Đạo sĩ trăm tuổi ẩn tu luyện võ diệt rắn hổ mây

Google News

Nhắc đến rắn hổ mây, hay những huyền thoại về vùng Thất Sơn, không thể không nhắc đến đạo sĩ Ba Lưới.

Nhắc đến rắn hổ mây, hay những huyền thoại về vùng Thất Sơn, không thể không nhắc đến đạo sĩ Ba Lưới. Ông không chỉ là đạo sĩ cuối cùng của vùng Thất Sơn huyền thoại, mà ông còn là người từng có những trận thư hùng vang danh cả vùng với cọp và rắn hổ mây khổng lồ.

Thất Sơn, hay còn gọi theo tên nôm là Bảy Núi. Vùng đất giáp biên giới Campuchia thuộc tỉnh An Giang bỗng đột khởi 7 quả núi thiêng. Trong số đó, núi Cấm cao nhất, tới 700m so với mặt nước biển, và cũng được coi là quả núi linh thiêng nhất vùng.

Từ ngày xảy ra vụ lở khối đá ngàn tấn, đè chết mấy người, con đường lên núi bị chặn lại. Du khách muốn lên đỉnh Thất Sơn buộc phải cuốc bộ, hoặc thuê xe ôm đi len lỏi trong rừng. Đoạn nào không có đường thì cuốc bộ.

Lần mò cả buổi ở chân núi, rồi tôi cũng thuê được người dẫn đường. Xe máy chạy đến đầu ấp Thiên Tuế (An Hảo, Tịnh Biên) thì dừng lại, vì không còn đường. Tiếp tục cuốc bộ chừng hơn tiếng đồng hồ, len lỏi trong rừng, đến hết con đường mòn, thì ngôi nhà gỗ hiện ra, chênh vênh vách núi, ẩn hiện trong lùm cây.
Núi Cấm.
Núi Cấm.
Người dân trong vùng gọi vách núi này là Long Hổ Hội. Đạo sĩ Ba Lưới sống cùng gia đình trong thung lũng này, tách biệt hoàn toàn với ấp Thiên Tuế.

Khi chúng tôi đến, đạo sĩ Ba Lưới đang thong thả hái thuốc trong vườn. Quanh ngôi nhà gỗ của ông là những vườn thuốc, do ông gieo trồng, chăm sóc.

Đạo sĩ Ba Lưới mang hình dạng đúng như tưởng tượng của tôi. Mái tóc dài trắng như cước được buộc tó. Đầu quấn khăn. Bộ râu trắng toát dài chấm ngực.

Thật khó tin, khi đã tròn 100 tuổi, mà ông vẫn trồng thuốc, hái thuốc, bốc thuốc cứu người. Trong vùng, hễ ai bị rắn độc cắn, đều tìm đến nhờ vả ông. Độc rắn loại gì ông cũng hóa giải được.

Nhấp mấy chèn trà, mất dăm phút hồi tưởng, ông mới bắt đầu câu chuyện đời mình. Đó là một tuổi thơ đầy khốn khó, rồi những cơ duyên kỳ lạ ở vùng núi rừng rú, thâm u này.

Đạo sĩ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y. Quê ông ở Chợ Mới (An Giang). Gia đình đông con, nên đói kém và thất học. Năm 19 tuổi, nghe người dân đồn trên núi Cấm có nhiều đạo sĩ có công năng kỳ dị, nên ông quyết định rời gia đình tầm sư học đạo.

Sinh ra ở vùng sông nước, ngày ngày kiếm cá đổi cơm, nên đi đâu ông cũng dắt manh lưới bên mình. Có mảnh lưới đánh cá thì không sợ chết đường chết chợ. Vậy nên, hồi vác lưới lên Núi Cấm, mấy đạo sĩ thấy ngộ, nên gọi ông là Ba Lưới. Cũng từ đó, chẳng ai nhớ đến cái tên Nguyễn Văn Y của ông nữa.

