Bi kịch hôn nhân của ba mẹ đã để lại trong chị nhiều ám ảnh. Mẹ chị trắng tay ra khỏi nhà chồng với hai đứa con thơ.
Căn nhà ông bà nội đang ở là công sức cả đời mẹ chị, chỉ có điều nó được xây trên mảnh đất đứng tên ba chị. Do vậy, chị bước vào hôn nhân đầy thận trọng, nhất là với vấn đề tài chính. Chị không muốn đời mình cũng thiệt thòi như mẹ, dù vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu.
Chồng chị là kỹ sư tin học, ngoài việc cơ quan, anh còn làm thêm ở vài doanh nghiệp. Anh đã đưa hẳn thẻ ATM tiền lương cho chị nhưng chị biết, tiền làm thêm của anh còn nhiều hơn lương chính. Chị không thể kiểm soát được phần thu nhập thêm đó nên luôn tìm mọi cách để “moi” tiền chồng. Những lúc anh không để ý, chị thường kiểm tra ví tiền, thỉnh thoảng rút vài tờ. Tính anh xuề xòa, tiền trong ví bao nhiêu cũng không kiểm nên việc chị làm anh không hề biết.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nếu thấy anh có vài triệu trở lên, chị lại gợi ý về bộ đầm mới, đôi giày hiệu. Anh chiều vợ, sẵn sàng đưa tiền để vợ sắm vì không có thời gian đi cùng. Thật ra, chị đâu quan tâm đến những thứ đó, chỉ cần lấy được tiền. Mỗi lần, con xin tiền đóng học thêm mà có mặt anh chị đẩy ngay sang cho anh đủ lý do: mẹ chưa nhận lương, mẹ hết tiền, mẹ chưa kịp rút… Nhìn con đứng chờ, sợ muộn học, dù sắp hết tiền, anh cũng vét túi để đưa. Chị hả hê trong bụng vì sự... cao tay của mình.
Mỗi lần nhận được thiệp cưới là chị giao cho anh. Nếu anh ca cẩm hết tiền, chị cũng giở bài than thở: “Dạo này xăng tăng, điện tăng nên cái gì cũng tăng, đi chợ tính toán muốn nát óc, hay tháng sau em giao tiền lương lại cho anh để anh lo thử cho biết em khổ thế nào”. Nghe vợ nói vậy, anh buông xuôi: “Thôi, để đó anh xoay dần”. Lần nào có việc ky giỗ bên nội, chị đều tính toán dưới mức bình thường, anh thấy ngại thì tự bỏ thêm tiền túi.
Giấy tờ nhà cửa, xe cộ chị đều đứng tên vì anh bận việc, chị cứ thế mà lãnh phần lo thủ tục giấy tờ. Anh vẫn hết lòng vì gia đình, thi thoảng chị biết, anh có giấm dúi cho bên nội chút ít nhưng chị chẳng quan tâm bởi phần lớn thu nhập riêng của anh, chị đã “bòn rút” được gần hết. Khoản tiền “thủ” đó, chị không có ý định lo cho riêng mình, chỉ phòng khi bất trắc có vốn phòng thân và lo cho con. Nếu bình yên, sau này con cái lập gia đình, chị sẽ cho con làm vốn, lúc ấy anh biết cũng không muộn. Chị nghĩ, tiền anh làm ra mà chị không giữ thì cũng hết, tiền vào tay đàn ông như “gió vào nhà trống”.
Rút kinh nghiệm từ mẹ, chị muốn mình luôn nắm thế chủ động trong gia đình để không phải thiệt thòi. “Thủ” như chị, có gì là sai ?
Theo Phụ Nữ Online