Tết của những người đàn ông ở rể

Google News

Người thì có cái Tết ấm áp, đong đầy hạnh phúc. Người thì lại cảm giác mình không khác gì một ô sin của nhà vợ.

Mỗi dịp Tết nhất đến, những chàng ở rể người thì có cái Tết ấm áp, đong đầy hạnh phúc. Người thì lại cảm giác mình không khác gì một ô sin của nhà vợ.
Vợ chồng Linh và Nhi (Long Biên, Hà Nội) hiện tại đang ở cùng nhà với bố mẹ Nhi. Nhi cũng là con gái duy nhất trong nhà (sau khi sinh Nhi, bố mẹ cô không thể sinh thêm được nữa).
Người ta hay nói ở rể chính là chó chui gầm chạn, có người đàn ông nào muốn đâu, trừ phi là bất đắc dĩ. Linh cũng không hề muốn, cũng chẳng ham hố gì căn nhà. Nhưng xét theo hoàn cảnh của vợ và yêu vợ, thấy bố mẹ vợ cũng là những người đáng kính nên anh chấp nhận về ở rể.
Từ khi anh về làm rể, phải nói thật là chưa khi nào anh có gì phải phàn nàn cả. Bố mẹ vợ anh có lẽ cũng biết tâm lý của những người đàn ông ở rể nên hết sức chú ý và chu đáo, chưa bao giờ để anh phải chạnh lòng.
 Ảnh minh họa.
Bình thường 2 vợ chồng chỉ việc đi làm, hết giờ về đã có cơm nóng sẵn sàng. Ông bà tuy đều đã nghỉ hưu nhưng tuổi già, sức khỏe đâu còn được như xưa. Vậy mà việc nhà cả 2 ông bà đều đảm nhiệm hết, có lúc anh còn thấy bố vợ xắn tay vào rửa bát. Anh vừa cảm động vừa kính trọng một người đàn ông như bố vợ mình. Khi Nhi sinh con, cũng một tay ông bà chăm cháu chứ ai nữa. Anh Linh đề nghị thuê người giúp việc nhưng ông bà không chịu, muốn tự tay mình chăm cháu.
Mỗi dịp Tết đến, nếu như những người khác phải tất bật chuẩn bị Tết thì anh Linh được thảnh thơi toàn tập. Dọn dẹp nhà cửa, sắm Tết, chuẩn bị mọi thứ đều một tay bố mẹ vợ lo. Anh Linh muốn vào giúp nhưng đều bị ông bà đuổi khéo: “Cả năm bố mẹ nhàn rỗi rồi, có mỗi dịp Tết là được bận rộn thôi. Các con cả năm làm việc mệt mỏi, Tết tranh thủ nghỉ ngơi đi, không thì 2 vợ chồng đèo nhau đi chơi, đi ngắm chợ hoa Tết! Ở nhà đã có 2 ông bà già này lo rồi!”.
Đến cả tiền sắm Tết ông bà cũng không lấy của 2 người: “Các con còn nhiều việc khác phải lo, giữ lại mà tiêu. Bố mẹ có lương hưu, thừa đủ sắm một cái Tết tươm tất cho con cháu. Không thì con mang về biếu bên thông gia,ông bà cả năm không có con cháu cận kề, có lẽ buồn lắm!”. Rồi khi 2 vợ chồng mừng tuổi, ông bà nhận thì nhận đấy nhưng qua Tết lại cho lại các con, không thì lại sắm sửa cho con cho cháu hết.
Ông bà còn liên tục giục giã và ủng hộ 2 vợ chồng về quê nội ăn Tết: “Cả năm con đã ở đây với bố mẹ rồi, Tết nhất nên đưa con về với 2 cụ bên kia! Bố mẹ ở đây một mình cũng được!”.
Bên nhà anh, dẫu gì con cháu cũng đông vui hơn bên ngoại. Không có anh, các cụ chắc cũng buồn nhưng để bố mẹ vợ 2 người lủi thủi với cái Tết thì anh thật không đành lòng. Cho nên năm nào anh và vợ cũng ở lại với ông bà đón giao thừa. Qua mồng 1, sang mồng 2, vợ chồng mới khăn gói đưa con về quê nội ăn Tết.
“Tôi không hề có cảm giác mình đang ở rể. Đây thực sự như là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Bố mẹ vợ như là bố mẹ thứ 2 thật sự của tôi vậy, ông bà coi tôi như con trai của mình. Chính vì tình cảm to lớn mà ông bà dành cho con cho cháu như vậy nên tôi luôn kính trọng các cụ và tự nhủ sẽ ở bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng ông bà đến hết đời!” - anh Linh xúc động tâm sự.
