Suốt 10 năm qua, chưa một đêm nào ông yên nhấc. Ông thức để chăm sóc, đỡ đần người vợ hiền của mình mang bệnh trọng. Tình yêu bao la và sự tận tụy của ông là “thần dược” giúp người vợ chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.
Người đàn ông được cả xã ca tụng ấy là Cao Văn Thảnh (SN 1956) ở thôn Xuân Trì, xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Suốt 10 năm qua, một mình ông quán xuyến việc nhà, chăm sóc vợ bị tai biến não và nuôi các con ăn học nên người. Tất cả sự ấm cúng, đủ đầy trong ngôi nhà nhỏ sạch sẽ và ngăn nắp đều do đôi bàn tay của ông tạo dựng.
Chăm vợ là hạnh phúc
Mặt trời chưa tỏ, ông Thảnh đã thức giấc. Như một cái máy, ông nhanh tay nhặt rau, vo gạo nấu cơm… Tiếp đó, ông lại tất bật chuẩn bị cám bã, dọn dẹp mấy chuồng lợn. Mặt trời ló rạng cũng là lúc ông cho đàn cá trong ao ăn xong. Ông làm mọi việc nhanh ngọn và chuẩn xác tựa như được lập trình. Đàn cá, đàn lợn, đám gà đã êm dạ, không kêu inh ỏi nữa cũng là lúc ông vào đỡ người bạn đời (bà Nguyễn Thị Nhan sinh năm 1963) dậy. Từ nhiều năm nay, vợ ông bị tai biến não nên không thể tự lo cho bản thân, mọi việc sinh hoạt hàng ngày đều do ông đỡ đần.
Đôi tay chai sần của ông lúc này tựa như một làn gió mát, một tay ông đỡ sau lưng, một tay ông nhẹ nhàng dùng khăn rửa mặt, đánh răng cho vợ. Bà Nhan tựa vào vai người chồng để cho chồng giúp mình vệ sinh buổi sáng mà ánh mắt tràn muôn hạnh phúc. Đoạn ông, nhẹ nhàng chải tóc cho bà. Tay nâng niu từng đọn tóc phần nhiều đã chuyển màu bạc của bà, ông trêu: “Tóc mình vẫn mượt như ngày hẹn hò bên bụi tre đầu làng ấy nhỉ”. Nghe chồng “tán”, bà Nhan … mắng yêu: “Ông chỉ giỏi nịnh!”.
|
Mỗi khi chăm sóc vợ là lúc ông Thảnh cảm thấy hạnh phúc nhất. |
Với ai đó khi phải chăm sóc người thân ốm đau là cực hình thì với ông Thành, mỗi khi chăm sóc vợ là lúc ông Thảnh cảm thấy hạnh phúc nhất. Mái tóc của bà Nhan được búi cao hay búi thấp, dùng cặp mái hay cặp ngôi đều do ông Thảnh … tự quyết. Ông Thảnh thường nói vui với vợ rằng: “Tôi thích nhất là bà để mái tóc buông xuôi như ngày là thiếu nữ, thơm mùi bồ kết”. Từ ngày vợ bị ốm không thể tự chăm sóc cho mình, ông Thảnh được “toàn quyền” quyết định chuyện tết tóc hay búi tó cho bà. Nhìn cách ông âu yếm mái tóc bà mà tôi cũng thấy…nao nao trong lòng. Thấy tôi khen tài nghệ búi tóc của ông Thảnh, bà Nhan làm vẻ trách móc: “Ông ấy thích tết, cặp tóc kiểu gì là phụ thuộc vào tâm trạng của ông ấy mỗi ngày”.
Mỗi ngày mới của vợ chồng ông Thảnh quả là đặc biệt. Người cựu binh năm xưa nhẫn nại, ân cần thay vợ làm mọi việc bếp núc một cách hoàn hảo. Vệ sinh các nhân cho vợ xong xuôi, ông lại đỡ bà ngồi tựa ghế, nhanh chân xuống bếp mang cơm lên cho vợ ăn sáng. Hôm nào bà Nhan thấy trong người mệt mỏi, ông Thảnh thay cơm bằng cháo, ngồi bên đút cho vợ từng thìa. Khi bà ăn xong, ông để bà ngôi xem ti vi hoặc thư giãn rồi lại tất bật xách cái làn đi chợ để lo bữa trưa, bữa chiều.