Những năm 1930 của thế kỷ trước, vùng Thất Sơn, trong đó núi Thiên Cấm Sơn là nơi có nhiều đạo sĩ ẩn danh tu luyện. Họ có thể là những cao nhân muốn lẩn trốn thế sự, cũng có thể là những chí sĩ cách mạng tạm thời ẩn thân trong rừng chờ thời cơ.

Hàng ngày, các đạo sĩ trồng trọt, hái thuốc, đêm xuống luyện võ nghệ. Ngày đó, vùng Thất Sơn rừng rú hoang rậm, cọp beo đi thành đàn, rắn độc, đặc biệt là rắn khổng lồ bò lổm ngổm trong rừng, do đó, ai muốn sống trong rừng, phải có võ nghệ cao cường. Không có sức khỏe phi thường, võ nghệ tinh thông cùng tài bốc thuốc thì không thể sống được ở vùng rừng thiêng nước độc này.
 Đạo sĩ Ba Lưới và ngôi nhà giữa rừng.
Đạo sĩ Ba Lưới và ngôi nhà giữa rừng.
Là người có sức khỏe, trí thông minh, lại chăm chỉ học hỏi, nên chàng trai Ba Lưới được nhiều đạo sĩ dạy dỗ, đào tạo. Có đạo sĩ dạy ông cách luyện khí công, đạo sĩ dạy thuốc, đạo sĩ dạy võ. Người thầy dạy ông ít nhất, nhưng để lại nhiều hoài niệm nhất trong ông là đạo sĩ Trường Sơn.

Trong lần hái thuốc, đi sâu vào rừng già, ông gặp một túp lều cỏ. Trong lều có một đạo sĩ tóc dài phủ vai, râu buông đến ngực. Biết đây là cao nhân ẩn tích, nên chàng trai Ba Lưới đã bái làm thầy.Vị đạo sĩ này bảo: “Phép tu của ta rất đơn giản, chỉ là một chữ Đạo. Nếu ngươi theo ta, thì chỉ có thể học được chữ Đạo mà thôi”.

Biết vị đạo sĩ này là kỳ tài, nên chàng trai Ba Lưới bái sư, rồi ở lại lều cỏ. Hàng ngày, Ba Lưới theo thầy đi hái thuốc. Hái cây thuốc nào, ông lại chỉ cho Ba Lưới biết công dụng.

Ở với đạo sĩ Trường Sơn chừng hơn một năm, thì Ba Lưới học được cả trăm bài thuốc, chữa đủ các loại bệnh. Trong đó, bài thuốc trị rắn cắn là đặc biệt nhất. Vậy nên, trong đời đạo sĩ Ba Lưới, ông đã cứu hàng ngàn người thoát khỏi án tử vì bị rắn độc cắn.

Mãi đến sau này, đạo sĩ Ba Lưới mới hiểu chữ Đạo cao quý làm sao. Sử dụng các bài thuốc để cứu người cũng là một cách tu đạo.

Một đêm, đạo sĩ Trường Sơn nói với học trò Ba Lưới: “Ta có cả trăm thế võ nên dù có dạy con cả đời cũng không hết được. Tuy nhiên, ta sẽ chỉ truyền cho con một thế võ mà thôi. Ta mong con học đến nơi đến chốn”.

Thế võ mà vị đạo sĩ bí ẩn ấy truyền cho Ba Lưới có tên Bình phong lạc nhạn. Ông chỉ dạy một đêm là xong. Ông dặn Ba Lưới rằng: “Thầy cho con thanh danh tính được. Con có thành tài hay không phụ thuộc vào tính kiên trì và đạo đức của con”. Nói rồi, đạo sĩ nhún chân, nhảy vọt một cái. Chớp mắt, ông đã ở bên kia thung lũng và biến mất trong đêm trăng sáng vằng vặc.

