Có lẽ nhiều bạn từng đọc và yêu mến cuốn tiểu thuyết trữ tình của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery - "Hoàng tử bé". Những trang sách cảm động kể về tình yêu và nỗi cô đơn đáng ghi nhớ suốt đời.
Còn có thêm câu chuyện khác, kể về một vị hoàng tử trăn trở vì tình yêu với quê hương buộc phải rời xa và nỗi cô đơn của người chịu cảnh lưu đày chia lìa với đất nước đồng bào. Tác phẩm được viết cách đây 110 năm, ra đời khá lâu trước cuốn sách của Saint-Exupery, nhưng đáng tiếc là còn ít được biết đến.
|
Bức chân dung nổi tiếng của vua Hàm Nghi.
|
Sử gia Matxcơva Maksim Syunnerber thông báo: “Tác giả của cuốn tiểu thuyết này là nữ văn sĩ Nga Tatyana Shchepkina-Kupernik. Bà sinh ra năm 1874 và từ trần vào năm 1952. Thời thanh xuân, trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga, nữ văn sĩ đã chu du khắp thế giới. Vào đầu năm 1902, người phụ nữ Nga viết văn đã đến vùng thuộc địa Pháp ở Algeria. Thời ấy, tại đó, có vị hoàng tử Việt Nam đang sống trong cảnh quản chế. Đó là vua Hàm Nghi, bị Pháp lật đổ ngai vàng ở Huế, chính là nhân vật hồi cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến vũ trang ở Việt Nam chống quân xâm lược Pháp”.
"Hoàng tử Lý Tzong" – trong truyện ngắn 10 trang thuật lại những cuộc gặp gỡ với vị vương giả phương Đông, nữ văn sĩ Nga đã gọi vua Hàm Nghi theo danh xưng như vậy vì lý do kiểm duyệt. Câu chuyện được công bố lần đầu tiên ở Matxcơva vào năm 1903.
Tác phẩm của nữ văn sĩ Nga bắt đầu bằng những dòng mô tả quê hương của vua Hàm Nghi - "đất nước thần thoại với những túp lều tranh của những người bản xứ da vàng thờ phượng Đức Phật, nơi những người phụ nữ giống như bức tượng nhỏ xinh tạc bằng ngà voi, có những nông phu mặc trang phục thẫm xanh miệt mài làm việc trên cánh đồng lúa”. Tại đất nước thanh bình này - Shchepkina-Kupernik viết - có một hoàng tử trẻ. Chàng là người nhân hậu và đã từng sống hạnh phúc. Nhưng vào một sớm mai định mệnh, hoàng tử và các thần dân của đất nước này biết rằng ở phương Tây không chỉ có những bác học vĩ đại và những thi hào tuyệt vời, mà còn có cả những người mang súng đạn cùng sự hủy diệt. Thế rồi chết chóc và tuyệt vọng đã ập đến đất nước phương Đông bình yên. Để rồi, buổi chiều đi ngủ còn là hoàng tử, sáng mai thức dậy, chàng đã là tù nhân.
Hoàng tử bị bắt, người ta đem chàng đi làm con tin, cầm giữ trong nhà tù là ngôi biệt thự màu trắng dưới bầu trời châu Phi, ở Algeria, và đại dương ngăn cách hoàng tử với quê nhà xa vời vợi, không bao giờ còn có dịp trở về. Hoàng tử trẻ tuổi sống - Shchepkina-Kupernik viết - và chỉ sống với ước mơ duy nhất, là sẽ có ngày nấm mộ của chàng cũng được nằm trên đất cố hương. Niềm hy vọng đó đôi khi bừng lên thành ánh lửa sáng trong cặp mắt đen luôn trầm mặc buồn rầu.
Vị hoàng đế phương Nam và vị khách xứ Nga gần như cùng độ tuổi, vua Hàm Nghi chào đời trước nữ văn sĩ 2 năm. Cả hai đều nói thạo tiếng Pháp. Họ đã gặp nhau mấy lần, cả trong ngôi nhà mà chính quyền thực dân dành riêng cho vị hoàng tử lưu đày, cả ở thủ đô Algeria.
Hai người trẻ tuổi gặp gỡ tình cờ đã kịp chia sẻ với nhau rất nhiều điều, mà chủ yếu là bộc bạch những ước mơ. Những tâm sự mà nhà vua không bao giờ hé ra với những kẻ xâm lấn thống trị đất nước, thì chàng lại dễ dàng cởi mở với người con gái xứ Nga.
Và những trang viết của nữ văn sĩ, từ 110 năm trước đã giới thiệu với độc giả Nga về một trong những nhà ái quốc Việt Nam vĩ đại, một con người đau khổ do ý muốn tà ác của kẻ thù mà phải sống suốt đời cách xa quê hương yêu dấu và nhân dân của mình.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Tiếng nói nước Nga