Đọc báo xong, hoảng hốt về cảnh cáo vợ
Chỉ là một trong nhiều ca tai nạn do phẫu thuật thẩm mỹ vẫn luôn xảy ra ở Việt Nam, nhưng việc một phụ nữ chết tức tưởi sau khi hút mỡ bụng và nâng ngực ở thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) rồi bị bác sĩ phẫu thuật Nguyễn Mạnh Tường mang ra sông ném mất xác khiến cộng đồng sốc dữ dội bởi tính chất rùng rợn quá mức của nó. Suốt mấy ngày liền, dư luận xôn xao, chuyện được bàn tán ở khắp các công sở lẫn nơi chợ búa, lề đường kèm theo những cái rùng mình. Không chỉ chị em kinh sợ mà các quý ông cũng rùng mình sởn gai ốc.
Tối 22.10, thấy vợ đang xoay mình ngắm nghía trước gương, có vẻ không hài lòng với vòng một khiêm tốn, anh Phúc lườm một cái rồi dài giọng: "Đọc báo chưa? Còn đòi đi mổ ngực nhét túi độn nữa không?". Vợ quay ra cười bảo: "Có chứ. Chẳng qua cô ấy chọn mỹ viện vớ vẩn. Em đến chỗ bác sĩ xịn làm là được chứ gì?".
Anh Phúc trợn mắt lên quát: "Điên à? Muốn chết à? Tôi cấm hiểu chưa?". Vợ lè lưỡi: "Em đùa thôi, gì mà mắng kinh thế. Có cho kẹo em cũng chẳng dám, sợ rồi. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai mà còn mổ chết người ta thì không biết còn ai đáng tin".
Phúc cho biết, vợ anh không tự tin về vòng một của mình nên thỉnh thoảng lại nì nèo "xin phép" chồng cho đi phẫu thuật độn ngực, nhưng anh không đồng ý: "Nghe chuyện mổ xẻ đã thấy ghê rồi, có lần mấy cô nàng trong cơ quan xem clip nâng ngực, tôi cũng xem thử, sởn hết gai ốc, không hiểu tại sao chỉ vì muốn đẹp hơn một chút mà người ta chấp nhận chịu đựng chuyện khoét ngực ra nhét hai cục to đùng vào như thế. Tôi bảo vợ thích làm ngực thì cứ làm, nhưng làm rồi thằng này không sờ đến nữa đâu. Giờ thì có cho kẹo chắc cũng chả dám".
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Anh Lương, nhà ở Mỹ Đình, Hà Nội thì "hú hồn chim én" vì suýt nữa vợ anh cũng lên bàn mổ. Người đàn ông tuổi 32 này vốn thích phụ nữ đẹp, quan điểm thoáng và hiện đại nên không kỳ thị chuyện phẫu thuật thẩm mỹ. Vì vậy, khi vợ yêu bày tỏ nguyện vọng đi đặt túi ngực để có thân hình nóng bỏng hơn, anh đồng ý với điều kiện duy nhất là chọn nơi phẫu thuật đáng tin cậy.
"Vợ tôi đã chọn một cơ sở khá nổi tiếng và uy tín, đã đến tư vấn và về thuật lại với tôi, nghe có vẻ an toàn", anh Lương kể. Tôi đã chuyển khoản cho cô ấy mấy chục triệu để đóng phí, nhưng hôm qua nghe tin vụ nâng ngực chết người, tôi hoảng quá vội vàng gọi điện ngay cho vợ để stop vụ này".
Vợ anh Lương kể: "Em cũng đang nói chuyện với mấy chị trong công ty về vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thì có điện thoại ông xã. Anh ấy nói như quát, hỏi cô đang đi làm hay đi nâng ngực đấy, trả lại tiền ngay cho tôi, từ giờ cấm nâng cấm xẻo cấm hút bất cứ cái gì nghe chưa. Em phải ừ thì không nâng nữa, nhưng tiền thì không trả đâu, em để đi massage giảm béo".
Chị em ham làm đẹp cũng "nhụt nhuệ khí"
Thực ra các quý ông không cần quá lo, bởi nhiều chị em tuy rất ham làm đẹp, ngày thường có mơ tưởng đến chuyện "dao kéo" nhưng khi nghe về tai nạn trên cũng rùng mình và nhụt hết "nhuệ khí".
Cô nhân viên hành chính Dương Cẩm Anh, 25 tuổi, cho biết: "Em đã nhiều lần định đi nâng ngực bằng mỡ tự thân rồi, vì ham cái ưu điểm một công đôi việc của nó, vừa giảm được mỡ bụng vừa tăng kích cỡ ngực. Mà nghe nói nâng kiểu này nhìn ngực đẹp tự nhiên, mềm mại chứ không giả như đặt túi, lại không sợ dị ứng hay phản ứng thải loại vì dùng mỡ của chính mình, cũng không cần mổ xẻ nên đỡ đau và sẹo".
