Bát hương trên mộ tự bốc hoả dù không có gió

Google News

Khi vừa khấn xong thì bất ngờ bát hương bốc hỏa, ngọn lửa bùng lên đốt cháy cả chân nhang, dù hôm đó không hề có gió...

- Cứ vào dịp giỗ tổ, khi mọi người lên mộ làm lễ thì trời lại lác đác mưa. Lễ xong cũng là lúc trời tạnh...
 [links()]
Sáng tỏ thân thế chi họ Hoàng xã Hiệp An
Thân thế chi họ Hoàng xã Hiệp An đã được làm sáng tỏ
 
Quên mũ vì… chưa vái chào Tổ (?!)

Ông Hoàng Minh Hiệp cho biết, theo gia phả thì tính từ Thủy tổ đến nay, chi họ đã phát triển đến đời thứ 15. Hiện nay, chi họ đang tồn tại 7 thế hệ cùng sinh sống với khoảng 2.500 nhân khẩu.

Trong đó, ở xã Hiệp An có gần 1.550 nhân khẩu, còn lại phân tán ở các nơi như huyện Kim Thành (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Phòng, TPHCM...

Dẫn tôi lên thăm khu mộ tổ nằm trên sườn núi Cao, đường rải bê tông đến tận nơi, ông Hiệp không khỏi tự hào. Ông kể, năm 2010, khi biết tin mộ tổ chính là mộ vua, cả họ đã đồng tâm, đóng góp làm đường, tu sửa lại khu mộ cho khang trang hơn.

Có một điều cho đến tận bây giờ ông Hiệp cũng như những vị cao niên trong dòng tộc vẫn không thể lý giải nổi. Đó là từ cuộc gặp gỡ "định mệnh" ngày 12/8/2008 đến nay (tức là khi biết mộ tổ là mộ vua).

Cứ vào dịp giỗ tổ, khi mọi người lên mộ làm lễ thì trời lại lác đác mưa. Lễ xong cũng là lúc trời tạnh. TS Nguyễn Minh Đức cho biết thêm: "Chiều12/10/2011, tôi cùng đoàn đại biểu chi họ lên thắp hương xin được tổ chức buổi hội thảo ngày hôm sau.

Khi vừa khấn xong thì bất ngờ bát hương bốc hỏa, ngọn lửa bùng lên đốt cháy cả chân nhang, dù hôm đó không hề có gió".

Ngay hôm tôi về tìm hiểu để viết bài báo này, sau khi phỏng vấn, chụp ảnh khu mộ xong, chúng tôi vừa xuống chân núi thì ông Hiệp đã tất tả quay trở lại khu mộ. "Đây là lần thứ tư tôi quên mũ trên khu mộ. Lần nào cũng là do tôi đã không vái chào Tổ khi ra về", ông phân trần.

Có thể, đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Song như lời GS.TSKH Phan Đăng Nhật thì "cái đó thuộc về lòng tin của con người.

Ngay như việc cho rằng mộ tổ của chi họ chính là mộ Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn cũng chỉ là niềm tin khoa học dựa trên những cứ liệu lịch sử và thông tin từ phía chi họ".
 
Thông tin từ cuốn gia phả cổ

TS Nguyễn Minh Đức nhớ lại: "Đọc dòng chữ ngay trang bìa của cuốn gia phả, tôi bàng hoàng khi thấy hai chữ "húy Toàn". Trong đầu lởn vởn với câu hỏi: Phải chăng đây chính là vua Mạc Toàn?".
 
Để xác nhận thêm một lần nữa về nội dung cuốn gia phả, ông đã hỏi lại các vị cao niên trong họ rằng ai dịch cuốn này. Câu trả lời "người dịch vốn là một thầy đồ nổi tiếng trong vùng" khiến ông càng tin tưởng và tức tốc về Hà Nội ngay chiều hôm đó.

Cuốn gia phả và bản dịch được mang đến cho TS Hoàng Lê, nguyên là cán bộ nghiên cứu ở Viện Hán - Nôm để kiểm tra, đối chứng. Kết quả, "bản dịch hoàn toàn đúng" đã khiến cả ông Đức và ông Nhật vui mừng khôn xiết.