Cho đến tận bây giờ, đạo sĩ Ba Lưới vẫn không nắm được chút gì về người thầy của mình. Đạo sĩ Trường Sơn đến từ đâu, tên thật là gì, tu luyện theo phái nào, ông cũng không biết. Người thầy ấy như thể vị tiên từ trên trời xuống.

Đạo sĩ Ba Lưới bảo: “Hôm thầy biến mất tui buồn lắm, ngồi khóc cả buổi. Thầy đi mà chỉ để lại cho một thế võ thì làm sao thành tài được. Nhưng nghe lời thầy, tui cũng chịu khó rèn luyện. Càng rèn, tui càng thấy thế võ biến hóa kỳ ảo khôn lường. Đến bây giờ, tui vẫn chưa hiểu hết được sự biến ảo của thế võ này”.

Bản chất của thế võ là nhảy lên không trung và tung ra liên hoàn cước. Mức tối thiểu là phải ra được 3 cước cực mạnh trong mỗi cú nhảy lên không trung.

Ngôi chùa nào ở vùng Thất Sơn cũng có tượng rắn khổng lồ ở cổng.
Ngôi chùa nào ở vùng Thất Sơn cũng có tượng rắn khổng lồ ở cổng.
Để rèn đôi chân, hàng ngày Ba Lưới gánh 150 kg đá lên tận đỉnh núi Cấm, rồi lại gánh xuống. Gánh nặng như thế, song ông chạy băng băng. Lúc bỏ gánh đá xuống, kết hợp với kỹ thuật dẫn khí, ông thấy cơ thể vô cùng nhẹ nhõm, như thể bay lên được.

Để rèn thêm võ nghệ, Ba Lưới còn bái nhiều đạo sĩ nữa làm thầy. Ông theo học cả môn phái của đạo sĩ Đoàn Minh Huyên, với các thế võ thần, hay còn gọi là siêu hình, rồi cả môn võ rồng khiến dao đâm vào người chẳng ăn thua gì.

Tuy nhiên, có một điều ông Ba Lưới nhận ra, đó là, càng tìm hiểu những môn võ khác, ông càng thấy được quyền năng thượng thừa của thế võ Bình phong lạc nhạn mà đạo sĩ Trường Sơn truyền dạy cho ông.

Đạo sĩ Ba Lưới chỉ tay sang bên kia vách núi bảo: “Khe núi này rộng chừng 20 mét. Ngày trước, tui tập trung tinh thần, khi thăng hoa, tui nhảy một cái sang bên kia”.

Lợn rừng ở vùng Bảy Núi xưa kia nhiều vô kể. Những con lợn độc chiếc, nặng đến 200 kg là nỗi ám ảnh của người dân. Không ít người lên nương bị những con lợn với cặp răng nanh nhọn hoắt này húc chết. Nhiều người thành tật hiện vẫn còn sống quanh núi Cấm vì lợn rừng húc.

Đạo sĩ Ba Lưới đi rừng nhiều, nên có vô số lần bị lợn rừng độc chiếc khổng lồ tấn công. Tuy nhiên, với thế Bình phong lạc nhạn, ông dễ dàng thoát khỏi sự tấn công của nó. Ông chỉ tránh đòn và để cho nó sống sót.

Cũng với thế Bình phong lạc nhạn, đạo sĩ Ba Lưới đã hạ thủ một con cọp 200 kg, khi nó đã ăn thịt một số người dân trong vùng. Ông nhảy vọt lên không trung, vừa tránh đòn con cọp, vừa ra tung liên hoàn cước trúng chỗ hiểm, khiến con cọp chết thẳng cẳng.

Tuy nhiên, tên tuổi đạo sĩ Ba Lưới chỉ nổi lên như cồn khắp vùng Thất Sơn và đi vào huyền thoại, khi ông sử dụng thế võ đặc biệt của mình để hạ thủ 2 con rắn hổ mây khổng lồ khi nó cố tình tấn công ông.
 
(còn tiếp)
[links()]
Theo ĐVO