Không có nơi đâu như ở Việt Nam trong những năm tháng chống ngoại xâm, mỗi con người bất luận già trẻ, gái trai đều là những chiến binh quả cảm khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Cảm nhận này tôi được nghe chính từ miệng một cựu binh Mỹ tên Jan Scruggs từng tham chiến tại Sài Gòn nhân một dịp tình cờ gặp nhau tại Paris (Pháp).
Tình cờ nhận ra “anh bạn nhỏ” là người Việt Nam, Jan tươi cười làm quen, tán gẫu về đề tài chiến tranh Việt Nam, nơi mà Jan có quá nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Ông bày tỏ sự thán phục và kính trọng “những nữ Việt Cộng làm rung chuyển Sài Gòn và nước Mỹ”, họ là những cô nữ sinh, những người lao động bình dân không ai ngờ tới, trong đó có anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Lớn.
|
Đồng chí Võ Thị Lớn (Út Thu) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Chị Võ Thị Lớn là một người rất gan dạ, dũng cảm. Chị được giao làm nhiệm vụ giao liên chuyển công văn, tài liệu, chỉ thị mật, nghị quyết và đón đưa hàng trăm cán bộ, học sinh, sinh viên từ nội thành ra căn cứ học tập, trên các địa bàn Củ Chi, Bến Cát (Bình Dương), núi Thị Vải, núi Dinh (căn cứ núi Minh Đạm, Bà Rịa –Vũng Tàu).
Trong nội thành, Võ Thị Lớn thường tiếp xúc các đầu mối tình báo mật nhận và giao tài liệu, chỉ thị tại khu vực cổng xe lửa số 6, (nay là Lê Văn Sỹ - Huỳnh Văn Bánh) các khu vực chợ Trương Minh Giảng, xóm Vườn Chuối, xóm Bàn Cờ (Quận 3), chợ Nancy (quận 1 giáp quận 5) tham gia nhiều đợt vũ trang tuyên truyền ở khu chợ Vườn Chuối, chợ Bến Thành, khu Tân Định như rải truyền đơn, treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam, thả bong bóng mang biểu ngữ, vào những ngày lễ lớn của cách mạng.
Qua suốt nhiều năm bằng các biện pháp ngụy trang với hàng trăm chuyến đi về đưa đón cán bộ, cơ sở, mang tài liệu đến nơi an toàn, qua mắt tay sai, cảnh sát, mật thám Mỹ-Ngụy.
Tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn tiếp tục xấu đi từ năm 1964 kéo dài sang năm 1965, nội bộ rối rắm, Mỹ thay đổi liên tục các con bài tay sai, nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Kế hoạch bình định trong chiến tranh đặc biệt của Mỹ gần như phá sản hoàn toàn.
Cuối cùng Mỹ chọn con bài Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, lập chính phủ quân sự tháng 6/1965 để phục vụ cho ý đồ chuyển hướng chiến lược chiến tranh cục bộ, trực tiếp đưa thực binh Mỹ vào xâm lược Việt Nam.
Các chính phủ lên thay đều áp dụng chính sách đàn áp quyết liệt và đẫm máu phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đô thị, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, càng đàn áp thì phong trào càng dâng cao, mở rộng không ngừng.
Các trận đánh của biệt động thành vào đế quốc Mỹ vang dội trong cả nước và thế giới, làm nức lòng người, hỗ trợ đưa phong trào đấu tranh chính trị tiến lên, như các trận đánh vào khu vực Tân Sơn Nhất, rạp chiếu bóng Kinh Đô, đánh chìm chiếc tàu Card 15.000 tấn tại cảng Sài Gòn, đặt mìn giết hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara tại cầu Công Lý, trận đánh khách sạn Brink, đánh Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ MAAG, đánh tòa Đại sứ Mỹ…
Đây là thời kỳ “bão tố cách mạng” cả chính trị và võ trang tấn công vào Mỹ ngụy ngay trong sào huyệt của chúng.
Cô gái đánh mìn sân vận động Cộng hòa
Ngoài nhiệm vụ giao liên đưa đón hàng trăm cán bộ từ trong nội đô ra chiến khu và từ chiến khu vào nội đô công tác; vận chuyển, cất giấu và giao liên hàng trăm tài liệu, tham gia xây dựng cơ sở hậu cần, vận chuyển vũ khí, trinh sát mục tiêu… nữ chiến sĩ biệt động Út Thu đã tham gia 2 trận đánh tiêu biểu, gây tiếng vang lớn trong nội đô Sài Gòn, tạo khí thế cho học sinh và sinh viên, nhân dân đấu tranh với chính quyền Mỹ, Diệm.
