1. Máy bay Heinkel He 162
Chỉ trong 3 tháng, máy bay Heinkel He 162 (còn có tên gọi khác là Volksjäger, trong tiếng Đức có nghĩa là "Chiến binh của nhân dân") được thiết kế và đưa vào sử dụng ngay trong năm 1944. Nó được thiết kế để những lính mới hoặc chưa trải qua khóa đào tạo phi công cũng có thể lái. Máy bay này "ra lò" được xem là giải pháp tình thế hữu hiệu trong bối cảnh số lượng át chủ bài của lực lượng không quân Đức quốc xã tử trận ngày càng nhiều và thời gian để đào tạo phi công mới mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, chiếc máy bay này có cấu tạo vô cùng phức tạp với những lính mới chưa qua đào tạo bài bản. Thêm vào đó, cánh máy bay hầu như được làm từ gỗ, chỉ có thân máy bay làm từ kim loại. Mặc dù chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên đã gãy cánh trong một chuyến bay thử nghiệm nhưng chính quyền Hitler vẫn cho sản xuất 116 chiếc máy bay Heinkel He 162. Tuy nhiên, có rất ít chiếc có thể thực hiện nhiệm vụ bay thành công.
2. Xe tăng Panzer VIII Maus
Panzer VIII Maus là một mẫu xe tăng siêu nặng và là xe chiến đấu bọc thép lớn nhất từng được con người chế tạo. Tiến sĩ Ferdinand Porsche đã thiết kế Panzer VIII Maus dài hơn 50% so với xe tăng lớn nhất của Đức sau đó và nặng gấp 3 lần phương tiện đó.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất đường xá, cầu cống dường như không thể chịu đựng sức nặng của một chiếc xe tăng Panzer VIII Maus. Thêm vào đó, nó được thiết kế có khả năng lội nước ở độ sâu trên 13m. Với những thiết kế cồng kềnh và không mấy khả thi nên Đức quốc xã chưa bao giờ cho chúng thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, mẫu xe tăng này được cho là vũ khí mang tính hình tượng hơn là có tính khả dụng. Quân đội Liên Xô và Anh đã bắt được một chiếc xe tăng Panzer VIII Maus chưa hoàn thiện của Đức quốc xã.
3. Tàu lượn Ju 322 Mammut
Trong khi tìm kiếm một loại vật liệu thích hợp để thay thế cho máy bay chở hàng, Đức quốc xã đã ký hợp đồng với công ty máy bay Junkers để sản xuất cho họ một nguyên mẫu. Với thiết kế như một chiếc tàu lượn, Ju 322 Mammut (hay còn gọi Mammoth ) giống như một chiếc máy bay với cánh bay khổng lồ. Nó có độ sải cánh hơn 60m.
Tháng 4/1941, Ju 322 Mammut có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Trong lần bay ấy, nó bay không ổn định và người ta phải mất gần hai tuần mới có thể kéo Ju 322 Mammut trở lại sân bay sau khi gặp tai nạn. Thêm vào đó, chiếc tàu lượn này không thể chở nhiều hàng hóa như dự định ban đầu. Cụ thể, trong một bài kiểm tra, một chiếc Panzer III bị đổ nghiêng về phía bên phải. Một tháng sau đó, chương trình sản xuất loại tàu lượn trên bị hủy bỏ. Nguyên mẫu đã được sản xuất trước đó bị phá nhỏ và đem dùng làm nhiên liệu.
4. Rocket U-Boat
Để tấn công lãnh thổ trên đất liền của Mỹ, Đức quốc xã đã lập ra một số dự án khá điên rồ và không có kế hoạch nào trong đó được thực hiện. Một trong những đề án đầy táo bạo mà Hitler dự định cho triển khai là Rocket U-boat. Loại tên lửa trên được thiết kế sẽ phóng từ một tầm ngầm. U-511 là chiếc đầu tiên được trang bị Rocket U-Boat. Tuy nhiên, loại rocket trên rất kém trong khả năng dẫn đường và gặp khó khăn lớn trong việc di chuyển ở dưới nước.
Năm 1943, kế hoạch trên đã bị dừng lại sau khi các chuyên gia của Đức quốc xã phát triển thành công tên lửa V-2. Tuy nhiên, loại tên lửa này lại quá lớn để có thể trang bị cho các tàu ngầm. Để khắc phục tình hình trên, người ta thiết kế 3 tên lửa V-2 do tàu ngầm U-boat Type XXI chở đến địa điểm dự định tấn công và sau đó sẽ phóng từ bên trong tàu ngầm. Tuy nhiên, không có chiếc tàu ngầm U-boat Type XXI nào phóng thành công tên lửa trên trước khi Chiến tranh thế giới II kết thúc.
5. Máy bay Fieseler Fi 103R
Fieseler Fi 103R (Reichenberg) là phiên bản của bom bay V-1 (còn gọi là Fieseler Fi 103) có người điều khiển của Đức quốc xã vào cuối Chiến tranh thế giới II. Nó được sản xuất để phục vụ cho các nhiệm vụ của "Phi đoàn Leonidas", Không đoàn V thuộc Kampfgeschwader 200.
