Vợ tiếp tay cho chồng cũ

Google News

Chồng luôn có cảm giác vợ là người… tiếp tay, mở đường cho gã, không quan tâm đến sĩ diện và tổn thương của chồng.

9h tối, sau một tràng nẹt pô, rồ ga inh ỏi ngoài cổng như muốn “thông báo”: tao vừa đến; gã dựng chống xe, bộ dạng say mèm, xồng xộc lao vào nhà, gọi lớn: “Misa đâu, ba đến thăm con”, bất kể chồng... lù lù ngay trước mặt. Chồng ý nhị lên tiếng: “Misa đang học bài trên lầu, để tôi gọi con”. Gã trừng mắt nhìn chồng, gầm gừ: “Ông là ai? Misa là con ông à?”. Cũng như mọi lần, chồng chưa kịp phản ứng thì gã tiếp: “Liệu hồn ông. Không tốt với nó là ông không xong với tôi đâu”. Muốn làm cho ra ngô ra khoai với gã một trận, nhưng nhớ lời vợ dặn, chồng chọn cách bỏ đi, vì “chấp gì kẻ say” theo cách vợ nói. Thế nhưng, thay vì bỏ đi trong cơn tức giận như bao lần, hôm qua, chồng quay đi trong cảm giác buồn vợi.
 Ảnh minh họa.
Gã là “tập một” của vợ. Hai năm sau ngày bản án ly hôn giữa vợ và gã có hiệu lực, vợ đến với chồng, nay đã tròn một năm; gã vẫn cảnh sống một mình. Ngày quyết định kết hôn, vợ chồng mình đã có những thỏa thuận: chồng sẽ không cản trở mối quan hệ cha - con giữa gã và Misa; không ghen nếu vợ và gã có bàn bạc, trao đổi chuyện nuôi dạy, chăm sóc con gái chung. Ngờ đâu, thỏa thuận có những phát sinh rất… trời ơi mà chồng chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Thăm con, gã toàn đến vào giờ mình sắp đi ngủ, bộ dạng lất ngất say. Chạm mặt chồng, thể nào gã cũng có dăm ba lời “dằn mặt”, bóng gió xa xôi. Trên hết, chồng luôn có cảm giác vợ là người… tiếp tay, mở đường cho gã, không quan tâm đến sĩ diện và tổn thương của chồng. Nếu không bao biện: “Ảnh đang say, chấp gì”, “Em không muốn con gái thiếu tình cha” thì vợ cũng hờn trách, đổ lỗi lòng dạ chồng hẹp hòi, ghen tuông và đang vi phạm thỏa thuận.
Vợ có nhớ lần đầu tiên gã đến thăm Misa, cũng cái kiểu phăm phăm lao vào nhà, trống không: “Misa đâu? Ông là ai?”. Chồng ngỡ ngàng thì bị vợ kéo tay: “Anh ra ngoài một lát đi”. Gặp con gái xong, gã cố tình nói lớn cốt muốn chồng nghe thấy: “Con thích ăn gì? Mua quà gì?”. Con bé mới bảy tuổi, vô tư kể những món mình thích, rồi gã hằn học: “Sống với ba thì con không thiếu thốn vậy”. Nghe vợ kể chuyện học hành, ăn uống của con, gã lên mặt dạy đời: “Cô phải đổi sữa cho con gấp”, “Nếu được, cô chuyển trường cho con bé cho tôi”. Chồng nóng mặt, định mời gã nói chuyện đàng hoàng thì gặp ngay… cú lườm của vợ. Riết thành quen, gã ngày càng lấn tới, can thiệp sâu vào sinh hoạt của gia đình mình. Nhớ lời gã dặn: “Ở đây có điều gì khiến con buồn, cứ cho ba hay”, nên thỉnh thoảng bắt gặp vợ chồng mình gây nhau, con bé đều “học lại” cho gã biết. Lập tức, vợ nhận ngay điện thoại của gã: “Các người ăn ở sao thì tùy, nhưng để con bé tổn thương thì đừng trách tôi”. Và chắc vợ không quên, có không ít cuộc gọi vào số máy bàn nhà mình lúc giữa đêm của gã, giọng lè nhè “Tôi nhớ Misa” hay “Tôi điện thoại xem con gái đã ngủ chưa”…
Đã nhiều lần chồng đề nghị vợ để chồng được “làm việc” cùng gã, với tư cách người đàn ông hiện tại của vợ, có nghĩa vụ và trách nhiệm thương yêu, chăm sóc hai mẹ con, vợ đều lắc đầu. Trước sau vợ một lẽ: “Anh ấy có quyền hành xử như thế. Sau này, khi có mối bận tâm khác, ảnh sẽ “lơ” mối bận tâm này”. Quyền hành gì ở đây hả vợ, khi mà quyền ấy chẳng những rõ ràng đang quấy rối hạnh phúc, yên vui của gia đình mình mà còn khiến chồng như một thằng hèn ngốc. Tôn trọng vợ, chồng cũng mong không riêng vợ mà cả gã phải tôn trọng chồng, trong việc tìm tiếng nói chung để nuôi dạy Misa. Hay đó chỉ là cái cớ? Vợ từng kể, do không chịu được tính thô lỗ, gia trưởng, nói năng hàm hồ, cộc lốc của gã mà vợ ly hôn; trong khi gã còn rất yêu và nhiều lần níu kéo vợ. Có phải điều đó đã khiến vợ hoặc thương hại gã, thấy mình có lỗi, hoặc lòng còn “lăn tăn”, tơ vương; muốn giữ cho gã một chỗ đứng trong cuộc hôn nhân của chúng mình? Nếu quả thế thật, chồng tự hỏi, không biết, đang ở vị trí như một người thừa, chồng sẽ bị đánh bật ra hoặc tự mình phải rời đi trong bao lâu nữa?
Theo Phụ Nữ TP HCM