Tủi thân vì con gái chỉ lấy lòng nhà chồng
Từng rất phấn khởi khi con gái lấy chồng cách nhà mình có dăm cây số, coi như không sợ "mất con", không bị chia cắt tình cảm. Thế nhưng bây giờ, những người thân thiết nhắc đến con gái, bà Quỳnh buồn thiu: "Người ta bảo con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho, nhưng con gái nhà này thì gần hay xa cũng vậy, giờ chỉ có bố mẹ chồng mới là bố mẹ nó thôi".
Bà Quỳnh kể, tuy gần nhà nhưng Vy, con gái bà lâu lâu mới ghé qua thăm bố mẹ, ngồi một lát đã tất tả về để nấu nướng kẻo sợ bố mẹ chồng đói "vì các cụ quen ăn sớm". Nhìn ra xe của Vy, bà Quỳnh thấy treo lúc lỉu không chỉ thịt cá mà còn nho Mỹ, táo Tây, trông rất ngon mắt. Biết rằng lát nữa chúng sẽ được con gái cắt gọt, bày biện đẹp đẽ bày lên bàn cung kính mời bố mẹ chồng, bà không khỏi chạnh lòng khi Vy chẳng mua biếu bà lấy một lạng, cứ vô tư về tay không.
"Tôi tủi thân chứ. Con mình rứt ruột đẻ ra, chăm bẵm nó từng miếng ăn giấc ngủ, về già không nghĩ đến chuyện nhờ con vì nó đi lấy chồng thì phải theo chồng, nhưng về thăm bố mẹ thỉnh thoảng cũng nên có đồng quà tấm bánh, không phải mình thèm ăn nhưng nó là sự quan tâm. Đằng này miếng ngon vật lạ gì nó cũng chỉ chăm chăm đem về mời bố mẹ chồng nó thôi", bà Quỳnh ấm ức.
|
Ảnh minh họa. |
Một lần, Vy hồn nhiên khoe với mẹ đẻ vừa mua được mấy hộp sữa Anlene khuyến mãi: "Mẹ chồng con bị loãng xương, uống sữa này tốt lắm", cô hồn nhiên nói, không biết rằng mẹ đẻ đang đau lòng vì bà cũng loãng xương. Những lần khác, Vy đưa những cái khăn, cái áo... mà cô mua định tặng mẹ chồng nhân ngày 8/3, 20/10 để nhờ mẹ xem có ổn không, nhưng lại chẳng có quà gì cho mẹ đẻ hết.
Biết vợ buồn con về điều đó, bố Vy có lần nhắc con gái thì cô lại tỏ ra ngạc nhiên, thất vọng và giận dỗi: "Sao mẹ lại có ý nghĩ như thế? Làm gì có chuyện không thương mẹ đẻ bằng mẹ chồng. Mẹ chồng khác máu tanh lòng thì mới phải nịnh, chứ mẹ đẻ thì sao phải bày vẽ màu mè làm gì chứ?".
Có hôm, Vy rối rít gọi điện về, bảo bố chồng con ốm, bố mẹ nên sang thăm một tí, dặn nhớ mua hoa quả ngon và phong bì. Ông bà Quỳnh sang, ông thông gia tiếp chuyện bình thường, bảo chỉ mệt chút thôi. Còn Vy thì tíu tít hỏi han bố chồng, rồi lúi húi nấu súp yến sào mời bố chồng ăn, bảo yến này quý lắm cô mua đến mười mấy triệu đồng một lạng. Cảnh đó khiến bà Quỳnh lại nghĩ đến lúc bà ốm đến mức phải nằm viện, con gái cũng chỉ đảo qua thăm rồi phải về lo cho nhà chồng, hôm sau mẹ báo xuất viện rồi thì thôi.