Trận thứ nhất được ghi lại bằng kết quả tiêu diệt lực lượng cảnh sát dã chiến thường xuyên tụ tập huấn luyện tại sân vận động Cộng Hòa (sân vận động Thống Nhất ngày nay) chuyên đi truy tìm cơ sở cách mạng, đàn áp lực lượng học sinh, sinh viên, biểu tình chống chế độ Mỹ, Thiệu.
Để hạ uy thế địch và gây tiếng vang giữa Sài Gòn, cấp trên giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, Ban Quân sự Khu đoàn giao cho đồng chí Võ Thị Lớn và đồng chí Bùi Thị Anh thực hiện nhiệm vụ này.
Qua nhiều ngày tiếp cận mục tiêu để điều tra trinh sát, lên phương án đánh địch, hai nữ biệt động Võ Thị Lớn và Bùi Thị Anh đã xây dựng được phương án đánh địch và được cấp trên chấp thuận với cách đánh là dùng mìn ĐH10 và kíp hẹn giờ, đặt tại 2 địa điểm và cài giờ, mìn nổ thời gian cách nhau trước sau 2 phút để tiêu diệt nhiều sinh lực địch đến cứu hộ giải nguy hoặc tháo chạy. Sau khi đặt mìn vào vị trí đã định, phải nhanh chóng rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày 01/10/1965, tổ 1 gồm nữ biệt động Út Thu và đồng chí chỉ huy Sáu Vĩnh, tổ 2 gồm nữ biệt động Bùi Thị Anh và đồng chí Huỳnh Văn Minh, hai tổ chiến đấu do đồng chí Huỳnh Văn Minh chỉ huy. Sau khi gặp nhau và thống nhất kế hoạch lần cuối, các chiến sĩ biệt động bí mật đến nhà cơ sở trong nội thành để nhận hai trái mìn ĐH10 đã được cơ sở cải trang cẩn thận trong một giỏ xách tay khá đẹp.
Nhận vũ khí xong, theo kế hoạch đồng chí Sáu Vĩnh và Út Thu chở nhau trên chiếc xe gắn máy như cặp tình nhân dạo phố, mang theo một giỏ mìn tiến về mục tiêu đặt trái mìn ĐH10 tại cửa chính sân vận động Cộng Hòa nằm trên đường Nguyễn Kim, còn tổ thứ 2 có nhiệm vụ bố trí mìn ĐH10 phía sau hông sân bên đường Đào Duy Từ, ước tính sau khi quả mìn thứ nhất nổ trước, bọn cảnh sát sẽ chạy thoát thân về phía hông, quả thứ 2 nổ sau đó 2 phút để tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch…
Trong vai những người công nhân dọn vệ sinh ra vào sân vận động, mặc dù đây là khu vực được bố trí canh gác rất nghiêm ngặt và có bốt canh, nhưng khoảng 11 giờ các chiến sĩ biệt động đã tiếp cận mục tiêu, cài đặt mìn an toàn, không một ai hay biết và rút lui lặng lẽ.
Cho đến khoảng 11h30, các đơn vị cảnh sát huấn luyện trong sân vận động Cộng Hòa ra về, chúng ùa ra rất đông phía cổng trước. Một tiếng nổ như long trời lở đất của quả mìn thứ nhất vang lên, hơn 10 tên cảnh sát chết tại chỗ, hàng chục tên khác bị thương, tiếng la hét rất hoảng loạn, một số chạy về phía trong sân và tính thoát hiểm ra cổng hông trên đường Đào Duy Từ.
Thêm quả mìn thứ 2 phát nổ, tình hình quá hoảng loạn, số cảnh sát còn lại nằm co cụm tại chỗ không dám tháo chạy, chờ cứu viện. Sáng hôm sau, ngày 2/10/1965, các báo Sài Gòn có tiếng như Tiếng Vang, Dân Tiếng… đều đồng loạt đăng tin trên trang nhất: sân vận động Cộng Hòa bị Việt cộng tấn công.
Hung tin này cùng với hàng loạt trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn khiến cho chính quyền Thiệu - Kỳ và quan thầy Mỹ vô cùng khiếp đảm. Trận đánh với 49 tên chết và bị thương khiến nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn ủng hộ cách mạng vui mừng, binh lính sỹ quan ở Sài Gòn – Gia Định hoang mang dao động, lo lắng mất ăn mất ngủ.
