Vợ chồng, con cái biến thành… người dưng

Google News

Gia đình tôi gặp vấn đề lớn vì công nghệ số. Nó khiến cả nhà sống… ảo. Cứ đà này, vợ chồng, con cái sẽ biến thành… người dưng mất 

Công nghệ số đang giúp cuộc sống gia đình ngày càng văn minh, tiến bộ trong thời hội nhập. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều gia đình đối mặt với nguy cơ lớn...
Cả nhà đều sống… ảo
Tìm đến phòng tư vấn, chị Vân (Đội Cấn, Ba Đình, HN) nỗi niềm: “Gia đình tôi đang gặp vấn đề lớn vì công nghệ số. Nó khiến cả nhà đều sống… ảo. Cứ đà này, vợ chồng, con cái sẽ biến thành… người dưng mất”.
Chị Vân làm thủ thư có chồng là kỹ sư công nghệ thông tin, con gái lớn đang học lớp 10, con trai học lớp 8. Do có chồng làm trong lĩnh vực công nghệ số nên hai vợ chồng và con cái được tiếp xúc các thiết bị điện thoại, máy tính bảng rất hiện đại. Chị Vân tính sơ sơ, anh chị mỗi người hai máy điện thoại, một laptop, một máy tính bảng cầm tay, hai đứa con cũng được trang bị điện thoại, ipad, ipod ngay từ nhỏ. Ngoài chức năng để làm việc, liên lạc, những thiết bị công nghệ đó còn là phương tiện giải trí thường xuyên của các thành viên. Nhìn ở một góc độ, chúng giúp gia đình chị bắt nhịp với cuộc sống hiện đại nhanh chóng. Thế nhưng đằng sau những tiện ích ấy là một vấn đề nan giải.
- Gần một tháng ốm nằm nhà, tôi mới nhận ra công nghệ số đang biến chồng và các con tôi là những người rất tuyệt vời trong thế giới ảo nhưng lại giống như người dưng ngoài đời thực. Hôm nào mở “phây”, tôi cũng được chồng chúc vợ mau khỏe, rồi anh kể lể với bạn bè tình hình vợ ốm này nọ, hỏi họ xem bệnh của tôi nên ăn uống thế nào để mau khỏe, cần uống thêm loại thuốc bổ gì. Rồi thiệp hoa điện tử chúc vợ nhanh chóng khỏi ốm được anh gửi lên “phây” mỗi ngày. Nhưng ngoài đời thực, sáng anh ấy ra khỏi nhà phó mặc việc chăm sóc tôi cho giúp việc. Tối đi làm về, anh hỏi vợ qua quýt một vài câu rồi lại cắm cúi vào điện thoại để cập nhật “phây” cho đến khuya.
 Ảnh minh họa.
Tương tự, hai đứa con cũng quan tâm, lo lắng cho mẹ trên “phây” nhưng về nhà chẳng biết mẹ ăn uống thế nào, uống thuốc chưa. Mẹ cần thứ gì chúng gọi ngay giúp việc rồi lên gác học bài không thì dính chặt bên mấy cái máy tính. Tôi có cảm giác, tình cảm vợ chồng con cái trong nhà đang… ảo dần.
Báo động khủng hoảng gia đình thời công nghệ số
Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo PNTĐ về các nguy cơ mà gia đình Việt phải đối mặt trong thời hiện đại, tiến sĩ (TS) Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng công nghệ càng phát triển càng giúp đời sống gia đình văn minh, tân tiến hơn. Thế nhưng nó cũng tiềm tàng một ẩn họa lớn như: khiến cho cấu trúc gia đình đổ vỡ, các mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo dần, những chức năng trong gia đình bị tiết giảm và đặc biệt là chức năng tình cảm bị xơ cứng.
Tôi gặp chị Tuyết Minh (Thanh Xuân, HN) tại văn phòng luật sư số 5 HN khi chị đến đây tìm hiểu thủ tục ly hôn và chia tài sản. Cuộc hôn nhân của chị đi đến hồi kết bởi sự tác động quá mạnh của thế giới công nghệ số. Sau khi kết hôn, chị ở nhà đảm nhiệm công việc nội trợ. Cả ngày thế giới của chị xoay quanh việc đưa đón con cái đến trường rồi về dọn dẹp nhà cửa, cơm nước. Khoảng thời gian chị được vui vầy, nhận lại sự quan tâm từ chồng con là buổi tối. Nhưng hôm nào cũng vậy, chồng chị ăn uống xong là lại vớ lấy máy tính. Anh bỏ mặc chị với những tâm tư cần được động viên, giải tỏa. Chỉ lúc nào chị gắt gỏng, cáu bẳn thì chồng con mới quan tâm chút ít rồi đâu lại vào đấy. Dần dần chị biến thành cái bóng trong nhà, thỉnh thoảng lại làm loạn nhà cửa bằng những trận cãi vã. Không khí gia đình theo đó cũng ngột ngạt dần.
Theo TS Bình, những trường hợp gia đình bị khủng hoảng bởi thời đại công nghệ số như chị Minh, chị Vân không còn lạ và hiếm, mà dường như nó ngày càng trở nên phổ biến, khi mà các thành viên sống quá lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Chức năng tình cảm trong gia đình được thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc, giao tiếp trực tiếp hàng ngày giữa các thành viên thì nay được thay thế bằng ông “gu gồ”. Một đứa trẻ khi thắc mắc một vấn đề gì đó thay vì hỏi trực tiếp bố mẹ thì nó quay sang tra “gu gồ”. Vợ chồng thay vì trực tiếp trao đổi với nhau thì lại lên mạng chat, chít, email. Cứ thế, con đường giao tiếp trực tiếp bị rút ngắn dần.
Hãy để công nghệ hỗ trợ cuộc sống gia đình đừng để nó biến chúng ta thành “nô lệ”. Có như vậy, gia đình với bền vững” – TS Bình chia sẻ.
Theo Phụ Nữ Thủ Đô

TIN LIÊN QUAN