4 nữ điệp viên nổi tiếng trong nội chiến Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Rose Greenhow, Harriet Tubman, Belle Boyd... là những điệp viên xinh đẹp, quyến rũ và tài năng bậc nhất trong lịch sử nội chiến Mỹ.

1. Rose Greenhow
 
Khi còn nhỏ Rose O'Neal Greenhow được mọi người gọi là "Wild Rose”. Khi trưởng thành, cô là người có địa vị trong xã hội ở Washington, DC sau khi lấy một bác sĩ giàu có và nổi tiếng. Cuộc sống hạnh phúc và giàu sang của Greenhow đã sụp đổ vào những năm 1850. Khi đó, chồng và 5 trong số 8 người con của cô lần lượt qua đời. Trong những tháng trước khi cuộc nội chiến Mỹ nổ ra, Greenhow là một trong những người ủng hộ lực lương miền Nam. Bà nhanh chóng trở thành người đứng đầu trong đội ngũ gián điệp chống lại lực lượng miền Bắc. Nổi tiếng là một nữ tiếp viên duyên dáng, xinh đẹp và hấp dẫn, cô đã thu thập được thông tin tình báo quan trọng từ các chính trị gia và nhà ngoại giao. Đặc biệt, cô lấy được những tin tình báo tuyệt mật, giúp chỉ huy quân đội Liên minh miền Nam P.G.T. Beauregard giành thắng lợi đầu tiên trong trận Bull Run cũng như nhiều điệp vụ khác.
Trong tháng 7/1861, Greenhow lấy được thông tin quan trọng về kế hoạch tấn công Manassas, Virginia của quân đội Liên minh miền Bắc. Cô đã giấu những tin nhắn quan trọng trong bộ tóc giả của mình và đi qua đoạn đường dài 20 dặm thuộc quyền kiểm soát của lực lượng miền Bắc. Cuối cùng, cô đã đưa tin tình báo có được cho người truyền tin của tổ chức Bettie Duvall (16 tuổi). Sau đó, Chủ tịch liên minh miền Nam Jefferson Davis đã vinh danh Greenhow vì những thông tin tình báo của cô đã giúp họ giành được thắng lợi đầu tiên trong trận Bull Run.
Đến ngày 23/8/1861, người đứng đầu sở mật vụ mới được thành lập của liên bang Allan Pinkerton đã thu thập đủ bằng chứng để khám xét nhà của điệp viên Greenhow. Sau đó, cô và người con gái út là Little Rose bị quản thúc tại nhà và cuối cùng bị đưa đến nhà tù. Mặc dù bị giam giữ nhưng Greenhow vẫn tiếp tục thu thập thông tin tình báo và gửi cho lãnh đạo lực lượng miền Nam.
Sau khi được thả tự do vào năm 1862, Chủ tịch Davis đã giao cho cô một sứ mệnh ngoại giao châu Âu. Tại đây, nữ điệp viên tài ba này đã có cơ hội gặp vua Napoleon III và Nữ hoàng Victoria. Cũng tại nơi này, cô đã đính hôn với một nhà quý tộc Anh và xuất bản cuốn hồi ký của mình.
Năm 1864, trên đường trở về Mỹ, con tàu chở Greenhow gặp nạn ở ngoài khơi bờ biển North Carolina sau khi gặp phải lực lượng miền Nam. Không nghe theo lời khuyên của thuyền trưởng, Greenhow đã cùng hai hành khách khác bỏ trốn trên một chiếc thuyền nhỏ cùng với số vàng bạc châu báu dùng để mang về lấp đầy kho bạc miền Nam. Tuy nhiên, con thuyền đó bị lật úp và Greenhow đã chết tại đó cùng với số kho báu trên.
2. Harriet Tubman
Là một trong những nữ anh hùng nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, Harriet Tubman có lẽ là cựu nô lệ da đen nổi tiếng nhất ở Nam Carolina khi chỉ dẫn và giúp hơn 300 người (trong đó có cả cha mẹ mình) đến với tự do bằng các con đường bí mật được gọi là “đường sắt ngầm” trong những năm 1850.
