mua nữa, rõ bực mình. Định cho người ta ăn vào để bị ung thư rồi vào xếp hàng dài ở viện ấy chắc”. “Thì đã biết là có độc hại thật không hay là thế nào. Mà họ bán hàng thì phải mời chứ chả nhẽ ngồi không rồi khách đến mua à”.
Hai vợ chồng ông Tân đi chợ về đến cửa, cô hàng xóm đang dắt xe ra chuẩn bị đi làm. Bà vợ ông liền sấn lại nói: “Này, dạo này bạn bè lắm nhỉ. Có đáng tin không đấy. Sân thượng hai nhà sát nhau, nhỡ chúng nó trèo sang nhà này thì bỏ mẹ”. “Toàn bạn bè cháu cả. Cô nói vậy chẳng bằng bảo cháu không ra gì. Mà nhà nào cũng có cửa khóa cẩn thận cả, bảo người ta muốn trèo vào là vào được đâu”, cô hàng xóm bức xúc nói.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Bà vợ ông thủng thẳng: “Đấy là tao cứ bảo thế. Thời buổi này chả tin bố con thằng nào”. Ông Tân thấy vợ vẫn cứ cố đôi co với cô hàng xóm, vội đấu dịu: “Thôi bà xách đồ về đi còn để cô ấy đi làm không muộn”. Cô hàng xóm khẽ chào ông rồi bực bội lên xe phóng thẳng. Bà vợ ông nhăn nhó mặt mũi nói: “Ông phải để tôi nói cho ra ngành ra ngọn chứ”. “Bà nói thế được rồi, còn muốn nói nữa thì để lúc khác. Bà không thấy người ta chuẩn bị đi làm đấy à. Ra cửa gặp gái thì xui. Đã thế bà lại còn làm người ta khó chịu nữa. Bị bà ám quẻ thế này cả ngày nay người ta vui vẻ bình thường mới là lạ đấy”. “Kệ cụ nó, chả mắc mớ gì tới tôi”, bà vợ ông ngúng nguẩy đáp.
Đang chuẩn bị đóng cổng, ông Tân thấy bà hàng xóm nháy mình ra ngoài. Ông Tân bảo vợ: “Bà đưa đồ vào bếp trước đi, tôi đứng đây hóng mát tí đã”. Chờ bà vợ ông Tân vào nhà, bà hàng xóm mới kéo ông ra ngõ, mách: “Tôi cũng không muốn nói chuyện này đâu nhưng cứ để im thì tôi ấm ức không chịu được. Hôm trước chị bên nhà bảo tôi là chị ấy để bánh xà phòng ở ban công tầng 2 mà bị mất. Mà chị ấy biết rõ là ban công của hai nhà chúng ta là sát gần đối diện nhau. Thời buổi này có cái bánh xà phòng dùng dở thì ai người ta thèm lấy, bảo dây chuyền vàng hay nhẫn kim cương đã đành. Có khi chuột tha hay là bà ấy dùng hết rồi mà không nhớ ấy chứ. Cứ nói kiểu này thì mất tình hàng xóm lắm”. “Vâng, thôi bà biết tính bà nhà tôi thế nào rồi đấy, bà đừng để bụng làm gì cho mệt. Có gì để tôi về nhắc khéo bà ấy”, ông Tân xoa dịu.
Việc ông Tân phải nghe hàng xóm láng giềng phàn nàn về vợ mình đã diễn ra như cơm bữa. Nhưng bà vợ ông không chỉ “nức danh” về thói ăn nói khó nghe ở quanh xóm mà mỗi lần ông đưa vợ đi đâu cũng gặp rắc rối. Trong lần đưa vợ đi ăn cưới con gái một anh cùng cơ quan, vợ ông dài giọng chê bai: “Đặt cỗ thì bôi bác, cỗ nấu thì như cho lợn ăn”. Miệng thì chê nhưng bà vợ ông vẫn cắm cúi ăn tì tì, chẳng để ý đến thái độ của người cùng mâm.
Lát sau, khi anh bạn dẫn con gái đến chúc rượu, bà vợ ông thản nhiên bảo: “Này, tao trông thằng chồng mày quen lắm. Giống một thằng hay bấm chuông nhà tao xin tiền. Mặt nó giống y hệt thằng này. Thế chồng mày gốc gác ở đâu”. Cô dâu đỏ chín mặt, đáp: “Dạ, chắc cô nhầm với ai. Chứ chồng cháu là thạc sĩ, gia đình có điều kiện nên không có chuyện đó đâu ạ”. Bà vẫn cố vớt vát: “Thế hay là anh em hay họ hàng nhà nó nhỉ”. Ông Tân vội vàng nâng ly lên bảo mọi người cùng chúc mừng, để xua đi không khí gượng gạo.
Ăn gần xong, bà vợ ông mới ngẩng lên hỏi thăm những người cùng bàn. Trong số đó có đôi vợ chồng cũng đã lớn tuổi nhưng chưa có con. Bà vợ ông bảo: “Thế sao không đẻ đi. Đẻ đi chứ còn chờ gì nữa”. Chưa kịp để ai đáp lời, bà đã phát đánh đét vào đùi nói tiếp: “À mà quá tuổi đẻ cha nó rồi, còn đẻ chó thế nào được nữa nhỉ”, rồi cười phá lên trước phát hiện của mình. Ông Tân xấu hổ quá, vội đứng lên bỏ ra ngoài, bởi nếu còn ngồi cạnh bà vợ thì ông không biết còn phải giấu mặt đi đâu nữa.
Theo Gia Đình