Tin đó nhanh chóng được lan truyền về xã Hiệp An. Dù đã được dự đoán từ trước song cả chi họ không khỏi xúc động đến trào nước mắt. Từ đây, gốc tích ngôi mộ tổ của chi họ cũng dần được hé mở.
 

Ông Hiệp cho biết, theo gia phả thì tính từ Thủy tổ đến nay, chi họ đã phát triển đến đời thứ 15

Phát lộ mộ Hoàng đế Mạc Toàn

Theo GS.TSKH Phan Đăng Nhật, cuốn gia phả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để các nhà khoa học xác định gốc tích ngôi mộ cổ mà chi họ Hoàng gốc Mạc ở xã Hiệp An vẫn thờ tự.

Trong Hợp biên thế phả họ Mạc và các tài liệu lịch sử cho biết, Mạc Toàn là con trai trưởng của Hoàng đế Mạc Mậu Hợp. Ngài lên ngôi ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Thìn 1592, niên hiệu Vũ An và mất ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ

1593 trong cuộc giao tranh với quân Trịnh Tùng tại bến Thảo Tân (thôn Cổ Tân, xã An Phụ, Kinh Môn ngày nay).

Từ thông tin này, các nhà khoa học đã đi sâu tìm hiểu và phát hiện ra ngôi mộ tổ của chi họ Hoàng gốc Mạc ở xã Hiệp An có mối liên hệ với cuốn gia phả, đồng thời cũng liên quan đến thân thế Hoàng đế Mạc Toàn - vị vua thứ sáu triều Mạc tại Thăng Long.

Ông Hoàng Minh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An xác nhận, bến Thảo Tân nằm cách làng Lưu Thượng, xã Hiệp An chừng 3km.

"Tôi được các cụ trong họ truyền lại rằng, sau khi Thủy tổ mất, con cháu đã bí mật đóng bè chuối, đưa thi hài cụ về mai táng ở đống Dẹt. Rõ ràng, nơi mất và nơi an táng không trùng nhau.

Thứ nữa, ngày giỗ Thủy tổ cũng trùng với ngày mất của Cảnh Tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn", ông cho biết thêm.

Xâu chuỗi với chuyện kể của những người đã từng di dời ngôi mộ tổ từ đống Dẹt lên đặt ở triền núi Cao năm 1968, GS.TSKH Phan Đăng Nhật và TS Nguyễn Minh Đức đã bước đầu xác nhận:

Ngôi mộ tổ của chi họ Hoàng gốc Mạc ở xã Hiệp An, huyện Kinh Môn chính là mộ vua Mạc Toàn.

Tuy nhiên, để đi đến kết luận cuối cùng, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học  "Những di sản văn hóa về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại Kinh Môn, Hải Dương".

Cuộc hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sử học như GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; GS.TSKH Phan Đăng Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống;

Nhà sử học Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương; Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hải Phòng cùng lãnh đạo một số ban ngành tỉnh Hải Dương và đại diện chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An.

Hội thảo đã thống nhất đi đến kết luận: Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An chính là hậu duệ của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn. Và ngôi mộ tổ mà hàng trăm năm nay chi họ thờ cúng chính là mộ của ngài.
 
"Tôi cũng có tham gia cuộc hội thảo này và có biết về thân thế của chi họ Hoàng gốc Mạc ở xã Hiệp An. Tuy nhiên, kết luận hội thảo mới chỉ là những quan điểm của các nhà khoa học. Còn về mặt quản lý nhà nước vẫn cần có văn bản xác nhận rằng ngôi mộ đó là mộ vua Mạc Toàn".
Ông Nguyễn Tiến Bình(Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kinh Môn)


 "Việc xác định, kết luận về thân thế của chi họ cùng gốc tích ngôi mộ tổ có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có kết luận ngôi mộ tổ chính là mộ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn và công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời có kế hoạch xây dựng khu tưởng niệm Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn, để con cháu các nơi về bái tổ".
Ông Hoàng Minh Côi
(Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy Kinh Môn, hậu duệ của Hoàng đế Mạc Toàn)

Thanh Thủy

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Dũng -

Dũng
Sặc mùi mê tín.

Hiển thị thêm bình luận