- Đó là chuyến đi của sứ thần Lê Quang Bí vào năm 1548 thời nhà Mạc, kéo dài tới 18 năm trời. Trường hợp Lê Quang Bí thật giống Tô Vũ nhà Hán trước đây, vì vậy người đương thời cũng gọi ông là Tô Công.
|
Ảnh minh họa. |
Ngày xưa, để tiến hành công việc bang giao, các triều đại phong kiến nước ta đều cử các đoàn sứ thần sang Trung Hoa. Các đoàn sứ thần thường có một chánh sứ, một hoặc hai phó sứ và các thành viên khác. Nhiệm vụ của các sứ đoàn có thể là triều cống, báo tang, cầu phong...
Do đường sá xa xôi, núi sông cách trở, phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân (các vị chánh phó sứ được đi võng, tức có người khiêng), những đoạn thuận tiện đường thủy thì được đi bằng thuyền, vì vậy, mỗi chuyến đi và về thường kéo dài 1 - 2 năm. Chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử là chuyến đi của sứ thần Lê Quang Bí vào năm 1548 thời nhà Mạc, kéo dài tới 18 năm trời.
Lê Quang Bí sinh năm 1506, quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương). Năm 1527 ông 21 tuổi, thi đỗ Hoàng giáp rồi làm quan dưới triều nhà Mạc. Năm 42 tuổi (1548), ông được cử đi sứ nhà Minh.
Nhiệm vụ của sứ đoàn chỉ là nộp cống, thế nhưng nhà Minh gây khó dễ, khiến chuyến đi sứ của ông kéo dài đến 18 năm trời, mãi đến năm 1566 Lê Quang Bí mới được trở về nước. Khi đi, ông đang còn ở tuổi tứ thập, mái tóc còn xanh, khi trở về, ông đã trở thành một ông lão đầu râu tóc bạc.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi về sự kiện này một cách vắn tắt: "Ngày 25, họ Mạc sai bọn Lại bộ thượng thư kiêm Đông Các Đại học sĩ Kế Khê hầu Giáp Hải và Đông Các Hiệu thư Phạm Duy Quyết lên đầu địa giới Lạng Sơn đón tiếp sứ thần Lê Quang Bí về nước. Quang Bí phụng mệnh đi sứ năm Gia Tĩnh thứ 27, bị nhà Minh giữ lại 18 năm, đến nay trở về" ( Sđd, NXB Văn hóa - Thông tin, 2003, Tập 3, tr.217).
(còn nữa)
Phan Duy Kha