Chị không còn ngọt ngào “ông xã yêu” nữa mà thẳng cánh đuổi: “Ông ra khỏi nhà tôi!”.
Anh nổi nóng đùng đùng: “Ngày mai tôi sẽ đi khỏi nhà này”. Chị mỉa mai: “Vậy cám ơn anh nhiều. Khi nào đi nhớ báo giùm một tiếng”. Cưới nhau được 5 năm, anh chị chắt chiu cất được ngôi nhà nhỏ. Sở dĩ anh mang tiếng “ở rể” vì quê mãi ngoài Phú Yên, thương vợ nên theo về miền Đông lập nghiệp. Chuyện vợ chồng cãi nhau có nhiều lý do. Anh hay cằn nhằn, la mắng vợ con vì tật luộm thuộm, quần áo thay ra bạ đâu vứt đó. “Suốt ngày tôi đi theo lượm đồ cho các người, sắp thành thằng khùng rồi”. Nghe anh kêu ca, chị nói: “Chuyện nhỏ như con thỏ mà sao khó tánh quá, chắc muốn sống một mình”.
|
Ảnh minh họa. |
Chuyện nhỏ hóa lớn, khi chị truy hỏi anh tại sao mỗi tháng không đưa đủ tiền chợ? Tiền bạc giấu đi làm chuyện gì? Anh giận dữ hỏi, chứ tiền mua máy giặt, thay xe máy mới, sắm ti vi màn hình phẳng... là ở đâu? Anh từ chối đưa vợ đi siêu thị vì bận họp cơ quan, chị gọi điện cho sếp của anh, báo anh không dự cuộc họp được, vì nhà có người dì... vừa mất. Anh chỉ mặt chị, mắng là “đồ bất hiếu, dì tôi còn sống kia, chết hồi nào?". Chiến tranh xảy ra, không còn cách gì dập tắt. Tối, chị la anh ngáy lớn quá, đuổi ra nhà ngoài. Anh nằm trên võng, vừa đập muỗi vừa gặm nhấm nỗi ấm ức dâng lên nghẹn cổ. Sáng, anh lôi chiếc ba lô ra, dọn đồ bỏ vô. Chị thản nhiên nằm ngủ. Hơn sáu giờ, anh tính bỏ đi, nhưng thấy cái sân dơ quá, nên kiếm chổi quét xoèn xoẹt. Anh chờ chị thức dậy để nói một lời cho hả giận, rồi ra đi, nhưng chị vờ ngủ, không cựa mình.
Họp tổng kết xong, anh lang thang ở nhà mấy người bạn. Họ ngạc nhiên thấy anh kéo chiếc va ly to đùng theo. “Bộ vợ đuổi sao ông?”. Anh chỉ cười buồn. Tối đó, không còn ai “chứa chấp”, anh tìm một nhà nghỉ, thuê phòng. Trong lòng, anh chờ đợi biết bao một tiếng chuông điện thoại. Trước đây, giờ này chị đã gọi hỏi “ông xã yêu chừng nào về nhà?”. Giờ chiếc điện thoại nằm im lìm trên chiếc giường xa lạ. Anh đã tự nhủ lòng, không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân này. Anh bị vợ coi thường quá rồi. Anh sẽ về quê, rồi tìm cơ hội chuyển công tác sau. Chỉ thương thằng con mới hai tuổi. Anh không thể mang con theo và cũng không có quyền ấy. Trộm con mang đi là phạm pháp. Nhưng anh yêu nó vô cùng. Nghĩ đến cảnh thằng Còi mỗi chiều chờ ba ngoài ngõ, miệng hỏi tía lia: “Ba âu? Ba âu?”, anh chảy nước mắt.
Suốt đêm trằn trọc không ngủ được, sáng sớm anh còn lần khân chưa muốn ra bến xe trước nhà nghỉ. Anh chờ chị gọi điện. Chí ít thì chị cũng hỏi anh đang ở đâu. Cả ngày và đêm qua làm gì? Có mấy cuộc gọi đi cà phê, đi thăm bạn bệnh, nhưng không thấy tiếng chuông riêng của vợ. Anh buồn rầu, lên xe. Tự nhiên anh muốn xuống xe, chạy về hôn thằng Còi một miếng, nói với nó rằng con ngoan nha, ba về quê nội đây. Xe đã chạy khá xa. Giờ này vợ đã dậy và chuẩn bị cho con ăn sáng. Sao vợ không gọi điện cho anh? Nếu bây giờ vợ gọi điện, chỉ cần nói thằng Còi nhớ ba lắm, là anh xuống xe quay về liền.
Về quê được hai ngày, anh mới nghe tiếng chuông điện thoại quen thuộc. Chị hỏi giờ anh ở đâu? Có về đưa hai mẹ con đi siêu thị được không? Anh thở dài. Muộn rồi em ơi, anh đang ở ngoài quê nội, cách xa mẹ con em mấy trăm cây số. Sao em không gọi sớm hơn?