Vợ ơi, xin đừng bên trọng, bên khinh!

Google News

Chồng thật lòng muốn vợ dành thời gian suy ngẫm. Đừng để cho chồng có cảm giác vợ đối xử với hai bên nội ngoại theo kiểu bên trọng bên khinh.

Chồng đang dở việc ở cơ quan, về muộn một chút, mà vợ cứ gọi điện giục liên hồi. Tưởng có việc gì gấp gáp, hóa ra chỉ là thằng cháu con bác cả mới biết điểm thi đại học, vợ muốn cả nhà mình sang chúc mừng.
Chồng chẳng hẹp hòi gì chuyện vợ về thăm nom bên ngoại, nhất là khi nhà có công có việc, nhưng rồi ngoái lại nhìn nhà nội, chồng lại thấy chạnh lòng.
Nhà nội tuy ở quê nhưng từ nhà mình về đó nào có xa xôi gì mà thi thoảng vợ mới chịu về. Là giáo viên, nghỉ hè dài hơn hai tháng, vợ đưa con đi chơi đây đó thoải mái nhưng không một lần về thăm ông bà. Chồng thì công việc lu bù, mấy lần nhắc vợ, vợ ậm ừ rồi để đấy.
Ảnh minh họa.
Với nhà nội, chỉ khi nào có “đại sự” vợ mới tham gia, còn thì vợ mặc nhiên “khoán” cho các bác, các thím ở quê. Giỗ chạp cũng thế, vợ đủng đỉnh về khi mâm cỗ đã bày biện xong, chào hỏi khách khứa, ăn cỗ xong cũng chẳng động tay dọn dẹp mà lấy cớ sửa soạn “hành lý” ra về. Không ít lần chồng nhắc, vợ lại lý sự: Nấu nướng thì đã có cả một đội quân, rửa dọn có một đàn con cháu, em đứng vào đấy làm gì cho chật chỗ”. Thử hỏi, ai cũng nghĩ như vợ thì lấy đâu ra người làm. Mà vợ nhìn thì biết, trong đội quân đứng bếp và cả đàn con cháu của nhà nội, đâu thiếu những người từ thành phố về từ lúc bốn năm giờ sáng để chung tay lo liệu. Vợ không thấy ái ngại sao?
Ông bà ngoại chỉ cần hắt hơi sổ mũi là vợ sốt sắng sang thăm ngay, trong khi ông nội ngã gãy chân cả tháng vợ mới về thăm được một lần. Mỗi lần ôn lại chuyện xưa, vợ lại phân trần: “Để cho em được học hành bằng bè bằng bạn, bố mẹ em phải vất vả lắm”, chẳng lẽ vợ nghĩ ông bà nội nuôi chồng nhàn hạ hơn sao, khi ông bà chỉ là nông dân, ngày giáp hạt phải chạy ăn từng bữa.
Cô dì chú bác bên nhà ngoại hễ ai thiếu thốn cần vay tiền, vợ luôn sẵn lòng, nhà không có thì vợ huy động bạn bè, người quen, nhưng em chồng làm nhà thiếu bộ cửa, hỏi vay anh chị, vợ lần lữa mãi. Cũng là cháu nhưng cháu nhà ngoại được mừng cưới ba triệu trong khi cháu nhà nội chỉ được có một bộ xoong nồi. Mà nào phải nhà nội ghét bỏ gì vợ, dù từ khi làm dâu, vợ chưa một lần dậy sớm pha cho cha mẹ chồng ấm chè. Ngay cả bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng nghe dâu con về là mẹ chồng đã lo bắt cá, nhốt gà từ chiều hôm trước. Khi thì chồng khéo léo nhắc nhở, khi thẳng thắn nói chuyện về thái độ đó của vợ nhưng lần nào vợ cũng hờn dỗi, trách chồng so đo hơn thiệt. Chồng không đôi co, không lớn tiếng vì không muốn không khí gia đình căng thẳng, các con mất đi sự bình yên. Chồng không phải là người hẹp hòi, ích kỷ, nhưng cách cư xử của vợ đã khiến chồng cảm thấy rất buồn. Đã có lúc chồng nghĩ đến việc lập quỹ đen nhưng lại gạt đi vì không muốn làm bất cứ việc gì đó mờ ám sau lưng vợ.
Chồng thật lòng muốn vợ dành thời gian suy ngẫm, nhìn lại cách cư xử của mình để điều chỉnh sao cho vẹn toàn. Đừng để cho chồng có cảm giác vợ đối xử với hai bên nội ngoại theo kiểu bên trọng bên khinh.
Theo Phụ Nữ Online