Hải quân Việt Nam bảo vệ Trường Sa như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ với ít tàu thuyền nhưng với tinh thần ngoan cường, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã giữ vững chủ quyền tổ quốc ở Trường Sa.

25 năm trận hải chiến Trường Sa

Trường Sa là một quần đảo gồm trên 100 đảo và bãi đá lớn nhỏ, phân bố trong một vùng biển rộng đến 180.000 km2 ngoài khơi Biển Đông thuộc chủ quyền nước ta. Từ thời các đảo này còn là hoang vu, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện việc quản lý, khai thác trên quần đảo này. Việc khai thác, quản lý quần đảo Trường Sa được người Việt thực hiện liên tục cho đến ngày nay là một sự thật lịch sử không thể chối cãi. 

Theo Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam: “Trong những tháng đầu năm 1988, nước ngoài (là Trung Quốc – TG) cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa…  hải quân nước ngoài sau khi chiếm giữ trái phép Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi cũng đang ý đồ chiếm giữ ba đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm gây thanh thế ở khu vực Trường Sa và trên biển Đông”. Cũng theo tài liệu này, đến tháng 3/1988, lực lượng tàu chiến của “nước ngoài” hoạt động tại khu vực Trường Sa thường xuyên duy trì từ 9 đến 12 tàu. Trong khi đó, để bảo vệ các bãi đá, lực lượng ta chỉ có 3 tàu gồm tàu HQ-605 bảo vệ bãi Len Đao, HQ-604 bảo vệ bãi Gạc Ma và HQ-505 bảo vệ bãi Cô Lin. 

Tàu HQ604 trước khi ra đảo Gạc Ma. Ảnh tư liệu của lữ đoàn Hải Quân 125.

Sáng 13/3/1988, sau khi hai tàu của ta đến neo đậu tại bãi Gạc Ma và Cô Lin được chừng 30 phút thì tàu của Trung Quốc xuất hiện và áp sát tàu HQ-604 rồi gọi loa khiêu khích. Cán bộ, chiến sĩ ta động viên nhau giữ vững quyết tâm không để mắc mưu, kiên trì neo giữ quanh đảo. Phía ngoài, các tàu chiến, tàu hộ vệ, tàu vận tải của Trung Quốc thay nhau cơ động chạy quanh đảo Gạc Ma. Để bảo vệ đảo, quân ta thả xuồng đưa vật liệu lên làm nhà trên đảo và cắm cờ tổ quốc ngay trong đêm 13/3. Sáng 14/3, sau khi có thêm 2 tàu pháo đến, quân Trung Quốc tiếp tục khiêu khích và đe dọa dùng vũ lực. 

6 giờ ngày 14/3/1988, đối phương cho thuyền nhôm đổ bộ quân lên đảo Gạc Ma rồi tiến vào giật cờ của ta. Để bảo vệ cờ, quân ta đã chống trả quyết liệt nhưng địch đông nên 2 chiến sĩ đã hy sinh. Không uy hiếp được quân ta rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút ngày 14/3, đối phương dùng hai tàu pháo bắn hỏng nặng tàu 604 của ta. Tiếp theo, quân địch xông về phía tàu ta nhưng bị bộ đội trên tàu đánh trả quyết liệt khiến chúng phải nhảy xuống biển bơi về tàu của chúng. Đối phương tiếp tục nã đạn, làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng chìm dần xuống biển. 

Cũng trong ngày 14/3, tại đảo Cô Lin và Len Đao, tàu HQ-505 và HQ-605 bị tàu địch bắn dữ dội. HQ-505 bị cháy khi mới trườn được 2/3 thân tàu lên đảo Cô Lin còn tàu HQ-605 bị bắn cháy và chìm vào sáng 15/3. Kết thúc trận chiến, theo Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, ta bị tổn thất: 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương, 70 đồng chí bị mất tích. (Sau này, đối phương trao trả ta 9 đồng chí, còn 61 người mất tích).

Công cuộc giữ đảo sau sự kiện Gạc Ma

Để bảo vệ chủ quyền tổ quốc ở đảo Trường Sa, Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực sẵn có. Theo thống kê của quân chủng Hải Quân, trong năm 1988, cùng với việc tăng cường vũ khí trang bị cho các đảo, Chính phủ đã cấp cho Hải quân hơn 5000 tấn thép cùng hàng nghìn tấn vật liệu khác như xi măng, cát, gỗ, vải bạt… để Hải quân đẩy mạnh việc xây dựng nhà trên các đảo chìm. Chính phủ còn giao cho Bộ Giao thông Vận tải thiết kế xây dựng cầu tàu ở đảo Trường Sa, lắp pin mặt trời cho các điểm đảo cùng một số bộ video casset cho bộ đội ở đảo. 

Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo của Trung ương, nhiều tỉnh thành đã ủng hộ vào công việc xây dựng nhà ở Trường Sa. Nhờ tập trung mọi nguồn lực, động viên toàn dân hướng về Trường Sa, đến cuối tháng 8/1988, ta đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các loại nhà cấp 1, 2, 3, nâng tổng số lên 21 đảo và bãi đá ngầm với 32 điểm đóng giữ, hình thành 5 cụm đảo; đồng thời tập trung củng cố cơ sở bảo đảm ở các đảo trung tâm của từng cụm gồm: Song Tử, Nam Yết, Trường Sa, Phan Vinh, Thuyền Chài. Các đảo được tăng cường quân số, hỏa lực, công trình phòng thủ, tạo thành thế chiến đấu liên hoàn từng cụm đảo trong thế trận phòng thủ chung, góp phần bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền vùng biển, thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Tổ quốc.

Việc bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa nói riêng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói chung đã thu hút được sự quan tâm của toàn dân. Nhiều thư từ động viên được gửi đến các chiến sĩ đang đóng nơi đảo xa. Nhiều sáng kiến khoa học kỹ thuật được gửi đến cơ quan chức năng để giúp bộ đội ở Trường Sa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Điển hình nhất là đầu năm 2012, công ty Thạch Anh ở TP.HCM đã nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ sản xuất bê tông từ cát biển và nước biển. Sau 6 tháng nghiên cứu, công ty này đã thành công khi cho ra sản phẩm bê tông đạt tiêu chuẩn mà lại tốn ít xi măng. Ngày 14/3/2012, công ty Thạch Anh đã chuyển giao công nghệ cho Bộ Quốc phòng để ứng dụng vào việc xây dựng các công trình ở Trường Sa. 

Hoạt động mới đây nhất thể hiện ý chí bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa của người Việt là khánh thành lá cờ bằng gốm sứ trên đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ bằng gốm trên mái nhà có kích thước 12,40m x 25m (diện tích 310m²) được ghép từ 310.000 viên gốm nhỏ, cỡ 3 x 3cm do công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thực hiện. Với diện tích lớn tới 310m², lá cờ gắn gốm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mang tính khẳng định chủ quyền mà còn được sử dụng như một bề mặt thu nước mưa khổng lồ góp phần tích trữ nước ngọt trên đảo. 

 Lá cờ Tổ quốc bằng gốm khổng lồ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: www.sggp.org.vn. 

Ngày nay, cả nước đang hướng về Trường Sa. Nhờ các phương tiện thông tin hiện đại, sự hiểu biết về chủ quyền biển đảo trong nhân dân, nhất là giới trẻ được phổ biến rất rộng. Đó là một điểm tựa vững chắc để Nhà nước thực hiện các hoạt động gìn giữ và bảo vệ chủ quyền ở nơi đảo xa.


Vũ Tiến Đức