Sau trận đánh thắng lợi gây tiếng vang lớn, các nữ chiến sĩ biệt động Võ Thị Lớn, Bùi Ngọc Anh được tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Ba, riêng nữ biệt động Võ Thị Lớn được đề bạt lên chức vụ Trung đội phó.
Trận đánh cuối cùng của Út Thu: Hy sinh trước giờ G
“Tam giác sắt” là khu vực bao gồm phần đất liền nhau của 3 huyện Củ Chi - Bến Cát (Bình Dương) - Trảng Bàng (Tây Ninh), cách sông Sài Gòn từ 30 đến 50km về phía Bắc - Tây Bắc, ở vị trí trung gian giữa hai chiến khu của miền Ðông Nam Bộ là Chiến khu D và Chiến khu Dương Minh Châu.
Riêng trên địa phận huyện Bến Cát, “Tam giác sắt” nằm trên vùng đất của ba xã An Ðiền, An Tây và Phú An, thuộc phía Tây Nam, từng là căn cứ của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh...
Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh và Trung ương Cục miền Nam đã chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động, chỉ đạo cuộc kháng chiến lâu dài, nên từ năm 1960 đến cuối năm 1966, Mỹ - Ngụy đã thực hiện nhiều cuộc hành quân rất qui mô càn quét trực diện vào địa bàn của “Tam giác sắt”.
Từ đó, “Tam giác sắt” trở thành chiến trường của những cuộc đọ sức quyết liệt. Với hệ thống địa đạo nối liền ba xã dài khoảng 70 km, những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” đã làm chìm hàng trăm tàu giặc trên sông Sài Gòn, những trận đánh từ địa đạo tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - Ngụy, phá hủy xe tăng, xe bọc thép của địch bằng vũ khí tự tạo... lính Mỹ - Ngụy vô cùng khiếp sợ mỗi khi đặt chân đến vùng đất lửa này. Các cuộc càn bằng bộ binh đều bị quân dân miền Đông và Củ Chi bẻ gãy, đập tan mọi âm mưu.
Do đó, ngày 18/6/1965, lần đầu trong chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ và quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã sử dụng 27 máy bay B52 xuất kích từ đảo Gu-am, rải bom xuống ấp Bờ Cảng và Trảng Lớn (thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, Bình Dương).
Năm 1966, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định mở đại hội nghị tổng kết những bài học kinh nghiệm đánh Mỹ tại căn cứ Củ Chi và tuyên dương. Đại hội đã tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe tăng, cơ giới… cho hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu Sài Gòn – Gia Định.
Hội nghị, đã động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm và quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân cả nước nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu Sài Gòn – Gia Định nói riêng, trong đó có sự đóng góp của lực lượng vũ trang Thành Đoàn.
Cũng trong năm 1966, quân số lính Mỹ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam tăng gấp 2 lần so với năm 1965, số lượng máy bay, xe tăng thiết giáp tăng gấp 3 lần, cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh tăng 5 lần so với năm 1965.
Chúng đã chuẩn bị gấp rút các điều kiện để mở rộng cuộc phản công mùa khô lần thứ 2, với mục tiêu chính là “tìm diệt” và “bình định cấp tốc”, hướng tập trung chủ yếu là miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn – Gia Định.
Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của cấp trên, Quân khu và Khu ủy Sài Gòn – Gia Định giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang Quân khu tăng cường đánh phá nhằm tiêu diệt sinh lực địch và các căn cứ hậu phương của chúng để phá vỡ kế hoạch phản công mùa khô.
Liên tiếp là những trận đánh của đơn vị biệt động F100 Sài Gòn – Gia Định tại Tổng nha cảnh sát, khách sạn Metropol… giữa nội đô Sài Gòn, ngay căn cứ đầu não của Mỹ - Ngụy khiến bọn giặc vô cùng hoang mang khiếp sợ.
Lực lượng vũ trang Thành Đoàn chủ động tìm mục tiêu tiến công. Qua nhiều ngày đêm trinh sát, Ban Quân sự Thành Đoàn chọn căn cứ hậu cần Đại Phong của Mỹ ở đầu cầu chữ U thuộc khu vực bến Bình Đông, Quận 8 ngày nay để đánh địch.
Đây là căn cứ hậu cần lớn chứa nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ, nên việc tổ chức bố trí canh phòng rất cẩn mật, vòng trong, vòng ngoài, kiểm soát, xét hỏi rất gắt gao.
Sau khi nắm được qui luật canh gác, ra vào, xây dựng phương án chiến đấu trình cấp trên duyệt, BQS Thành Đoàn giao cho tổ chiến đấu gồm các đồng chí: Trang Văn Học, Năm Danh, Chín Trung, Sáu Vĩnh, Võ Thị Lớn, Bùi Thị Anh do đồng chí Trang Văn Học chỉ huy.
