Nhắc đến “Hải Vân sơn” người ta có thể mường tượng không chỉ “một ngọn” (Cao An Lĩnh) mà là cả “một dải” núi cao (Ngãi Lĩnh), trùng trùng lừng lựng đứng bên bờ biển Đông, trên đoạn đường thiên lý từ kinh đô Huế vào Đà Nẵng ngày xưa.
Ở đó thể hiện rõ nét nhất sự kết hợp tiêu biểu của 3 yếu tố sống động: phong + thủy + sơn của duyên hải miền Trung…
Một loài cá mang “bào thai” như người
Cũng ở đó, khi đến xứ
Đàng Trong vào thế kỷ 17 theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển tông hoàng đế), hòa thượng Thích Đại Sán đã đi thuyền ngang qua và ghi lại một chi tiết mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn thường nhắc:
“Từ Thuận Hóa vào Hội An đường bộ tất do Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân). Sách Dư ký bảo rằng: Khoảng tháng hai, tháng ba, hoa ngãi nở, trôi ra biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng – tức là hoa ngải núi này vậy” (1). Nhưng theo các bô lão, không hẳn bất cứ loài cá nào “ăn hoa ngải” cũng hóa rồng. Vậy loài nào có đủ sức cảm ứng và hóa thân để bay lên khỏi sóng thần?
Để tìm hiểu, chúng tôi thử điểm lại một số loài cá sinh sống ở sông biển nước ta ghi trong Đại Nam nhất thống chí qua bản dịch của Phạm Trọng Điềm – do Đào Duy Anh hiệu đính – như cá gáy (lý ngư) là loại cá quý với 36 chiếc vẩy chạy thành một đường dài dọc theo xương sống, trên mỗi chiếc vẩy lại có điểm một chấm đen nhỏ.
Hoặc cá chình (man lễ ngư) uốn éo như con rắn dài và có bốn mắt thì không được bắt ăn, vì nếu ăn thịt nó sẽ trúng độc chết. Lại có loại cá sấu (ngạc ngư) với “mồm rồng, móng hổ, mắt cua, vẩy kỳ đà, đuôi dài vài ba thước, to như lá cờ, có gai như móc câu, lặn dưới nước, thấy người hoặc súc vật đi qua, thì vung đuôi lên chụp bắt cũng như loài voi dùng vòi (cuốn lấy) vậy”.
Cá ông voi hiền lành hay cứu người, có loại Bạch ngư dài 20 trượng, loại Hải thu phun nước lên trời “gió bay đi như mưa”, đầu đời
Minh Mạng ban tên là Nhân ngư – đến đời Tự Đức ban tên Đức ngư. Cá lờn bơn (điệp ngư) thân mình gồm hai mảnh, khi bơi phải ghép hai mảnh ấy vào nhau mới bơi được, miệng ở gần dưới bụng.
Cá nóc (giang đồn) thường nhởn nhơ làm dáng, ra vẻ ham chơi, lấy mỡ của nó để thắp đèn “khi chiếu vào chỗ cờ bạc thì sáng, chiếu vào chỗ đọc sách thì tối”… Cả mấy chục loài cá được nêu, chưa biết loài nào có linh tánh để “ăn hoa hóa rồng”? Chỉ nghe kể chuyện cá giao ngư gần với câu trả lời như dưới đây.
Giao ngư vốn là một loài cá lớn nhất trong hệ cá hải sa (cá nhám – vì trên da lưng có cát) to lớn dị thường và dài tới vài trượng “mắt đỏ, miệng to, tính nanh ác, hay ăn thịt người”.Khi chúng giao hợp nhau sinh con bằng bào thai (thai sinh) chứ không phải bằng trứng (noãn sinh) như các loài cá khác (chúng cũng có loài hung dữ tên là Hải đầu sa có thể hóa thành hổ).
Một con giao ngư như vậy đã sinh ra một con thủy quái lớn nhanh như thổi. Thủy quái chiếm một hang đá làm sào huyệt dưới chân núi để tìm ăn những bông hoa lạ từ rừng rơi xuống. Loài hoa này cũng thuộc loại “kỳ hoa” theo gió rụng xuống các dòng suối để trôi ra sông biển.
Ăn hoa xong, con thủy quái biến thành một quái vật đầu rồng, miệng lúc nào cũng há rộng với hai chiếc nanh nhọn. Từ đó nó tu luyện thêm, hóa thành người và bay lên đỉnh núi, đằng sau dãy núi cao ngất kia có một “nữ vương Chăm-pa” đang trị vì xứ sở nhỏ bé thanh bình của mình.
