- Tôm ơi.
- Gì?
- Ơ cái thằng này, trả lời bố thế hả. Ai dạy con ăn nói cộc lốc, không có đầu cuối thế hả?
- Thì bố chứ ai.
- Ơ thằng này láo. Tao dạy mày bao giờ, nói mau.
- Ngày nào mà bố chẳng dạy con chứ. Con thấy lần nào bà gọi bố, bố cũng trả lời với bà như thế mà. Có hôm bố còn không thèm trả lời bà cơ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trước lý lẽ của đứa con trai mới lên 11 tuổi, anh Hùng lặng đi một lúc. Anh chợt nhận ra cái sai của mình. Anh muốn con anh lễ phép với anh, thế mà bản thân anh lại làm ngược lại. Cũng may là con anh đã nói ra để anh còn có cơ hội điều chỉnh bản thân mình và cả cho con. Ở tuổi gần 40 của anh, để bắt đầu sửa chữa một thói quen xấu không dễ, nhưng vì tương lai của chính con anh nên anh tự nhủ là sẽ cố gắng.
Ths Trần Thị Ái Liên (Viện Đào tạo Kỹ năng GS) dẫn lời của một nhà văn nổi tiếng, James Baldwin, cho biết rằng: “Trẻ em rất kém trong việc lắng nghe người lớn nhưng lại rất giỏi bắt chước họ”. Bởi vậy, Ths Liên khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải cẩn thận trong hành động và lời nói của mình.
Cũng như vậy, nếu phụ huynh muốn con ngồi ăn ngoan ngoãn cùng gia đình thì tất cả người lớn trong nhà đều phải vào bàn ăn cùng nhau. Hãy giải thích với con nhẹ nhàng, đối xử công bằng với con cái. Con cái sẽ coi trọng và vâng lời bạn hơn, kể cả khi bạn không còn ở gần, nếu chúng cảm nhận được sự tin tưởng, yêu thương, công bằng và tôn trọng mà bạn dành cho chúng.
Theo Gia Đình