Vừa cưới đã tan

Google News

Không ít cặp khi yêu mặn nồng nhưng chỉ vì vài cú “va chạm” ngay sau đám cưới đã đường ai nấy đi.

Giành nhau tiền cưới
Chị Nguyễn Khánh Thu và anh Lê Quang Minh (quận Đống Đa) yêu nhau từ hồi học đại học. Suốt 6 năm trời, hai người giống như đôi chim cu, đi đâu cũng có nhau. Sau khi ổn định công việc, hai anh chị đã quyết định làm đám cưới, hai gia đình cũng đồng thuận, nhất trí tổ chức một đám cưới chung ở Hà Nội thật linh đình.
Chị Thu quê ở Tuyên Quang, bố là giám đốc một công ty lớn nên có nhiều mối quan hệ ở Hà Nội, họ hàng cũng lập nghiệp ở thành phố khá đông. Còn bố mẹ anh Minh là dân Hà Nội gốc, làm ăn buôn bán, kinh tế cũng khá giả. Đám cưới tổ chức linh đình, có đến gần 600 khách. Mọi việc đều phấn khởi, thuận lợi. Vì khách đông, cỗ chung nên hai gia đình thống nhất chỉ đặt một thùng để phong bì chung, sau đó sẽ theo tên đề trên phong bì để trả về “chính chủ”.
Sau khi chia tay khách, hai gia đình thuê phòng ở khách sạn để cùng nhau mở phong bì. Có rất nhiều phong bì chỉ ghi tên mà không biết là khách của nhà trai hay nhà gái. Mẹ vợ và mẹ chồng đều cho rằng mình đều có người quen tên Hạnh, Thu, Lê… như nhau. Cuối cùng, thống nhất là bóc tất cả phong bì ra rồi chia đều. Số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, éo le là sự chênh lệch giữa các phong bì lại quá lớn, có phong bì tiền triệu, phong bì chỉ có 200.000 đồng. Thế là mẹ cô dâu thì bảo chồng làm to nên nhiều cấp dưới cảm ơn, chứ dân buôn bán thì chi tiêu chặt chẽ.
 Ảnh minh họa.
Mẹ chú rể lại cho rằng mình làm ăn buôn bán, bạn bè toàn người kinh tế khá giả nên “sành điệu”. Bố cô dâu cũng bảo khách nhà mình đông nên đáng được nhận nhiều tiền hơn. Bố chú rể đấu khẩu: “Khách nhà ông đông nhưng nhiều người nhà quê chỉ lên ăn trực”. Việc chia đôi cũng không “khả thi” vì ai cũng bảo tôi chi nhiều tiền cho đám cưới, khách của tôi mới nhiều tiền… Cuộc chiến lên đến đỉnh điểm khi mẹ cô dâu chỉ thẳng vào bà nhạc mắng: “bà đúng là đồ con buôn vô học”. Còn mẹ chú rể cũng chẳng vừa khi bảo: “Dân nhà quê từ núi tụt xuống còn học đòi”. Cô dâu thấy mẹ bị mắng thì cũng lao vào cuộc chiến, dằn mặt mẹ chồng đừng giở trò “hàng tôm hàng cá”. Chú rể thấy cô dâu hỗn với mẹ thì dang thẳng tay tát cô dâu nổ đom đóm mắt…. Đám cưới kết thúc bằng sự chia ly: tiền cưới chia đôi, cô dâu chú rể cũng chia tay trong căm tức, tủi hờn.
“Vỡ mật”
Quê chồng Thanh Vân (quận Ba Đình) ở Bắc Ninh. Do công việc bận rộn nên yêu nhau 3 năm, Vân cũng chỉ về quê thăm bố mẹ người yêu được vài ba lần. Mọi chuyện đối đãi, cư xử đều khách khí, vui vẻ nên Vân không hề băn khoăn gì. Để tiện họ hàng hai bên dự đám cưới, hai gia đình thống nhất sẽ tổ chức đám cưới hai nơi, cả Bắc Ninh lẫn Hà Nội. Sau đám cưới ở Hà Nội, Vân đã phải về Bắc Ninh để chuẩn bị.