Tubman vô cùng dũng cảm khi đã vùng lên, trốn thoát khỏi chế độ nô lệ vào năm 1849 và thành lập một mạng lưới gián điệp rộng lớn cho lực lượng liên minh miền Bắc trong suốt thời gian diễn ra cuộc nội chiến.
Vào đầu năm 1862, với sự hỗ trợ lực lượng miền Bắc, Tubman đã đến Nam Carolina làm điệp viên. Tại đây, cô làm y tá và giáo viên cho hàng trăm nô lệ trong các doanh trại của lực lượng miền Bắc. Sau đó, cô nhanh chóng thuyết phục và đưa một nhóm những người đàn ông da đen ở đây vào mạng lưới tình báo. Tubman đã đưa những công chức và nô lệ vào mạng lưới của mình để thu thập thông tin tình báo quân sự. Cô cũng đứng ra tổ chức nhiệm vụ nguy hiểm như giúp lực lượng liên minh miền Bắc tiêu diệt các đồn điền và giải phóng nô lệ phải làm việc trên tàu chiến.
Đặc biệt, tháng 6/1863, Tubman đã dẫn đầu một nhóm vũ trang tiến hành đột kích làm gián đoạn đường cung cấp lương thực, đạn dược của lực lượng miền Nam và giải phóng hơn 700 nô lệ ở khu đồn điền gạo dọc sông Combahee, Nam Carolina.
Sau cuộc nội chiến, Tubman chỉ được trao thưởng 200 USD trong ba năm làm điệp viên cho lực lượng miền Bắc cũng như bị chính quyền từ chối cấp tiền trợ cấp với những đóng góp trong cuộc nội chiến. Với số tiền ít ỏi đó, cô buộc phải bán bánh nướng, bánh gừng và nước trái cây để sinh tồn. Sau đó, Tubman trở thành một nhân vật chủ chốt trong phong trào đòi quyền bỏ phiếu bầu cử.
3. Belle Boyd
Sinh ra trong một gia đình ở Virginia với lòng trung thành cao độ với lực lượng miền Nam, Isabelle "Belle" Boyd đã trở thành một trong những điệp viên nổi tiếng nhất trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến. Trong sự nghiệp điệp viên hoành tráng, khi mới 17 tuổi, cô đã giết một người miền Bắc vào tháng 7/1861. Cụ thể, người lính đó đã đột nhập vào ngôi nhà của cô, xé cờ của lực lượng miền Nam và nhục mạ mẹ cô. Thấy vậy, Boyd đã dùng súng bắn người lính đó. Mặc dù được tuyên bố trắng án nhưng lực lượng miền Bắc vẫn theo dõi chặt chẽ cô. Sau đó, Boyd đã lừa được kẻ thù và truyền những tin tình báo quân sự bí mật cho chỉ huy lực lượng miền Nam.
Tháng 5/1862, Boyd ở Pháo đài Hoàng gia ở Virginia và đã nghe trộm các cuộc họp của lực lượng miền Bắc thông qua một khe nhỏ ở cánh cửa. Sau đó, cô đã truyền tin tức nghe được cho chỉ huy quân đội Liên minh miền Nam Stonewall Jackson. Những thông tin này đã hỗ trợ vị tướng trên giành chiến thắng trong chiến dịch thung lũng Shenandoah năm 1862.
Đến tháng 7/1862, cô bị lực lượng miền Bắc bắt giữ và tống vào tù ở Washington. Sau đó 1 tháng, Boyd được trả tự do. Một năm sau đó, cô lại bị tống vào tù.