Theo kế hoạch, tổ thứ nhất do đồng chí Bùi Thị Anh phụ trách và tổ thứ 2 do đồng chí Võ Thị Lớn phụ trách, trận đánh này bằng 2 trái mìn ĐH10, một trái đặt phía chính diện, 1 trái đặt tại bến Lê Quang Liêm, nơi lính Mỹ thường xuyên tụ tập trước khi đi tuần tra an ninh trong khu vực.
Thống nhất phương án tác chiến và phân công cho từng đồng chí biệt động cảnh giới, trực tiếp chiến đấu, bảo vệ và hỗ trợ nhau, lúc 6h ngày 25/4/1966, nữ biệt động Võ Thị Lớn đến cơ sở nhận trái ĐH10 của nữ cán bộ mật Nguyễn Thị Nam, được ngụy trang trong giỏ xách trái cây đi chợ…
Bến Bình Đông vào buổi sáng tấp nập trên bến dưới thuyền như mọi ngày. Trong dòng người hối hả mưu sinh đó, có một cô gái vóc dáng mảnh mai, nhỏ nhắn như một thiếu nữ thành đô trên đường đi chợ sớm về, chở theo một giỏ trái cây nho nhỏ.
Buổi sáng mai định mệnh ấy, không một người thân nào hay đồng đội nào tình cờ gặp nữ chiến sĩ biệt động gan dạ Út Thu trên đường đạp xe chở giỏ mìn đến mục tiêu căn cứ hậu cần Đại Phong. Rời khỏi nhà cơ sở với giỏ mìn trên xe, Út Thu hòa trong dòng người từ phía cầu Palicao (phía Chợ Lớn) tiến về phía bến Lê Quang Liêm nơi trận đánh sinh tử với kẻ thù theo giờ G đã hẹn. Nhưng rủi ro thay…
Một sự rủi ro “bất khả kháng” nằm ngoài ý muốn đã bất ngờ ập đến với nữ biệt động Út Thu vào buổi sáng nghiệt ngã và định mệnh ấy. Khi Út Thu đang lưu thông từ phía cầu Palicao tiến về phía bến Lê Quang Liêm, chiếc xe đạp của chị bất ngờ bị ngã nhào do sự bất cẩn của một kẻ khác, chiếc giỏ trái cây chứa quả mìn DH10 bị rơi úp xuống mặt đường khá mạnh, làm cho kíp nổ mìn bị va chạm.
Một tiếng nổ rất lớn vang lên, khói và cát đá mịt mù bốn phía. Nữ chiến sĩ biệt động Võ Thị Lớn (Út Thu) đã anh dũng hy sinh ngay trước giờ G. Giờ khắc lịch sử và tang tóc ấy là 6h 30 phút ngày thứ hai 05/04/1966.
Sự hy sinh oanh liệt của chị quá bi tráng trong giờ khắc lịch sử mà chỉ vài trăm thước nữa đã có thể viết nên một huyền thoại. Chị sẽ thành một tượng đài lịch sử như Ngô Mây, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, La Văn Cầu… trong một trận đánh thầm lặng, khốc liệt giữa lòng quân địch, giữa đô thành Sài Gòn…
Hay tin Út Thu bất ngờ hy sinh, đồng đội và nhân dân vô cùng thương tiếc và khâm phục sự hy sinh anh dũng của chị, người dân địa phương đã tổ chức mai táng và lập miếu thờ chị tại chân cầu Trần Văn Kiểu ngày nay. Chị hy sinh khi tròn 22 tuổi với nhiều ước mơ, hoài bão còn dang dở.
Chị Võ Thị Lớn là một chiến sĩ nữ biệt động xuất sắc, tiêu biểu cho tuổi trẻ thành phố anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là một người cán bộ trẻ tài năng của đơn vị lực lượng võ trang Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định.
Với thành tích cống hiến đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại lễ kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012), 126 năm ngày Quốc tế lao động 1/5, tại hội trường thành phố, đồng chí Võ Thị Lớn (Út Thu) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng trong đợt này, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có các liệt sĩ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh như: Liệt sĩ Lê Văn Nghề (Năm Lăng), Đàm Thanh Quang (Sáu Tôn, Bảy Đoàn), Nguyễn Sơn Hà (Ba Đồng, Bảy Thép) và Trang Văn Học (Tư Tâm).
Theo Phunutoday
[links()]