Loại máy bay này cho phép phi công nhảy dù ra khỏi máy bay ở những thời khắc cuối cùng khi máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, trong một số cuộc thử nghiệm, vì sức gió quá lớn, phi công đã gặp rắc rối khi điều khiển dù. Một số phi công đã tử nạn trong các lần bay thử nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có gần 100 người tình nguyện tham gia chương trình được gọi là lái máy bay cảm tử. Hitler đã cho sản xuất khoảng 70 chiếc Fieseler Fi 103R nhưng không hề xuất hiện trong bất cứ chiến dịch hành động nào suốt thời chiến.
6. Súng phóng rocket đất đối không không điều khiển Fliegerfaust
Fliegerfaust còn được gọi Luftfaust là súng phóng rocket đất đối không không điều khiển. Nó được thiết kế để một người lính sử dụng. Do tầm bắn thấp chỉ khoảng 460m nên nó chỉ có tác dụng sát thương những loại máy bay bay khá sát mặt đất.
Hitler đã ra lệnh cho sản xuất hơn 10.000 chiếc Fliegerfaust nhưng không biên chế rộng rãi. Người ta chỉ nhìn thấy 80 chiếc vào cuối tháng 4/1945. Trong bức ảnh chụp tại thủ đô Berlin sau khi quân Đồng minh tiến vào đây, một số vũ khí loại trên đã nằm trong đống đổ nát.
7. Máy bay Zeppelin Rammer
Vào tháng 11/1944 , Đức quốc xã cho thiết kế máy bay Zeppelin Rammer. Nó sẽ nằm trong một chiếc máy bay khác và được chở vào khu vực máy bay ném bom của quân Đồng minh rồi mới phóng đi thực hiện nhiệm vụ.
Một khi máy bay được phóng đi, các phi công sẽ khởi động động cơ tên lửa và điều khiển máy bay bay về phía chiến đấu cơ của quân địch rồi phóng tên lửa trong chuyến bay đầu tiên. Trong lần phóng thứ hai, nó sẽ tấn công trực diện máy bay kẻ thù. Sau khi sử dụng hết nhiên liệu, Zeppelin Rammer sẽ hạ cánh ở một địa điểm thích hợp để tiếp nhiên liệu và lại được đưa lên bầu trời tác chiến lần nữa. Tuy nhiên, quân Đồng minh đã ném bom phá hủy nhà máy sản xuất loại máy bay này, vì vậy, đã không có chiếc nào được sản xuất ngoài vài chiếc nguyên mẫu.
8. Tên lửa Taifun
Tên lửa Taifun hay còn gọi “typhoon” là một tên lửa do Klaus Heinrich Scheufelen thiết kế năm 1944. Nó được xem là một giải pháp nhằm tiêu diệt máy bay ném bom của quân Đồng minh.
Loại tên lửa này sẽ do một nhóm binh sĩ điều khiển phóng đi khi máy bay của họ đi ngang qua phương tiện chiến đấu của kẻ thù. Giá thành sản xuất loại vũ khí này tương đối rẻ và có hiệu quả. Taifun được thiết kế có một bộ phận phát nổ trong đó có đồng hồ đếm ngược tự phát nổ để đề phòng trường hợp máy bay bị rơi. Hitler đã cho ra lệnh sản xuất hơn 2 triệu tên lửa Taifun nhưng trên thực tế, chỉ có 600 chiếc được sản xuất. Tuy nhiên, người ta chưa bao giờ nhìn thấy quân đội Hitler sử dụng chúng.
9. Súng trường Krummlauf
Đức quốc xã đã phát triển hai phiên bản súng trường Krummlauf dành cho lính bộ binh và lính tăng. Nó được thiết kế cho phép người sử dụng bắn ở nhiều hướng khác nhau như các góc nghiêng 30 độ, 45 độ hoặc 90 độ.
Vào năm 1944, Hitler cho ra lệnh sản xuất 10.000 khẩu súng loại này. Tuy nhiên, phải đến năm 1945, phiên bản súng trường Krummlauf dành cho xe tăng mới được hoàn thành và được xuất xưởng với số lượng rất ít.
10. Sun Gun
Năm 1923, nhà khoa học Hermann Oberth đã đưa ra ý tưởng phát triển "Sun Gun". Nó là một tấm gương khổng lồ rộng hơn 1,5 km và sẽ được đưa vào quỹ đạo địa tĩnh trên Trái Đất. Đức quốc xã đã rất nghiêm túc khi phác thảo kế hoạch này. Khi đó, chính quyền Hitler hy vọng sẽ có thể đun sôi nước biển và thiêu rụi những thành phố dưới mặt đất bằng tấm gương khổng lồ Sun Gun.
Đức quốc xã không công bố bất cứ chi tiết nào về kế hoạch phát triển loại vũ khí này. Kế hoạch đó được cho là sẽ mất khoảng 15 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, người ta không chắc rằng loại vũ khí này có khả năng hoạt động vĩnh viễn bởi ánh sáng không thể chỉ tập trung mạnh tại một nơi.
Oberth cho hay, khi còn là giáo viên, ông đã nảy ra ý tưởng táo bạo này. Vào thời điểm đó, những học sinh đã làm phiền ông bằng chiêu dùng gương cầm tay nhỏ phản chiếu ánh sáng.
Tâm Anh (theo LV)