Sau khi được trả tự do, Boyd đã đi tàu sang Anh vào tháng 5/1864 để đưa tin tình báo. Tuy nhiên, cô lại bị lực lượng miền Bắc bắt giữ. Một trong số những binh sĩ miền Bắc có tên Samuel Hardinge đã đem lòng yêu cô và giúp cô trốn thoát tới London, Anh. Tại đây, hai người đã tổ chức kết hôn. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc của hai người không kéo dài được bao lâu khi Hardinge đột ngột qua đời. Boyd trở thành góa phụ và làm mẹ khi mới 20 tuổi. Trong thời gian ở Anh, cô đã viết cuốn hồi ký và bắt đầu sự nghiệp biểu diễn trên sân khấu khá thành công. Sau đó, cô trở về Mỹ và tiếp tục tái hôn 2 lần. Khi về nước, cô được mời đi giảng dạy, nói về những bài học chiến tranh của bản thân đã đúc rút được trong thời gian làm điệp viên ở khắp nước Mỹ.
4. Elizabeth Van Lew
Lớn lên trong một gia đình giàu có sở hữu nhiều nô lệ ở Richmond, Virginia, Elizabeth Van Lew đã trở thành điệp viên xuất sắc cho chính phủ liên bang miền Bắc. Ngay từ khi còn nhỏ, Elizabeth đã được theo học tại trường Quaker thuộc bang Philadelphia. Tại đây, cô được giáo dục về sự bất công của chế độ nô lệ và từ đó sớm hình thành tư tưởng giải phóng nô lệ. Sau khi cha qua đời vào năm 1843, anh trai của Elizabeth đã tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Khi đó, họ quyết định trả tự do cho những người nô lệ làm việc trong gia đình mình từ xưa đến nay.
Khi chiến tranh nổ ra , Van Lew và mẹ bắt đầu đem quần áo, thực phẩm và thuốc men cho tù nhân thuộc lực lượng miền Bắc bị giam cầm trong nhà tù của phe miền Nam ở Richmond. Cô đã giúp một số người bỏ trốn khỏi đó hay tuồn thư từ và thu thập thông tin giá trị về lực lượng miền Nam từ tù nhân và nhân viên an ninh. Sau đó, cô truyền tin cho lực lượng miền Bắc.
Cuối năm 1863, chỉ huy lực lượng miền Bắc Benjamin Butler tuyển dụng Van Lew làm điệp viên. Cô nhanh chóng trở thành người đứng đầu mạng lưới gián điệp ở Richmond. Với sự giúp đỡ của các cộng sự trong đó có điệp viên đóng vai trò cánh tay phải của cô là Mary Bowser , Van Lew đã truyền đi những thông tin tình báo mật cho lực lượng miền Bắc và giấu chúng trong những quả trứng rỗng ruột hay trong các loại rau.
Nữ điệp viên Van Lew còn thuyết phục nhiều người tham gia mạng lưới tình báo của mình trong đó có một quan chức cấp cao làm việc ở nhà tù Libby. Tháng 4/1865, lực lượng Liên minh miền Bắc giành được quyền kiểm soát Richmond nhờ những thông tin tình báo quan trọng mà Van Lew thu thập được. Đích thân tướng Grant cũng như nhiều nhân vật chủ chốt trong chính phủ Liên bang miền Bắc đã gửi lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp đặc biệt của cô đối với chiến dịch trên.
Bên cạnh đó, Van Lew còn nhận được một khoản tiền thưởng nhỏ từ chính phủ để ghi nhận công trạng. Do đóng góp phần lớn tài sản riêng trong quá trình làm điệp viên nên sau thời kỳ tái thiết, cô sống trong cảnh bần hàn. Thêm vào đó, cô ngày càng bị dân chúng Richmond tẩy chay khủng khiếp và coi như kẻ thù. Những ngày cuối đời, cô phải sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ một số gia đình Boston giàu có từng được cô giúp đỡ trong thời kỳ nội chiến. Cô nhận sự hỗ trợ tiền bạc đó cho đến khi qua đời vào năm 1900.
Tâm Anh (theo History)