Suốt 10 năm qua, ngày nào ông Thảnh cũng lo cơm ngon canh ngọt và vỗ về từng giấc ngủ cho vợ. Ông Thảnh kể, chăm sóc vợ bị tai biến, ông phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt của bản thân: Ăn cơm tối xong ông đi ngủ sớm để tầm giữa đêm là thức dậy. Vợ ông không thể nằm lâu một chỗ, cứ khoảng mỗi nửa tiếng ông lại phải giúp vợ trở mình một lần. Bà trở mình xong, ông lại nhè nhàng ngồi bên vỗ về để … ru bà ngủ. Con cái đã lớn nhưng hai cô gái lớn thì đã lấy chồng, cậu út đang học đại học xa nhà nên mọi việc của gia đình đều một tay ông lo liệu.
Yêu trọn một đời
“Nếu như Hội Phụ nữ địa phương mà cho cánh nam giới tham gia phong trào đảm việc nước giỏi việc nhà có lẽ ông Thảnh năm nào cũng dành giải cao nhất” – nhiều người xung quanh nói về ông Thản. Vất vả là thế, hy sinh là thế nhưng trong câu chuyện của ông Thảnh, không bao giờ có chỗ ở cho những thở than.
Hôm chúng tôi đến thăm nhà, ông và người bạn đời của mình đang ngồi nghỉ ở phòng khách. Mỗi khi thấy vợ muốn đứng dậy, ông Thảnh lại nhanh chóng chạy qua đỡ bà. Tuy bà Nhan không tự làm mọi việc được vì đôi tay bị co quắp nhưng nom thần sắc của bà khá tốt, nét rạng rỡ trên khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của cô thôn nữ được coi là hoa khôi của thôn Xuân Trì năm nào chưa phôi phai. Nhìn tinh thần phấn khởi, đầy lạc quan của người bệnh đủ để cảm nhận ông Thảnh đã chăm sóc vợ chu đáo đến nhường nào.
Còn nhớ, năm 1983, khi “anh bộ đội cụ hồ” là ông Thảnh rời quân ngũ về địa phương đã làm lao xao trái tim nhiều thôn nữ. Người có may mắn “bắt” được anh bộ đội đó là cô Nhan – hoa khôi của thôn. Đôi trai tài gái sắc nên duyên, bà con trong thôn ai cũng mừng. Vùng quê lúa Ninh Giang khi đó còn khó khăn lắm nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn cố gắng làm lụng dựng xây mái ấm hạnh phúc. Ông Thảnh biết nhiều nghề, lại tại xoay sở, bà Nhan chịu thương, chịu khó nên những khó khăn ban đầu của đôi vợ chồng trẻ qua mau.
Gia đình vợ chồng ông Thảnh – bà Nhan với 3 người con đang êm đềm hạnh phúc thì năm 2004, bà Nhan bỗng dưng bị một cơn tai biến não. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, bà Nhan rơi vào cảnh “bán thân bất toại”, chân tay co quắp, không tự chủ được các động tác của cơ thể. Vợ bị bệnh, ông Thảnh đã không quản ngại khó khăn đưa vợ đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Hễ nghe đâu có bài thuốc hay ông đều lặn lội tìm mua cho vợ bằng được. Suốt 2 năm ròng, vừa lo làm kinh tế, vừa lo cho các con ăn học, vừa lo chạy chữa cho bà nhưng không không hề nản chí. Trong khó khăn, tinh thần kiên cường của anh lính cụ Hồ lại như được tôi luyện ở ông. Gần năm trời ông Thảnh đón cả thầy thuốc về ăn ở tại nhà mình để trị bệnh cho vợ. 3 người con đang tuổi ăn tuổi học, mẹ bị bệnh nặng sinh ra nản chí, ông Thảnh phải ra sức động viên, làm chỗ dựa cho các con tiếp tục anh tâm học hành.
Cô con gái lớn đỗ đại học, rồi con gái thứ hai, cậu út cũng theo chân nhau lên Hà Nội. Các con càng học cao càng tốn kém nhưng ông không để các con thua bạn kém bè. Suốt cả ngày ông vật lộn với ao cá, đàn lợn, đàn gà để kiếm tiền lo cho vợ con. Giờ đây, 2 cô con gái đã ăn học nên người và lập gia đình, cậu út đang học năm thứ hai trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Từ ngày vợ bị bệnh, ông chưa rời nhà lấy một ngày. Ông bảo chẳng dám đi đâu vì để bà ở nhà không có bàn tay chăm chút của chồng thì ông không an tâm. Có việc đi đâu ra khỏi đầu làng cuối xóm là ruột gan ông nóng như lửa đốt, nhanh nhanh chóng chóng là về nhà với vợ ngay. Thi thoảng, bạn bè đồng ngũ ở khắp nơi lại đánh xe về tận nhà mời ông đi chơi, ông chỉ cười xòa xin .. kiếu.