Vị cay của hạnh phúc

Google News

Hãy coi cãi cọ là vị ớt trên bàn ăn cuộc sống. Chỉ có điều đừng để hơi cay bốc lên đến mờ cả đầu óc.

Sau khi lấy chồng, chị tôi thường về nhà và than thở với mẹ tôi về những bất đồng ý kiến với chồng. Là người ngoài cuộc, cả tôi và mẹ đều thấy rằng những gì chị ấm ức đều chẳng phải là chuyện to tát.
Vậy mà trong suy nghĩ của chị ấy, dường như gia đình chị sắp tan vỡ tới nơi và chị đã vô cùng sai lầm khi lấy anh ấy làm chồng. Những lúc như thế, mẹ tôi lại bình tĩnh khuyên chị: “Con ơi, ông bà ta thường nói: Chén trong sóng cũng phải khua. Vợ chồng chung sống mà không có bất đồng nào mới là lạ. Con cứ từ từ tìm hướng giải quyết”.
Tôi thường ngẫm nghĩ về lời mẹ nói và quan sát cuộc sống xung quanh. Quả đúng là như thế, tôi chưa hề thấy gia đình nào không có mâu thuẫn, bất đồng, cãi vã. Có những gia đình người chồng hiền khô, hay người vợ vô cùng nhẫn nhịn, thế nhưng họ cũng không thể tránh được những bất đồng, chỉ là ít hay nhiều. Thế nhưng không phải đôi nào cũng đưa nhau ra tòa. Vậy thì sự khác biệt của hôn nhân bền vững và hôn nhân không bền vững là ở chỗ nào?
Ảnh minh họa. 
Thật ra, nếu thử làm “thống kê”, bạn sẽ thấy rằng những gia đình luôn cãi cọ ầm ỹ, đập vỡ chén bát không nhiều hơn những gia đình tìm cách tránh mọi xung đột, tránh nói những điều khó nghe với nhau. Sinh hoạt tình dục nhiều hay ít cũng không phải là bằng chứng của hạnh phúc. Sự say mê nhau trong thời gian đầu chung sống cũng không đảm bảo cho cuộc sống mãn nguyện lâu dài. Tính nết giống nhau thì vợ chồng sẽ hòa hợp hơn cũng chẳng phải. Thậm chí không phải mọi tình huống phản bội đều dẫn tới ly hôn.
Vậy thì nguyên nhân vì đâu khiến những cái chén trong chạn khi va chạm vào nhau cái thì tan vỡ, cái lại vẫn nguyên lành? Như lời mẹ tôi khuyên, giản dị chỉ có một điều: Xung đột chưa phải là điều kinh khủng nhất. Hãy tìm ra cách giải quyết xung đột đó, làm dịu các mâu thuẫn đang bùng nổ. Đừng để tình trạng hục hặc kéo dài cho đến khi mọi chuyện rối nùi, không lần ra đầu mối để gỡ ở đâu. Đầu tiên chỉ vì một chiếc ly không rửa sau khi uống trà xong mà phát triển thành: “Đó là cái tính cẩu thả của cả nhà anh” thì quả là không hay chút nào. Trong các gia đình hạnh phúc, những va chạm xung đột thường ngắn hơn. Vợ chồng luôn tìm hướng hòa giải.
Có hai vợ chồng chung sống cùng nhau. Chồng thì thích mua những món đồ máy móc hiện đại tối tân. Vợ thì thích mua đồ mỹ thuật sang trọng. Chồng khinh vợ sống hình thức. Vợ đay nghiến chồng đua đòi. Tiếp theo nhưng mâu thuẫn đó, họ có thể là sẽ cãi vã triền miên hoặc im lặng không thèm nói tới nhau, tiền anh anh mua gì anh thích, tiền tôi tôi mua gì tôi cần. Cách nào cũng đe dọa hạnh phúc gia đình. Sẽ tốt hơn nhiều nếu họ cùng ngồi lại và xem xét ngân sách gia đình. Nếu bạn biết nói ra một cách kịp thời trong cuộc cãi cọ: “Anh cũng có phần đúng….” ;“Em cũng có lỗi là…” thì có lẽ mọi xung đột không phải là không có lối thoát. Sự cãi cọ trong gia đình, đôi khi bạn hãy coi đó là vị ớt trên bàn ăn cuộc sống. Nó cần có và làm tăng thêm vị cho bữa ăn. Chỉ có điều đừng để hơi cay bốc lên đến mờ cả đầu óc.
Theo Phụ Nữ Online