Nghèo rồi mới đủ, mới vui

Google News

Lúc giàu, chị cứ than vãn rằng cuộc sống thiếu đủ thứ: thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu những cuộc hội họp bà tám với bạn bè…

Hồi trước…, chồng chị làm ở công ty xây dựng. Chị có cửa hàng vật liệu - trang trí nội thất tại nhà, nhân công hai ba người, giúp việc nấu ăn, giữ con một, hai người, vậy mà chị cứ than vãn rằng cuộc sống thiếu đủ thứ: thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu những cuộc hội họp bà tám với bạn bè…
Hồi đó, cuộc sống của chị là như thế này: Sáng sáng người giúp việc mở cửa, quét dọn cửa hàng, chị ngủ dậy, trang điểm xong thì ra đốt ba cây nhang ông Địa. Rồi nhẩn nha ăn điểm tâm. Khách gọi tới đặt hàng thì tai nghe điện thoại, tay ghi ghi chép chép. Rồi kêu nhân công xúc đất, xúc đá, đếm gạch rầm rập mang đi giao. Hồi đó, tiền đếm mỏi tay mà chị cũng lúc nào cũng thấy… không đủ. Tất bật kiếm tiền quá nên cái không đủ đầu tiên của chị là không đủ thời gian. Với chị hầu như hai mươi bốn giờ trong ngày không đủ để làm việc. Hỏi chị, làm nhiều thế, tiền nhiều thế sao còn kêu không đủ tiền. Chị bảo tiền đó không đủ chi! Tiền công nhân, tiền vật tư, tiền thuế, tiền người giúp việc, tiền spa, tắm trắng, xăm đen thêu đỏ, hút- nâng nhiều bộ phận trên cơ thể...
Ảnh minh họa. 
Chồng chị được đề bạt vị trí Phó giám đốc công ty xây dựng. Việc làm ăn gia đình chị lên như diều gặp gió. Công trình nào có mặt anh là lẽ tất yếu chị được cung cấp vật tư. Nhân công lên đến hàng chục người. Xứ huyện vùng biên này hình như bấy giờ không ai đầy đủ hơn gia đình chị.
Ngày đó tôi bán đồ chơi cách nhà chị hơn 300 mét. Thằng con tám tuổi của chị ham sắc màu vàng đỏ ở xe đồ chơi trẻ em của tôi nên chiều chiều chị lái chiếc xe du lịch màu cốm chở thằng nhỏ ra, mở cửa xe rồi nói vống với tôi: “Lấy cho con siêu nhân kiếm coi! Cái chong chóng hoa mặt trời nữa! Con với cái… ngày nào cũng mua, mua hoài mà hổng biết bao giờ đủ!”. Tôi trao hàng, nhận tiền, vui vì một lúc bán được hai món đồ, lời chục ngàn dư mua ký gạo. Vậy là tôi đã đủ cơm cho hai con rồi.
Vậy nên thỉnh thoảng chị rảnh, đứng nhìn con chọn lựa đồ chơi, rồi vui miệng than vãn với tôi, rằng cuộc sống chị thiếu đủ thứ, tôi cứ ngạc nhiên hoài: giàu như chị sao lúc nào cũng kêu không đủ? Chả bù với tôi, ngày rong ruổi kiếm được vài chục ngàn đã là viên mãn lắm.
Bây giờ… chị ngồi bán thơm ở góc ngã tư đường – nơi ngày xưa chị đậu chiếc xe màu cốm mua đồ chơi cho con. Thơm chị ngon, bà chủ bán lanh lẹn, luôn tay gọt “khuyến mãi” cho khách nên đắt hàng. Mỗi ngày từ sáng sớm tới bốn giờ chiều chị bán gần trăm trái, bán xong ra bến ghe mua lại. Chịu cực tự chở hai chuyến về tận nhà thì có dư thêm vài chục ngàn.
Cùng là bạn bán hàng, nên lúc vắng khách chị kể: Chồng chị thành công sớm, nắm được chức tước, quyền hành khi còn trẻ quá, không lường được chuyện thương trường là “chiến trường –hoa hồng”. Đến khi gai hồng đâm đau điếng thì phải… “cắt” tám năm cuộc đời vào “trong ấy” để sửa sai. Nhà cửa, gia sản bán hết mới trả đủ nợ nần. Chị quen cảnh nhung lụa nên… chẳng có nghề nghiệp gì. May mà “có giang buôn bán” nên bán ngày nào hết ngày đó, không ế ẩm như người ta. Trăm trái thơm một ngày, tiền lời hai ngàn đồng một trái. “Đủ sống em ạ! Hai đứa nhỏ ngoan lắm, đi học về tự nấu ăn, tự giặt giũ, tự bảo ban nhau học hành... Chị suốt ngày dang thân ngoài nắng, ngoài tiền cơm áo cho tụi nhỏ còn ráng dành dụm vài trăm đi thăm ảnh nữa! Vậy là vui rồi”.
Nói chuyện thì nói nhưng chiếc nón lá chị vẫn sùm sụp trên đầu, chị bảo ngại gặp người quen cũ, lỡ họ không cảm thông thì… tội nghiệp hai đứa nhỏ. “Em đừng nhớ chuyện ngày xưa rồi cười chị nhé. Hóa ra bây giờ chị mới biết cuộc sống này, khi mình biết đủ thì mới cặp bờ niềm vui”.
Theo Phụ Nữ Online