Nàng có thai, chàng "dính chưởng" pháp lý

Google News

Với nhiều người có con là hạnh phúc vì được “lên chức” cha mẹ, nhưng không ít người tin mừng được "lên chức" đó đồng nghĩa với chuyện sẽ bị pháp luật hỏi thăm…

Cưới hay hầu kiện?
Trước hết phải nói luôn rằng “có thai” ở đây không chỉ ở khái niệm đơn thuần với người phụ nữ, người mẹ, mà còn liên qua tới cả “tác giả” làm ra nó – người cha.
Trần Hùng là sinh viên trường mỹ thuật ở TP.HCM, rất nhiều tính nghệ sĩ cả trong nghề nghiệp lẫn tình yêu. Và cũng vì cái tính nghệ sĩ này mà Trần Hùng đang sống dở chết dở với cô người yêu. Giới trẻ bây giờ không thích yêu “chay” nên tình yêu của Trần Hùng cũng rất “mặn mà”. Còn trẻ, còn phụ thuộc cha mẹ, chưa làm ra tiền nên Trần Hùng nhiều lần lưu ý bạn gái đừng để có thai.
Nhưng rồi, người tính chẳng bằng trời, nên vào một ngày, bạn gái thông báo Trần Hùng đã lên chức bố. Đang là sinh viên năm thứ ba nên chuyện cưới xin với Trần Hùng là không thể, thậm chí cậu không thể nói cho gia đình biết bí mật này, nếu không muốn bị ông bố dữ đòn đuổi ra khỏi nhà.
 Ảnh minh họa.
Bí bách, không cách giải quyết, Trần Hùng chọn chước chạy làng. Tức tối trước cách giải quyết của người yêu, cô bạn gái dọa kiện cậu ra tòa để đòi nhận cha cho con và cấp dưỡng. Nghĩ đến cảnh mình phải đứng trước hội đồng xét xử, Trần Hùng hoảng hốt tìm đến người bác anh trai của bố là luật sư, gãi đầu gãi tai khai thật, nhờ bác cứu.
Nghe thủng câu chuyện của đứa cháu, người bác cả cười: “Cháu cứ yên tâm đi, ít ra từ giờ đến lúc bạn gái cháu sinh, cháu không phải ra tòa. Còn sau đó thì….”. Theo giải thích của bác, Trần Hùng hiểu rằng, với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi đứa trẻ được sinh ra và Trần Hùng đã tiến hành thủ tục nhận cha cho đứa bé.
Thế nên, tại thời điểm này, khi đứa con của Trần Hùng chưa chào đời, nếu như bạn gái vẫn nhất quyết buộc người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì yêu cầu đó chưa có căn cứ pháp lý để được chấp nhận. Còn một khi đứa trẻ đã ra đời, mà Trần Hùng vẫn “chạy làng” cả tình lẫn tiền thì khả năng cậu phải “đáo tụng đình” là khó tránh.
Bởi theo luật, mẹ của đứa trẻ có quyền khởi kiện bạn ra tòa để truy nhận cha cho con và đòi bạn thực hiện nghĩa vụ tài chính. Biết rằng đằng nào thì cũng phải trả giá cho “tình yêu mặn mà” của mình, nên Trần Hùng đành năn nỉ bác nói giúp với bố mẹ. Với cậu, cưới vợ, làm cha, dù sao vẫn hơn phải ra tòa.
“Tôi sẽ báo công an bắt cậu vì tội làm bậy với trẻ em”
Lời tuyên bố của bố vợ tương lai khiến cho Nguyễn Văn Hinh ở Thạch Thất, HN lạnh gáy vì cậu đã từng đọc nhiều trên báo án tù dành cho tội phạm “yêu” trẻ con. 20 tuổi, Hinh được bố mẹ gửi làm ở một cửa hàng sửa chữa xe máy của ông anh họ. Ở đây, Hinh đã quen Ngân 17 tuổi là cháu đằng vợ của anh họ, đến ở phụ bán hàng tạp hóa.
Yêu nhau ít lâu, đôi trẻ rủ nhau nếm trái cấm. Vì thiếu kiến thức phòng tránh nên chẳng bao lâu sau, người yêu của Hinh mang thai. Sau khi bàn bạc với người yêu, Hinh quyết định đến nhà bố mẹ Ngân để xin cưới. Nào ngờ, bố Ngân đập bàn quát tháo, dọa sẽ báo công ăn bắt Hinh vì tội giao cấu với trẻ em.
Câu chuyện của Hinh không phải là cá biệt với trào lưu sống “yêu là sex” của giới trẻ bây giờ. Cách đây không lâu, trong chuyên mục tư vấn ở một tờ báo điện tử, một luật sư đã tư vấn cho trường hợp tương tự câu chuyện của Hinh.
Theo đó, Điều 115 Bộ luật Hình sự quy định “Tội giao cấu với trẻ em”, với các dấu hiệu định tội: “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Từ quy định của luật, nếu giả sử trong trường hợp của Hinh, việc giao cấu với bạn gái là thuận tình, tự nguyện và bạn gái của Hinh đã 17 tuổi nên hành vi của Hinh không trái pháp luật, không phạm “Tội giao cấu với trẻ em” theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự.
Về vấn đề tuổi trẻ em, hiện nay pháp luật Việt Nam đang có nhiều vướng mắc khi mỗi luật quy định một khác, ví dụ như Luật Bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em năm 2004 quy định độ tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi. Luật Thanh niên quy định thanh niên 16 - 30 tuổi; Bộ luật Dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên; Bộ luật Hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội…
Thế nên, lời giải thích cho việc “giao cấu với bạn gái đã 17 tuổi là thuận tình, tự nguyện thì hành vi không trái pháp luật, không phạm “Tội giao cấu với trẻ em”, đã không làm nhiều người hài lòng, vì trong quan niệm của họ khi nữ giới chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định (18 tuổi) thì vẫn chưa lớn, vẫn là trẻ con.
Còn theo một chuyên viên pháp lý của Bộ Tư pháp, thì một người sẽ bị coi là có hành vi phạm tội khi quan hệ với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi trong trường hợp dùng hành vi, vũ lực; đe dọa dùng vũ lực; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân…
Theo Pháp Luật Việt Nam