Nhà tôi không giàu có nhưng cũng đủ chi tiêu, chăm lo cho bố không thiếu thứ gì, thế mà cứ sểnh ra không ai để mắt tới, bố tôi đi thẳng tới cơ quan cũ, ôn nghèo kể khổ, trách con tệ bạc, rồi ngửa tay xin tiền chẳng khác nào ăn xin.
Người ta kéo bố vào phòng, pha trà nóng cho bố uống, mở bánh kẹo cho bố ăn, rồi hau háu nghe bố kể chuyện “lũ con cái mất nết”. Người ta rơm rớm nước mắt, thương ông già mặt tái chân run, xin con tiền mua cái áo ấm mùa đông mà con cũng không cho, còn bị con rủa “rét để “đi” cho sớm”. Người ta nghĩ đến cảnh mình về già, lỡ con cháu đổi lòng, rồi ngồi trách trần ai sao bạc ác.
Sau câu chuyện bên ấm trà là tin lan nhanh với vận tốc của sấm chớp. “Nhà thằng Hưng giàu thế mà cướp hết tiền lương hưu của ông bố, để ông già đói rét. Chắc là muốn ông "đi" mùa đông này cho nhẹ nợ”. Qua tai người này người khác, câu chuyện được thêm mắm thêm muối, nhà tôi thành tội lỗi chồng chất: nhốt bố trong nhà, bỏ đói, không cho tiền, không mua cho ông quần áo ấm, lỡ ông có “làm bậy” ra nhà thì mắng chửi như tát nước…
|
Có ai ngờ có ngày chính tôi cũng bị "ném muối" |
Thị trấn nhỏ như lòng bàn tay. Câu chuyện đến tai thằng bạn thân của tôi, nó hộc tốc chạy đến cơ quan, kéo tôi ra quán vắng, bắt nói rõ thực hư. Nghe nó kể mà tôi như chết điếng, không nói được lời nào. Trước đây, thi thoảng ngồi nghe người ta kể ông nọ, bà kia bị con cái ngược đãi, tôi cũng ngồi thương xót họ, căm giận đàn con. Ai biết rằng, có ngày, chính tôi - một người luôn hết mực chăm sóc cha mẹ mình - lại bị muối mặt với thiên hạ vì chính “chuyện bịa như thật” của ông bố lú lẫn.
Không kìm được mình, tôi kể anh bạn nghe nỗi khổ tâm chôn chặt của gia đình mình suốt mấy năm qua, từ ngày bố tôi già cả đâm ra lú lẫn. Trước đây, dù lắm lúc cả nhà phát điên phát rồ với những trò oái oăm của bố, dù hàng xóm bạn bè đến chơi hay nhìn bằng đôi mắt hình dấu hỏi, vợ chồng tôi cũng không hé răng nửa lời. Chúng tôi bảo nhau, có gì vợ chồng mình hiểu là được rồi, chứ ai lại đưa chuyện bố kể lể, để bàn dân thiên hạ làm “mồi” tán chuyện lúc trà dư.
Đầu tiên là chuyện nhốt bố trong nhà, sự thật là ngược lại. Từ ngày lẩn thẩn, bố đâm ra có sở thích quái dị khóa cổng nhà 24/24. Nếu chúng tôi không đưa bố chìa khóa cổng thì bố hét ầm ĩ cả nhà, đập phá cửa, gào hàng xóm sang cứu, còn đưa cho bố thì lúc nào cũng xăm xăm đi khóa. Chúng tôi vừa ra khỏi nhà là bố khóa cửa im ỉm, mẹ tôi đi chợ về hoặc dẫn cháu đi chơi mà lỡ quên mang theo chìa khóa riêng là về nhà phải đợi cửa, gọi ông ra mở. Để khỏi làm phiền hàng xóm, để ông khỏi la hét ầm ĩ, nhà tôi đã phải đưa ông chùm khóa riêng, nhưng mặt khác lại phải canh chừng để ông không đi lung tung ra khỏi nhà.
Nhiều hôm, mẹ tôi đưa cháu đi chơi, vợ tôi đi làm về nhà thì mùi thối xộc lên. Hóa ra, lúc cả nhà đi vắng, ông “làm bậy” ra nhà. Thôi thì người già lú lẫn, cũng chẳng ai nỡ trách ông, mà còn thương xót. Nhưng vợ tôi đã mấy lần phải nuốt nước mắt vào trong khi về nhà cùng bạn bè hay đồng nghiệp, hoặc hàng xóm sang chơi; ông bảo ông vẫn biết khi nào muốn đi vệ sinh đấy chứ, nhưng có khi gọi nửa ngày vợ con chẳng cho đi, nên ông mới không nhịn nổi "bậy" cả ra nhà như thế. Rồi ông bảo "bậy" ra xong, ông lại phải tự dọn chứ vợ con cũng chẳng dọn cho, còn vừa nói vừa khóc khiến ai cũng mủi lòng, nhìn vợ chồng tôi giận dữ.
|
Cứ lẻn được ra ngoài đường, bố tôi đi thẳng tới cơ quan cũ, ôn nghèo kể khổ, trách con tệ bạc, rồi ngửa tay xin tiền chẳng khác nào ăn xin. |
Thi thoảng, ông lại gây ra một vụ “động trời” khiến cả nhà náo loạn. Ông mở tủ, lục tung đống áo quần ra, xé sạch. Chiếc ti vi mới hai vợ chồng tôi vừa hỉ hả khuân về buổi tối, thì chiều hôm sau đã thấy nằm trong chậu nước. Hoảng hồn chạy vào hỏi ông, ông cười tươi rói, nói câu hồn nhiên: “Hôm nay bức trời, tao đưa tivi đi tắm cho mát”.
Thế nhưng, so với vụ xin tiền kể xấu con này thì những chuyện đó chẳng là gì. Trước đây, mỗi lần khách khứa, bạn bè hẹn đến chơi nhà, chúng tôi thường phải đẩy bố vào bếp, pha cho ông một bát mì tôm (món khoái khẩu của cụ) rồi để mẹ tôi canh chừng không cho ra phòng khách. Bởi nếu để bố tiếp khách, thể nào ông cũng ngửa tay xin tiền, khách vội vã móc ví còn chủ nhà chỉ có nước chui xuống đất.
Chắc vì không xin được khách khứa ở nhà được nữa nên cụ mới nghĩ ra “kế” đến thẳng cơ quan cũ tố khổ vòi tiền, bôi tro trát trấu vào mặt con cháu. Thế mới biết, câu “đi hỏi già, về hỏi trẻ” phải loại trừ ra những ông bà già lú lẫn. Nghe chuyện cha mẹ già bị con ngược đãi thì khoan vội nhảy dựng lên, trách con cái bạc ác, có khi chỉ là chuyện bịa mà thôi!
Lê Văn Khoa, TT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh