3 chính sách quan trọng của Chúa Trịnh Cương

Google News

Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Trịnh Cương được đánh giá là có nhiều đóng góp.

- Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Trịnh Cương được đánh giá là có nhiều đóng góp.
[links()]
 
Buộc nhà Thanh phải trả đất

Năm 1719, sứ thần nhà Thanh là Đặng Đình Triết và Thành Văn sang phong vương cho vua Lê, đòi vua Lê phải làm lễ ba lần quỳ, 9 lần vái khi nhận sắc phong. Trịnh Cương không chấp nhận, đã nhiều lần cho người tranh luận, buộc bọn sứ thần phải chấp nhận theo lệ cũ của ta.

Tin tưởng vào lực lượng của mình, Trịnh Cương nhiều lần cho người đưa thư sang vua nhà Thanh đề nghị trả lại các vùng đất Vị Xuyên, Bảo Lạc, Thuỷ Vĩ (thuộc Tây Bắc) nguyên các vùng đất này bị nhà Thanh chiếm vào năm 1668, nhà nước Lê - Trịnh nhiều lần đòi mà không được đành bỏ qua.
 
Trước sự kiên quyết của chúa Trịnh Cương lần này, năm 1726, nhà Thanh buộc phải trao trả lại 80 dặm đất vùng Thuỷ Vĩ và sau đó năm 1728, triều đình nhà Thanh phải trả nốt 40 dặm còn lại, bao gồm cả mỏ đồng Tụ Long, một nguồn nguyên liệu lớn của đất nước. Đây là một thắng lợi to lớn trong chính sách ngoại giao của nhà nước Lê - Trịnh mà Trịnh Cương là người chủ trì.

Một buổi chầu của Chúa Trịnh.
Một buổi chầu của Chúa Trịnh.

Đặt lại phép chia ruộng công

Những chính sách về kinh tế - tài chính của Trịnh Cương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau nhiều năm phát triển một cách tự do, đặc biệt là từ khi thực hiện phép "bình lệ" định mức thuế để thu trong nhiều năm, tình hình ruộng đất và phân hoá giàu nghèo trong xã hội đã thay đổi rõ rệt.
 
Như nhận xét của Trịnh Cương "ruộng tư của người nghèo phần nhiều lọt vào tay những nhà hào phú" hoặc "những kẻ hào phú... nhân dịp xã dân vì nghèo đói mà phải xiêu giạt đã mua ruộng đất của họ chiếm làm của riêng, thuận tiện lập làm trang trại, chứa chấp những kẻ trốn tránh", trong lúc đó ruộng đất còn lại rất ít, "bị kẻ quyền cai thư dịch đảo lộn ngôi thứ... cầm cố lấy tiền mà kẻ thừa hành thì theo ý riêng, làm càn bậy", kết quả là người dân "thiếu nợ và trốn nợ ngày một thêm nhiều, hạng cùng dân ngày một quẫn bách". Để giải quyết tình hình khó khăn đó, Trịnh cương đã ban hành ba chính sách quan trọng:

Năm 1711, hạ lệnh cấm các nhà quyền quý, thế gia, quan viên các nha môn và các nhà hào phú không được khoanh đất tập trung làm trang trại. Ai đã từng thiết lập trang trại rồi thì cho phép tự mình triệt bỏ đi, hạn trong 3 tháng phải xong. Nếu chậm trễ hoặc vi phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật.

Cũng trong năm 1711, đặt lại phép chia ruộng công, gồm 10 điều. Theo đó, những quan lại đã được cấp ruộng lộc hay có nhiều ruộng tư, những dân thường đã có ruộng đất đủ cây cối rồi... đều không được cấp ruộng khẩu phần. Thể lệ cấp ruộng theo đúng thể lệ thời Hồng Đức (thế kỷ XV). Xã nào trước chưa có lệ quân cấp, cho được giữ nguyên tục cũ. Xã nào có ruộng đất miễn thuế từ trước, nay cũng đem phân cấp cho dân nghèo, "khiến ai nấy đều có chỗ ở", ruộng công đã cầm đợ, cho phép chuộc lại và lấy cấp cho dân.

Để đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc điều lệnh của Phủ Chúa, ngay từ năm 1715, Trịnh Cương đã sai các quan đi các nơi khám đạc ruộng đất công tư. Tiếp đó vào các năm 1719 - 1720, quyết định bắt các xã làm lại sổ ruộng đất.

Năm 1722 - 1723, cải tổ chính sách thuế. Trịnh Cương bãi cách đánh thuế cũ theo phép "bình lệ" thực hiện chính sách "Tô, Dung, Điệu". Điểm quan trọng của chính sách thuế này là:

Trước đây ruộng đất tư không phải nộp thuế. Điều đó vừa vô lý vừa tạo điều kiện cho địa chủ, cường hào mở rộng ruộng đất tư, đẩy nông dân vào tình trạng nghèo đói, phiêu tán. Nay, theo chính sách mới, ruộng tư cũng phải nộp thuế, đáp ứng mong muốn của Chúa: "Kẻ giàu người nghèo đỡ đần được cho nhau". Có thể xem đây là một chuyển biến quan trọng có ý nghĩa trong lịch sử tài chính của nước ta.

Khi thu thuế điệu (giống như thuế lao dịch) Trịnh Cương cho phép làm 2 kỳ - hạ và đông, để tránh sự phiền nhiễu. Số tiền này được dùng vào việc thuê người sửa, đặp đê điều, nạo vét mương máng thay cho việc huy động lao dịch. Đây cũng là một sự đổi mới.
 
(còn nữa)
 
Dương Tuấn