Cùng chung nỗi niềm có con gái ăn ở thiên lệch, bà Mai bộc bạch: "Chỉ chăm lo cho mẹ chồng, phớt lờ mẹ đẻ đã ăn thua gì. Con gái nhà này chẳng những không báo hiếu cha mẹ, mà còn nhăm nhe xem cha mẹ có gì để khuân về nhà chồng tâng công thôi. Đúng là con gái cái bòn, như bát nước đổ đi, hỏi sao người ta chẳng thích đẻ bằng được con trai".
Vì là bố mẹ đẻ nên mỗi lần về, Hằng, con gái ông bà, chẳng phải ngại ngùng gì trong chuyện xin xỏ, cứ cái gì xin được là xin, nhiều khi bố mẹ chưa kịp ừ cô đã thản nhiên khuân về. Từ đồ ăn thức uống đến những vật dụng gia đình, chẳng cái gì Hằng chê. Đã thế, những lúc bố mẹ hay anh chị em bên chồng cần tiền, cô còn về năn nỉ bố mẹ đẻ cho vay.
Bà Mai tâm sự: "Tôi cũng mong con gái ăn ở tốt với nhà chồng để cuộc sống được yên vui, nhưng đến mức như cái Hằng nhà tôi thì... Nó chỉ muốn được tiếng thơm ở nhà chồng, được họ khen ngợi, yêu quý, nó ra sức lấy lòng người ta bằng cả sức lực lẫn tiền của, còn với người đẻ ra nó thì nó chỉ coi như con bò để vắt sữa thôi".
"Lệch" quá cũng phản tác dụng
Những cô con dâu "tận tâm tận lực" cống hiến cho nhà chồng nhưng lại chẳng thèm quan tâm đến nhà đẻ thường cho rằng mình chẳng làm gì sai. Hầu hết họ cho rằng, cố gắng làm vui lòng nhà chồng là điều mà phận dâu con phải làm nếu muốn sống yên ổn, bởi ai mà không biết mẹ chồng sinh ra để hạch sách, áp chế con dâu; còn với bố mẹ đẻ thì đâu cần phải khách sáo.
Linh Nga, một phụ nữ xuất giá đã 7 năm, có lý luận khác: "Tôi có muốn thế đâu, chính truyền thống các cụ đặt ra như vậy, con gái đi lấy chồng thì chỉ có phận sự với nhà chồng. Bố mẹ đẻ thì đã có con trai và con dâu lo cho rồi. Mình là con gái, ăn lộc nhà chồng, chứ bố mẹ đẻ có chia của thừa kế cho đâu".
Linh Nga cư xử với nhà chồng chu toàn hết mức. Cô luôn luôn ngọt ngào thăm hỏi, quan tâm đến bố mẹ chồng, quà cáp thường xuyên, ý kiến, nói chuyện với ai cũng hết lời ca ngợi bố mẹ chồng em tuyệt vời thế này, tuyệt vời thế kia, cốt để những lời này đến tai các cụ. Thế nhưng, bố mẹ chồng Nga tuy không hoạnh họe, "trù úm" gì con dâu nhưng cũng chẳng tỏ ra yêu quý cô, thậm chí họ còn thân thiết với nàng dâu út hơn dù cô gái này không khéo ăn khéo nói, cũng không có tiền biếu xén.
Bà Tú, mẹ chồng Linh Nga, bày tỏ: "Tôi không phải là người cứ thấy có quà, có tiền là tít mắt, cứ thấy nói ngọt bùi tai là mê đâu. Hai đứa con dâu, tôi đối xử công bằng, nhưng quý đứa nào hơn thì tôi nói thật là quý đứa út. Con dâu đầu khéo quá, cảm thấy không thật. Nó cứ lấy lời ngon ngọt, lấy vật chất ra để mua chuộc tôi chứng tỏ nó chẳng tôn trọng gì tôi, coi tôi cũng chỉ là loại tham lam nông cạn thôi".
Mẹ chồng Linh Nga cũng cho biết bà không tin rằng con dâu cả yêu quý mình thật lòng dù cô luôn tỏ ra như vậy. "Tôi cứ nhìn cái cách đối xử của nó với bố mẹ đẻ là thấy, dâu cả nhà tôi tính thực dụng và ích kỷ. Nó đi đâu cũng mua quà cho vợ chồng tôi, toàn đồ đắt tiền, nhưng chẳng có quà cho bố mẹ đẻ hoặc chỉ rất gọi là".