Chàng rể với Tết nhất không khác gì một ô sin
Anh Thường (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cùng kiếp đi ở rể nhưng hoàn cảnh lại trái ngược hoàn toàn với anh Linh. Nhất là mỗi dịp Tết nhất đến,chàng rể là anh đây lại cảm giác mình không khác gì một ô sin của nhà vợ.
Nhà vợ anh - chị Ngần có 2 chị em gái. Chị gái Ngần đã về nhà chồng làm dâu. Vợ anh do sức khỏe yếu từ bé nên 2 vợ chồng ở riêng sẽ rất vất vả cho cô, trong khi ấy bố mẹ cô lại không ai kề cận. Thế là thể theo nguyện vọng của vợ, anh về ở rể.
Cuối năm, chưa tới Tết mà bố mẹ vợ đã nhắc liên tục chuyện đóng tiền sắm Tết. Ông bà luôn chi rất mạnh tay, vì thế con số ông bà muốn anh đóng góp cứ gọi là khổng lồ. Anh đưa ít hơn thì ông bà nói mát: “Đã không phải mất tiền thuê nhà, mua nhà, đến Tết cũng túng thiếu thế này thì có đáng mặt trụ cột gia đình không?”.
Khi biết anh biếu tiền tiêu Tết cho bố mẹ đẻ ở quê, mẹ vợ liền thuyết giáo: “Con đã ở rể thì phải toàn tâm chăm lo cho bố mẹ vợ và vợ. Ăn cơm nhà vợ, ở nhà vợ thì phải chăm sóc cho nhà vợ thật chu đáo. Sau này cả cái cơ ngơi này sẽ chia cho vợ chồng con phần hơn”. Thực sự, đã không ở cạnh để chăm sóc cho bố mẹ được, anh thấy rất áy náy, còn cơm của bố mẹ vợ, anh cũng chưa hề được ăn không một bữa nào.
Năm nào bố mẹ vợ cũng bắt 2 vợ chồng ở lại ăn Tết, không cho anh được về quê nội ngày nào: “Ngày thường anh chị muốn về lúc nào cũng được nhưng Tết có vài ngày thôi, anh chị định để 2 cái thân già này lủi thủi với nhau à? Vợ chồng chị gái thì còn bên đằng nội. Nhà bao nhiêu là việc, chúng tôi làm sao mà lo được!”.
Ngẫm kĩ ra thì ông bà nói cũng đúng. Hơn nữa, nhà anh lại có 3 anh em trai, mà chỉ có anh ở xa nhà. Nghĩ cho vợ, cho bố mẹ vợ, mặc dù không vui nhưng năm nào anh cũng ở lại ăn Tết với ông bà.
Mà ở lại ăn Tết thì thực sự anh không khác gì một ô sin chính hiệu. Nhà có 4 người thôi, ông bà già cả chả lẽ đàn ông sức dài vai rộng như anh lại đùn việc cho ông bà. Vợ anh thì sức khỏe không tốt, nguyên giữ con đã đủ mệt rồi. Mà ông bà cũng xót con gái, cứ hễ thấy con gái phải làm gì là lại nhắc ngay: “Con mệt thì nghỉ đi, để thằng Thường nó làm cho!”.
Thế là anh phải dọn dẹp nhà cửa, xách đồ cho mẹ vợ, nấu nướng sắp cỗ suốt những ngày nghỉ Tết. Cả những việc gần như là của người con dâu phải đảm nhiệm ở các gia đình khác thì ở đây người gánh vác hết là anh. Không hài lòng nhưng anh cũng cho qua, nhà có vài người, cứ đùn đẩy nhau thì ai làm?
Nhiều lúc có khách khứa đến chúc Tết, bố mẹ vợ anh còn thản nhiên nói: “Nhà con rể đông anh em trai nên nó ở đây xí cái nhà của chúng tôi đấy!”.Nghĩ ông bà già cả rồi, anh không chấp nhặt câu nói đó làm gì. Thương vợ con, giờ anh nằng nặc đòi ra ngoài ở cũng được thôi nhưng sẽ khổ cho nhiều người. Vợ anh vốn yếu đuối và sức khỏe không tốt. Thôi thì anh chịu nhịn một tí cho yên nhà cửa vậy!
Rồi năm nào về chơi Tết, ông anh đồng hao (chồng của chị gái vợ anh) thường nói khích bác: “Nhất chú, chẳng phải lo đếch gì đến nhà cửa!”.Anh Thường chỉ cười nhạt. Nếu được anh nguyện đổi vị trí ở rể này cho anh ta.
Cả năm đã phải làm việc mệt mỏi, Tết nhất càng khiến anh chán nản và đau đầu hơn. Nhiều khi anh còn muốn xin cơ quan cho lịch trực suốt mấy ngày Tết để trốn cảnh Tết nhất của một người chồng đi ở rể mà thôi!
Theo Pháp Luật Xã Hội