“Rảnh tay” sau ly hôn

Google News

Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”.

1. Sau một tháng ly hôn, anh trở thành vị khách thường xuyên nhất của văn phòng Tâm Giao. Mỗi lần đến tìm mã số mới, câu hỏi duy nhất của anh là: “Có mã số nào mới còn độc thân, hoặc ly hôn nhưng không vướng bận con cái không?”. Không ít lần xem xét và lựa chọn mã số thích hợp, anh lại thắc mắc: “Tại sao phụ nữ rảnh tay sau ly hôn hiếm thế”. Rồi anh tiếp tục phân bua như để thanh minh cho tiêu chí tìm bạn của mình: “Hôn nhân có con chung, con riêng phức tạp lắm…”.
Với tài ăn nói và hình thức khá điển trai, anh nhanh chóng kết nối thành công với một mã số nữ trẻ trung xinh đẹp, chưa kết hôn lần nào. Ai cũng bảo anh có tài tán vợ, có tuổi lại qua một lần đò mà vẫn cưới được gái tân xinh đẹp.
Mỗi lần ngồi với mấy ông bạn cũng một lần đổ vỡ, đang sống trong những cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại”, nghe họ kể chuyện đau đầu khi sống cảnh “con anh con em”, anh lên giọng: “Các ông chẳng biết tính toán cho mình gì cả, cứ như tôi đây “nhường” hết quyền nuôi con cho vợ cũ vừa được tiếng lại được miếng. Hai đứa trẻ không phải chia cách nhau, còn mình có điều kiện dễ dàng tái hôn hơn. Thỉnh thoảng về thăm chúng một lần, chu cấp thêm một ít, đỡ phức tạp cho cả đôi bên. Lựa chọn đối tượng phải tìm “gái tân” không thì cũng phải tìm người “rảnh tay” giống mình, có như vậy mới không đau đầu!…”. Nghe anh nói, mấy ông bạn gật gù trong hơi men khen anh “sáng suốt”.
Ảnh minh họa. 
2. Lấy nhau hơn 10 năm, chị thấm thía nỗi khổ của một cuộc hôn nhân bất hạnh. Lá đơn ly hôn được chị viết sẵn nằm sâu trong góc tủ, mấy lần lấy nó ra để ký tên nhưng nhìn hai đứa con còn quá nhỏ chị lại không đành. Cho đến lúc đứa thứ hai lên 5 tuổi, chị mới quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy. Khi hai người ký vào đơn, đề cập chuyện thỏa thuận chia tài sản và nuôi con. Ngay lập tức, anh “nhường” hết quyền nuôi con cho chị với lý do “không đành chia cắt hai đứa trẻ”. Anh cũng tỏ vẻ hào phóng khi dành “phần hơn” tài sản cho chị để nuôi con. Ra tòa, phần cấp dưỡng, anh xin đóng “một cục”. Nhận toàn quyền nuôi hai đứa con, chị nghĩ âu cũng có cái may, mẹ con không phải chia lìa.
Cuộc sống sau ly hôn ban đầu có vẻ ổn nhưng sau đó thì những điều bất ổn xuất hiện. Việc nuôi dạy hai đứa con lớn lên khi hôn nhân đổ vỡ không hề dễ dàng đối với một người phụ nữ bận rộn như chị. Tìm anh đề cập đến vấn đề nuôi dạy con cái nhưng chỉ nhận được thái độ thờ ơ bất hợp tác. Giờ anh đã có hạnh phúc mới, chuyện đó chị phải chủ động vì đã “toàn quyền” với chúng.
Chị nghĩ đến việc tìm hạnh phúc mới để làm điểm tựa. Nhưng gánh nặng nuôi con sau ly hôn đã vô tình trở thành vật cản lớn. Đàn ông đều muốn một người phụ nữ rảnh rang, ít ai muốn san sẻ cái gánh nặng mà người đàn ông trước “cố tình” bỏ lại. Chị lại tìm đến chồng cũ đề nghị thay đổi quyền nuôi con để anh đảm nhận việc nuôi dạy một đứa. Anh viện đủ lý do để từ chối, thậm chí cảnh báo việc “mẹ ghẻ” ghê gớm có thể làm khổ thằng bé.
Nhân có quyết định nhận công tác một thời gian ở nước ngoài, chị cho con về sống bên bố. Được một thời gian ngắn, anh về điều đình với bố mẹ vợ cũ cho con về đó “sống tạm”. Chưa được bao lâu, anh được công an phường mời lên “xác nhận” là người thân của một đối tượng trong băng nhóm cướp giật trên đường phố. Nhìn đứa con trai chưa đến tuổi thành niên, học hành dang dở, nhìn bố với ánh mắt hận thù qua song sắt phòng tạm giam, anh mới thấm thía cái giá của việc muốn… rảnh tay.
Theo Phụ Nữ Thủ Đô