"Biết vụ chết người kia, em lạnh cả người vì sợ quá. Nếu vừa rồi không có quá nhiều việc quan trọng phải giải quyết cùng một lúc thì em cũng đi làm rồi, có khi chết rồi cũng nên. Giờ lên mạng đọc báo mới thấy cách nâng ngực bằng mỡ tự thân không an toàn như em tưởng".
Chị Bảo Ngân, 30 tuổi, người cũng đã lên kế hoạch đi phẫu thuật đặt túi ngực vì có mối quen với bác sĩ, nếu làm sẽ được giảm giá. "Em đã nói với bác sĩ là em nhất định làm rồi đấy. Thế nhưng vẫn cứ lần lữa vì tiếc tiền, nói là giảm giá nhưng vì dùng hàng cao cấp nên cũng mất mấy chục triệu, xót lắm. Đang tiếc tiền lại đọc được chuyện chết người này, coi như có cớ để stop".
Ngân nói, cô rất tin tưởng tay nghề vị bác sĩ quen, vì ông đã tu nghiệp ở nước ngoài về phẫu thuật thẩm mỹ, rất có uy tín trong nghề. "Thế nhưng chuyện mổ xẻ bao giờ chả có phần trăm rủi ro. Bác sĩ kém mổ 100 ca thì hỏng 1 ca, bác sĩ giỏi mổ 1.000 ca mới có một ca sai sót, nhưng nhỡ số em đen đủi, trúng ngay ca thứ 1.000 kia thì sao? Thôi em chả nâng niếc gì nữa, có gì dùng nấy cho lành".
Thà màn hình phẳng còn hơn chết là tâm lý của nhiều chị em trong mấy ngày này, khi vụ án bác sĩ thẩm mỹ quăng xác bệnh nhân xuống xông được đăng lên báo. Đằng nào lép thì cũng lép rồi, chồng cũng dùng tạm chứ có chê bai gì đâu, còn hơn mất mạng hoặc bị tai biến, hay đơn giản là "hỏng hóc" khiến vòng một sau khi "đại tu" lại xấu hơn "nguyên bản".
Phụ nữ ai chả muốn đẹp, thậm chí lên cơn cuồng làm đẹp, thế nhưng giữa đẹp và bệnh tật, cái chết, chị em thường chép miệng, thôi đẹp như mình cũng đủ dùng rồi. Có điều, ngày thường vẫn có hàng nghìn bài viết cảnh báo về nguy cơ của phẫu thuật thẩm mỹ, nói ra rả về các ca tai biến, chết người nhưng chẳng mấy người quan tâm. Chỉ khi có những ca đặc biệt như vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thì người ta mới rụt.
Thế nhưng, với nhiều phụ nữ, thông tin về các ca tai biến không đủ khiến họ từ bỏ ý định phẫu thuật thẩm mỹ. Bích Giang, 24 tuổi, nhân viên ngân hàng, nói: "Bài học cần rút ra qua vụ mỹ viện Cát Tường là gì? Không phải là đừng dao kéo nữa, vì làm gì mà chẳng có nguy cơ, tiêm vaccine còn chết cơ mà. Vấn đề là phải có hiểu biết, chọn đúng nơi, đúng người mổ cho mình".
Giang cho biết cô từng có ý định làm ngực và giờ vẫn nuôi ý định đó. Cô đã nghiên cứu kỹ và đã chọn một cơ sở có đầy đủ trang thiết bị cả về phẫu thuật lẫn xử lý sự cố, bác sĩ chuyên môn cao, quy trình thực hiện đúng chuẩn, từ tư vấn, xét nghiệm, gây mê đến phẫu thuật, hồi sức, theo dõi sau mổ... Chỉ cần để dành đủ tiền là tiến hành.
Vân Nhi, một phụ nữ 38 tuổi, cũng cho rằng vì có các ca tai biến mà tẩy chay phẫu thuật thẩm mỹ là cực đoan: "Người ta đưa ra các cảnh báo không phải để kêu gọi mọi người đừng phẫu thuật thẩm mỹ nữa, mà muốn chị em trước khi quyết định cần cân nhắc kỹ càng xem điều đó với mình quan trọng, cần thiết đến mức nào, so sánh lợi ích và nguy cơ, nếu vấn quyết định làm thì phải biết chọn phương án an toàn nhất. Trong cuộc sống, rủi ro có thể xảy ra trong bất cứ hành động, công việc nào, nhưng sự hiểu biết sẽ giúp giảm rủi ro xuống mức thấp nhất".
Cũng như nhiều phương tiện khác, phẫu thuật thẩm mỹ là một thành tựu của khoa học tiên tiến, ra đời nhằm đem lại lợi ích cho con người, mà làm đẹp cho con người lại là một mục tiêu rất nhân văn. Những sự cố xảy ra lỗi không phải ở phẫu thuật thẩm mỹ, mà ở người sử dụng nó, cũng như con dao giúp bà nội trợ làm nên những món ăn ngon và đẹp, nhưng nếu không khéo sử dụng thì sẽ bị đứt tay.
Theo Tri Thức Thời Đại