Mỗi lần nói với vợ, chồng chị Hà (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy- Hà Nội) lại luôn bắt đầu bằng câu: "Mẹ anh nói...".
Anh còn lý luận: "Vợ thì anh có thể lấy hai, ba người, mẹ chỉ có một, em đừng nói nhiều". Dần dà, chị cảm thấy ác cảm với mẹ chồng và xa cách anh bên nhà chồng hơn.
Vâng, quả là hiện nay, tại các trung tâm tư vấn, có khá nhiều người vợ trẻ tìm đến chuyên gia tâm lý với lý do chồng của họ luôn nghe theo lời mẹ, gây nên những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình dẫn tới nhiều khúc mắc khó bề giải tỏa.
Ức chế vì chồng nghe lời mẹ
Chuyện của chị Nguyễn Thu Thủy, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ. Do quá ức chế với chồng và mẹ chồng, chị đã uống thuốc tự tử. Số là, vợ chồng chị ở gần nhà bố mẹ chồng nên chiều nào đi làm về, chồng chị cũng tạt sang thăm hai bậc sinh thành.
Chị có điều gì không phải, vợ chồng giận nhau hay bất cứ việc gì trong nhà, anh đều trút bầu tâm sự với mẹ. Vốn không ưa con dâu, bà càng trở nên khắt khe với chị.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
|
Và sau mỗi lần như thế, chồng chị lại có cách xử sự rất khó chịu, thậm chí là không ít lần bà còn “tát nước” vào mặt con dâu, chửi cả bố mẹ chị, khiến chị quá căng thẳng, đau khổ và tìm đến cái chết sau khi sinh con không được bao lâu.
Theo các chuyên gia tâm lý học, trong thâm tâm ai cũng yêu mẹ. Đó là tình cảm thiêng liêng của mỗi người. Đặc biệt, không ít người con trai coi mẹ là thần tượng và khuôn mẫu để so sánh với vợ.
Chị Hồng Anh, ở huyện Từ Liêm- Hà Nội phàn nàn về việc, mỗi khi thấy vợ làm gì, từ nấu ăn đến giặt giũ, chồng chị luôn nói: "Mẹ anh làm thế này" và chỉ cho vợ cách mẹ mình vẫn làm.
Rồi bất cứ việc gì cần đến sự đồng lòng giữa hai vợ chồng, anh không có chủ kiến mà lại cầm điện thoại gọi cho mẹ. "Lúc đầu tôi không nghĩ ngợi lắm, nhưng lâu dần, tôi thấy bực bội khi chồng thường xuyên làm theo lời mẹ, không hề quan tâm đến ý kiến của tôi”, chị Hồng Anh tâm sự.
Còn chị Hân, nhân viên một công ty tư nhân chuyên về máy văn phòng, quê tỉnh Phú Thọ, hiện đang sống ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội thì nhiều lần khóc vì tủi thân khi chồng bỏ về nhà mẹ ở cả tuần lúc bà nhắn “nhà có việc” mà chị không được biết là việc gì.
“Mẹ anh nói không nên nói với em”, anh trả lời ráo hoảnh khi chị hỏi. Với chồng, chị dần không có được cảm giác gần gũi, thương yêu như trước.
Cân đối bên tình, bên hiếu
Khi có thai được ba tháng, mẹ chồng bắt chị Tâm phải thôi việc kế toán tại một công ty xây dựng ở Hải Phòng về sống với gia đình chồng ở Hà Nội để dưỡng thai, trong khi chồng chị vẫn đi làm tại Hải Phòng.
Chị hoàn toàn không đồng ý với giải pháp này vì không muốn xa chồng. Nhưng chồng chị vốn là quý tử, từ trước tới nay luôn nghe theo lời mẹ nên cũng thúc ép chị: “Mẹ nói đúng đấy, em về trên đó sẽ được chăm sóc tốt hơn”.
Một mình khăn gói về sống với nhà chồng, dù được đối xử tốt nhưng chị luôn cảm thấy bức bối khi phải chịu sự can thiệp của mẹ chồng trong mọi việc. Sinh con xong, chị muốn xuống tìm việc và sống gần chồng, nhưng mẹ chồng không đồng ý và bắt anh phải thôi việc, bán nhà về Hà Nội sống để bà được gần con, cháu.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Lệ Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội), người chồng nên cư xử tế nhị, khéo léo, biết điều phối giữa tình và hiếu: Không thể vì tình cảm với vợ mà bớt hiếu thảo, trách nhiệm với mẹ và ngược lại, không nhất thiết lúc nào cũng một mực theo ý kiến của thân mẫu mà không cân nhắc đúng sai, bỏ ngoài tai tâm tư của vợ.
Trong trường hợp thấy mẹ đúng và muốn làm theo lời mẹ, người chồng cần nói cho vợ rõ điều mẹ nói là hợp lý một cách khách quan. Nếu mẹ sai, anh phải góp ý để bà điều chỉnh, còn vợ sai thì cũng không nên bênh vực mà thẳng thắn phân tích, chỉ bảo.
Giữa mẹ và vợ nếu xảy ra mâu thuẫn, người chồng nên tạo cơ hội cho hai người được giãi bày trực tiếp với nhau để mẹ và vợ hiểu, thông cảm và gần nhau hơn.
“Người vợ cần hiểu tình cảm của chồng dành cho mẹ mình, không nên so đo và càng không nên có tâm lý thắng- thua. Vì dù ai thắng đi nữa thì người không vui và khó xử vẫn là chồng. Sự thẳng thắn, độ lượng sẽ giúp người trong cuộc hiểu và gắn bó với nhau hơn”, bà Hà phân tích.
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:
Theo Nông Nghiệp Việt Nam