Vừa về đến quê, mẹ chồng Vân lại gọi cô vào buồng, cho Vân một danh sách dài liệt kê chừng 15 đám giỗ mà cô phải có trách nhiệm quán xuyến. Từ ông bà, cụ kị đến các ông cố từ 4 đời trước và mấy bà cô, ông cậu chết trẻ từ hồi 1-2 tuổi và một bà thím. Mỗi bữa giỗ, Vân cần làm 4-5 mâm để mời họ hàng, thường là phải về trước một ngày để chuẩn bị vì thanh niên dưới quê chẳng còn ai để nhờ, còn người lớn tuổi thì toàn bậc cha chú, không thể nhờ.
Ù tai, choáng váng vì nghĩ đến mỗi năm về quê ít nhất 30 ngày để “chuyên giỗ”, chưa kịp định thần thì mẹ chồng đã mời Vân ra một đống bát cao chất ngất. Bà bảo mấy ngày nay mọi người đã vì cô mà còng lưng phục vụ đám cưới nên mệt rồi, đến lượt cô phải “trả ơn”. Cúi gằm mặt để giấu nước mắt, Vân cặm cụi ngồi rửa bát trong giá lạnh. Trong khi chồng cô cười nói bô lô ba la trên phòng khách. Thi thoảng, anh cũng chạy tạt xuống ngó vợ rồi cười trừ “Em cố gắng làm một mình chứ mẹ mà thấy anh rửa bát thì lại làm ầm lên”...
Đến bữa, sau khi dọn cơm lên, cô định dẹp một chỗ để ngồi cạnh chồng thì chồng cô nháy mắt, chỉ cô xuống mâm sát bếp. Dưới đó, một đám đông phụ nữ, trẻ em đang ngồi chật kín. Ngỡ ngàng, chưa kịp hỏi thì một phụ nữ đã thì thầm: “Ở đây đàn ông ngồi riêng, phụ nữ ngồi riêng, không được ngồi ngang mâm đâu”. Chồng cô và đám đàn ông vừa nhậu, vừa cười nói rôm rả. Vân bê bát cơm lên mà nước mắt lưng chừng. Cô không hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình. Ăn xong, cô lại cặm cụi ngồi với chồng bát bẩn và chỉ đặt lưng lên giường khi 10h tối.
Ngày hôm sau, Vân cố gắng lê người dậy, mặc bộ váy cưới để nghe lời chúc tụng của mọi người. Chưa kịp rửa mặt, gỡ tóc, cô lại lao vào rửa bát, dọn dẹp. Mẹ chồng cô đứng cạnh, chê móng tay cô để quá dài, tóc nhuộm vàng quá. Làm dâu trưởng thì phải nền nã, cư xử khéo léo, chu đáo với mọi người. Các đám cưới, đám hiếu trong họ đều phải có trách nhiệm quan tâm. Vân tê lặng, nụ cười chết cứng trên mặt.
Hôm sau, cho dù chồng còn chần chừ chưa muốn đi sớm, Vân đã nằng nặc đòi đi. Mẹ chồng cô còn nói với sau xe: “Tuần sau có đám giỗ kị, nhớ về trước 1 ngày, tháng sau thì có đám cưới của con cô họ”.
Về Hà Nội, Vân sốt cao, viêm phổi phải đi cấp cứu. Mẹ chồng lên thăm còn trách cô quá ốm yếu, đám giỗ đầu tiên có con dâu lại vắng mặt. Nằm trong chăn mà Vân vẫn run cầm cập. Trở dậy, cô nhìn chồng một cách xa lạ và xin ly hôn trước sự kinh ngạc của chồng.
Theo An Ninh Thủ Đô