Tôi mặc cho nước mắt mình tuôn rơi lã chã. Tôi cũng không biết tôi khóc vì cái gì. Chị ấy là vợ, là nạn nhân của một cuộc ngoại tình. Còn tôi là nhân tình, tôi có phải là nạn nhân hay không? Ai đáng thương hơn ai? Tôi không biết.
Tôi quen anh tình cờ trong một chuyến du lịch. Anh đi theo đoàn giáo viên của tỉnh còn tôi đi theo đoàn sinh viên của một trường đại học ở TP.HCM. Biển Nha Trang đêm mùa hè lộng lẫy nét nguyên sơ, nước biển trong, xanh thẫm đến dịu kỳ. Từng con sóng xô bờ rì rầm trong gió biển nôn nao. Nhóm con gái chúng tôi năm đứa cùng ngồi trên một tảng đá mồ côi bơ vơ trên bãi biển, cùng tám chuyện trên trời dưới đất, cùng thả ra những trận cười như vỡ cả không gian, may mà gió kịp mang chúng ra tận mênh mông biển cả. Vậy mà vẫn lọt vào tai mấy gã đàn ông đang lang thang gần đó. Trùng hợp sao, bọn họ cũng gồm có năm người.
Đầu tiên, anh lên tiếng: “Mấy em có gì vui vậy, cho tụi anh chơi chung với nhen! Mấy thằng anh toàn lính phòng không vui tính”. Giọng miền Tây đặc sệt có chút gì đó chân chất mộc mạc dễ gây thiện cảm. Sau đó là màn giới thiệu tên tuổi. Là người lớn tuổi nhất trong nhóm, anh ra vẻ đàn anh cầm chịch buổi giao lưu. Anh lôi cuốn mọi người vào cuộc vui bằng phong thái đĩnh đạc, lịch lãm nhưng không kém phần dí dỏm, cởi mở. Những câu chuyện trải nghiệm nhiều vốn sống của anh làm bọn học trò mới lớn chúng tôi cứ há hốc ngồi nghe trong muôn vàn thú vị. Cứ thế, bên cây đàn guitar, một ít mồi nhắm, vài lon bia và trước mặt là trùng khơi sóng vỗ, chúng tôi say sưa đàn hát cho đến lúc đêm dần lấn sang ngày mới. Trước khi chia tay, mọi người không quên trao đổi cho nhau số phone và địa chỉ email.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
|
Những ngày sau đó, cái vẻ điềm đạm của một thầy giáo pha lẫn một chút lãng tử nghệ sĩ của anh làm tôi cứ vấn vương trong lòng, một thứ cảm xúc mơ hồ không gọi được tên. Tôi chủ động phone cho anh trước. Không lâu sau, chúng tôi cũng có cuộc hẹn đầu tiên. Anh từ Bình Thuận chạy xe máy lên Sài Gòn. Chỉ có một buổi chiều ngồi bên nhau trong một góc quán cà phê yên ả cũng đủ để nỗi nhớ anh trong tôi thêm da diết bồi hồi. Tình cảm anh dành cho tôi thật nhẹ nhàng đằm thắm. Là một đứa con gái quê tận miền Trung vào Sài Gòn trọ học với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, tôi được anh thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống. Cái khoảng cách địa lý gần một trăm cây số khiến chúng tôi không được thường xuyên ở bên cạnh nhau. Nhưng cũng chính vì vậy mà tình yêu của chúng tôi luôn được nuôi dưỡng bằng nỗi nhớ nhung lúc nào cũng đầy ấp. Cho nên mỗi lần được gặp nhau là một lần chúng tôi quấn quýt không rời để rồi khi chia tay, trong lòng tôi chỉ còn lại một khoảng trống vô tận.
Gần đây, anh hay bảo rằng công việc nhà trường rất bận đồng nghĩa với việc những cuộc gặp cũng thưa dần. Mỗi lần gặp nhau, thấy thái độ anh có vẻ khang khác, tôi hay gặng hỏi nhưng lần nào anh cũng giải thích loanh quanh với những lý lẽ mà một đứa con gái mới lớn chưa từng trải đời như tôi có cố cũng không thể hiểu cặn kẻ. Nhưng thời gian bên nhau không nhiều để vặn vẹo mãi nên tôi cho qua. Chừng anh về rồi, tôi mới lại thấy ấm ức, thấy buồn bã và lo lắng. Trong khi tôi đang phân vân và rất nhớ anh thì bất ngờ, một ngày cuối tuần nhận được tin anh nhắn hẹn sẽ lên thăm. Không thể tưởng tượng nổi tôi vui mừng đến như thế nào đâu.
Cứ nghĩ sẽ được gặp anh, nhìn thấy anh cười, được nghe anh nói, được anh ôm vào lòng, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi thấy thỏa chờ mong. Trong khi tôi cứ thấp thỏm không yên thì anh hiện ra ngang cửa. Anh không đi một mình mà bên cạnh còn có một người phụ nữ trông gương mặt hiền lành nhưng phảng phất vẻ lạnh lùng khó hiểu. Linh tính báo cho tôi biết có việc gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra. Khi nghe anh giới thiệu đấy là vợ anh, tim tôi như ngừng đập, chân đứng không vững, nước mắt chảy ra hồi nào tôi cũng không hay. Tôi không còn nhớ ai là người đã bắt đầu câu chuyện và câu chuyện được bắt đầu như thế nào. Chỉ nhớ, trước nhân chứng sờ sờ là anh cùng với lời thành khẩn thú tội giống như một bản cáo trạng đanh thép với đầy đủ chứng cứ, thì ngoài cúi đầu nhận tội, tôi không còn cách nào khác. Trong vở bi kịch này, vợ anh giống như một đạo diễn còn anh là diễn viên chính.
Khi chị hỏi anh yêu tôi thật sự hay chỉ “chơi qua đường”. Anh đã hạ tôi một cú nóc ao “Chơi qua đường”. “Cô nghe thấy chưa?”, kèm theo câu hỏi, chị nhìn tôi cười - nụ cười như xoáy vào tim tôi, nó dã man và rùng rợn hơn bị nhả một viên đạn vào đầu. Tôi chỉ biết cúi mặt để cho sự tủi hổ xé nát trái tim tôi ra thành trăm mảnh. Đáng lẽ anh nên giải quyết vấn đề chỉ với anh và tôi? Đáng lẽ anh nên thẳng thắn đề nghị chia tay thì anh lại dùng cái cách thật tàn nhẫn để đối phó với một đứa con gái yếu đuối đã từng tha thiết yêu anh.
Câu chuyện tình yêu của tôi kết thúc một cách bất ngờ và vội vàng đến nỗi tôi không thể nào tin rằng nó đã xảy ra. Mất anh, với tôi lớn hơn nỗi buồn, đó là một nỗi đau tưởng như sờ mó được. Nhưng còn có một nỗi đau khác đắng cay hơn đó là việc chính anh “bán đứng” tôi. Anh đặt tôi vào một thế thua cuộc thảm hại còn hơn sự lừa đảo, hơn sự phản bội, hơn lời nói chia tay…Nỗi đau này… đau lắm.
Tôi không cam tâm. Trong chuyện này tôi có lỗi gì, chính anh là người biết rõ. Nhất định tôi sẽ phải gặp anh một lần để nghe anh giải thích cặn kẽ. Tại sao trong tình yêu tay ba cứ hai người phụ nữ thì luôn gánh chịu nỗi đau còn đàn ông - người gây ra tội- lại cứ ung dung làm kẻ vô can.
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:
Theo Công Lý