"Vợ chồng tôi không thiếu tiền thì nó biếu thường xuyên, trong khi bố mẹ đẻ khó khăn, lắm lúc tôi nhắc là phải hỗ trợ các cụ bên nhà, thì nó bảo chuyện đó đã có anh trai con lo, con là dâu của bố mẹ rồi thì toàn tâm toàn ý với bên nhà mình thôi. Ông nhà tôi bảo, chắc nó nịnh mình để mình sang tên ngôi nhà đang cho thuê cho vợ chồng nó. Có khi thế thật".
Bà Tú cho biết, bà không bằng lòng với chuyện Linh Nga o bế bà mà ơ hờ với mẹ đẻ không phải vì bà cao thượng, mà bởi bà nghĩ, bất cứ ai cũng yêu và biết ơn nhất hai đấng sinh thành, con gái đi lấy chồng bao giờ cũng đau đáu về nỗi mình không báo hiếu được bố mẹ đẻ, không thể có chuyện yêu bố mẹ chồng hơn người đẻ ra mình được.
"Nhiều bà thấy con dâu chỉ cung phụng mình thật tốt mà không quan tâm đến nhà đẻ thì rất hài lòng và tự hào, cho là chọn được dâu tốt. Nhưng tôi thì nghĩ, nếu như bố mẹ đẻ mà nó không thèm để mắt đến, thì cái tình thương nó thể hiện với bố mẹ chồng liệu có thể chân thành được không?", bà Tú nói. "Làm sao tôi có thể vui và yêu quý con dâu khi biết nó là người giả dối?".
Ông Hoành, 71 tuổi, cũng ghét nàng dâu tên Thúy ra mặt mặc dù cô luôn cố gắng làm ông hài lòng. Từ khi về làm dâu, Thúy luôn ra sức ghi điểm với nhà chồng bằng cách chứng tỏ cho họ thấy cô coi trọng gia đình mới hơn cả nhà mẹ đẻ, rằng cô luôn cố gắng thu vén cho nhà chồng. Có điều, chính cái cách thu vén này khiến bố chồng ghét cô.
"Nó cứ có kiểu về ngoại là xin xỏ, vơ vét đủ thứ. Cái máy xay đa năng ông bà bên ấy vừa mua chưa kịp dùng, nó xin về biếu chúng tôi. Thậm chí thuốc bổ, cao ngựa cao khỉ gì đó của nhà thông gia, nó cũng xin mang về cho chúng tôi dùng. Tôi tôi sợ ông bà bên ấy nghĩ chúng tôi xúi con dâu bòn rút họ, nên bảo nó đừng làm thế nữa, nhưng nó cứ vâng mà vẫn làm. Chắc nó nghĩ chúng tôi miệng thì từ chối nhưng trong bụng sướng lắm", ông Hoành bực bội nói.
Nhiều khi ông phát ngượng thấy con dâu về ngoại xong mang về nhà túi to túi nhỏ, những đồ dùng cũ, những đồ ăn thừa: "Nhà tôi có đến nỗi nào mà phải dùng cả những đồ chổi cùn rế rách của nhà thông gia như vậy. Tôi đã nhắc khéo nhiều lần mà nó vẫn vậy, chẳng hiểu nó ngốc không hiểu hay nó coi khinh nhà chồng".
Bà Hoành thì không nghĩ nặng nề như chồng, mà chỉ cho rằng con dâu cố gắng lấy lòng bố mẹ chồng thôi, đó cũng là sự thường. Nhưng được hỏi cách lấy lòng của Thúy có làm vừa ý bà không thì bà lắc đầu: "Là mẹ chồng, ai chẳng thích con dâu đối xử tốt với mình, nhưng nếu không có sự chân thành thì mọi sự cũng bằng không".
Theo Tri Thức Thời Đại