Vợ chồng “đũa lệch“

Google News

Nhìn vào công việc của hai vợ chồng, bạn bè và những người thân đều đánh giá anh so với vợ cứ như “quạ sánh với công”.

Anh chỉ là một nhân viên hành chính quèn, làm ngày tám tiếng. Ngược lại, em là giám đốc một công ty, quanh năm bận tít mù với đủ thứ việc. Ngoài việc điều hành công ty, em còn phải làm ngoài giờ với những cuộc tiếp khách, tiếp lãnh đạo, tiếp thanh tra… đến phờ phạc cả người.
Anh rất thương và thông cảm cho vợ, tình nguyện đảm đương hết việc nhà. Hồi các con còn nhỏ, sáng anh lo cho con ăn uống, đưa tới trường. Về nhà lại lo cơm nước, giặt quần áo, quét dọn. Con bỏ ăn, bị ấm đầu, sổ mũi; quê nội, quê ngoại có chuyện vui, chuyện buồn, một tay anh lo liệu hết. Bận rộn vậy, tới cơ quan anh còn mượn miếng đất sau văn phòng tranh thủ trồng rau, mùa nào thứ nấy. Trong cơ quan ai cũng khen anh chịu khó, chỉn chu công việc, có năm còn được bình bầu là chiến sĩ thi đua. Mùa hè, được dăm ba ngày nghỉ cùng cơ quan, anh khóa cửa dắt hai đứa con xuống biển hay lên núi. Em nhàn tênh việc nhà, chỉ lo chu cấp tiền ăn học cho các con.
Ảnh minh họa. 
Hồi còn ở căn nhà cấp bốn, chiều nào anh cũng hì hục chẻ củi, phơi củi, lo chuyện bếp núc. Sau này khá hơn, vợ thương chồng nên sắm bếp gas, anh không phải chẻ củi nữa. Nhưng, ngôi nhà ba tầng xây cất xong, anh lại phải vất vả hai, ba ngày lau nhà, quét cầu thang một lần. Hai đứa con được học hành tử tế, đứa nào cũng thành đạt. Nhưng, mỗi khi gặp lại các con, anh cảm thấy hình như chúng đang dần xa cách cha. Mọi lời răn dạy phải sống như thế nào cho đúng, học thế nào cho tốt, chúng chỉ “dạ… dạ” cho đúng lễ nghĩa, chẳng bao giờ làm theo. Anh biết lúc này, ảnh hưởng của mẹ quan trọng hơn, bởi các nhu cầu về tiền bạc, đường công danh của con đều do em thu xếp.

Những ngày gia đình đoàn tụ, trong khi anh lo đi chợ, hoặc lui cui nấu ăn dưới bếp, thì ba mẹ con ngồi chuyện trò rôm rả, nhận xét chỗ này, chỗ kia trên thế giới đẹp hay xấu, văn minh hay lạc hậu. Cơm nước xong, mấy mẹ con kéo nhau ra xe đi siêu thị, shop thời trang, anh lại xắn tay áo với đống đồ dơ. Nhiều đêm em về muộn, say nhừ vì phải tiếp rượu đối tác, anh phải thay đồ, lau người cho vợ mà không hề phàn nàn, trách móc. Có lần, khách hàng người nước ngoài đòi được gặp mặt “phu quân giám đốc” trong tiệc chiêu đãi, anh khấp khởi mừng vì có cơ hội tiếp khách giúp vợ. Không ngờ ông khách nước ngoài tửu lượng cũng cao, anh vô tư uống rồi mời, mời rồi uống. Kết quả là cả khách lẫn chủ say mèm, báo hại em không ký được hợp đồng làm ăn. Từ đó, chẳng bao giờ anh được đi tiếp khách giúp vợ nữa.
Hai đứa con sợ “xấu mặt” cha, bắt mẹ phải mua cho anh chiếc xe hơi đi lại cho đỡ mưa nắng. Xe mua xong, anh phải mất thời gian học lái, thi lấy bằng. Cả năm chỉ đôi ba lần về quê giỗ họ hàng, ngày Tết về thăm ông bà nội, ngoại là anh chở vợ con đi, còn thường là xe trùm mền một chỗ.
Nỗi buồn của anh thật khó nói. Đàn ông vốn phải gánh vác những việc lớn trong gia đình, ngoài xã hội, chịu đảm đang công việc nội trợ như anh là do hoàn cảnh bất khả kháng. Anh chỉ cần sự ghi nhận và thông cảm của mẹ con em, mà biết có được không?
Theo Phụ Nữ Online