Nó bay đến đó với đoàn tùy tùng mang sính lễ theo sau để ép nữ vương làm vợ. Từ cõi trời, thần hộ mạng của nữ vương được Shiva cho phép đã giương cung bắn những mũi tên với đầu lửa Agni sáng rực đốt cháy bùa phép của quân ma khiến chúng hiện nguyên hình những con cá sấu, cá gáy, cá chình, xà ngư, rùa và cả mãng xà, trăn đốm nữa. Ngay thủy quái tóc cũng dựng đứng chạy dọc sống lưng thành một cái bờm dài, với những chiếc vẩy cứng sắp lớp và…biến mất!
|
Tượng thuỷ quái Makara tại Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng.
|
Về hình tượng,
thủy quái “ăn hoa ngải” hóa rồng trong chuyện trên giống với “thủy quái Makara” trong nghệ thuật điêu khắc Chăm mô tả qua một tượng thế kỷ 12 (trưng bày ở Bảo tàng Chăm – Đà Nẵng): Makara “hóa thành rồng” với “mình và chân sư tử, đuôi của rắn Naga” và với “lòng hai bàn chân trước mở ra như tay người, hai chân sau giấu dưới bụng – đầu Makara có bờm tóc cứng (…) miệng có hai răng nanh dài nhọn chìa ra ngoài (…), hai hàm răng nhiều chiếc nhô ra, miệng có lưỡi uốn cong lên phía trên hàm, hai tai thể hiện thành hình chiếc lá mềm mại – Makara là loài thủy quái, nguyên thủy đó là một con cá sấu Ấn Độ to lớn nhưng sau lại là một con cá heo Hy Lạp” (2).
Về nội dung, chuyện nữ vương Chăm-pa trên từa tựa như một truyện cổ khác được kể ở vùng núi cách rất xa Hải Vân sơn về hướng Tây Bắc, giáp Lào, xưa có “một con thuồng luồng sống trăm ngàn mùa lũ, nó biết nhiều phép, đã hóa ra 100 mâm vàng bạc, 100 mâm ngọc trai, ngà voi, da báo đem đến hỏi cưới nữ vương làm vợ” nhưng bị từ chối nên đã tức giận dâng nước ngập kinh thành, rồi kéo “bao nhiêu quân ma tướng quỷ đến tàn phá xóm làng”.
Giữa lúc nguy ngập bỗng một chàng trai xứ Việt mặc áo choàng xanh xuất hiện đánh bại Quỷ vương rồi lặng lẽ biến đi mất:
“Thần dân thành Mahuân tưởng nhớ công ơn dựng đầu núi đất Mường một pho tượng người trai mặc áo choàng rách bươm vì trận chiến ác liệt – nữ vương suốt ngày đêm ngóng chờ, thương cảm vô cùng, nước mắt tuôn thành suối, chảy uốn quanh chân núi, dồn đọng vào văng Ca Phúc (vực Anh Phúc). Đến nay dân tộc Lào Ngam vẫn được các mỏ lăm (tức thầy hát dạo) kể chuyện về sự tích mỏm đá Áo Rách với vực Anh Phúc là tượng trưng tình nghĩa Việt – Lào.Hai di tích huyền thoại này ở mường Sê-pôn đang là điểm du lịch kỳ thú của tỉnh Savanakhet – Trung Lào” (3).
So sánh chuyện “Nữ vương Chăm-pa” nghe được ở vùng Hải Vân với chuyện ở Mường Sê-pôn trên, chúng tôi thử hỏi phải chăng có một “mạch” văn hóa Việt – Chăm – Lào ứng theo thế núi “từ các núi Đại Tu Nông, Tiểu Tu Nông, núi Tía và núi Kiền Kiền ở phía biên giới Ai Lao về phía tây, từng đợt kéo đến ngọn núi trùng điệp, cao vót tầng mây thẳng đến sát biển” (ĐNNTC).
Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Nằm ở phía đông nam huyện Phú Lộc, vùng núi Hải Vân với nửa đèo phía bắc thuộc địa phận Thừa Thiên – nửa đèo phía nam thuộc Quảng Nam: “phía tây (núi Hải Vân) là núi Bà Sơn, phía bắc là núi Hải Sơn; ba ngọn núi ấy liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy giăng đến bờ biển, đường đi chín khúc vòng mới vượt qua đèo, hai bên cây lớn um tùm, người đi như vượn leo chim vượt, thật là hiểm trở” (ĐNNTC).
|
Đèo Hải Vân.
|
Trường hợp ba ngọn núi cận kề và “liên tiếp xen nhau” như vậy, theo các nhà dịch lý và phong thủy học Việt Nam cần được xem xét theo các bối cảnh khác nhau.Nếu ba ngọn nằm dưới vùng đồng bằng có hình tam thai hoặc hình chữ phẩm đều quý vì “như hình tam thai, phẩm tự, vị chi thượng thư”, Cao Trung giải thích:
“Ba trái núi nhọn đầu, ngọn giữa cao, ngọn hai bên thấp, là hình tam thai – còn ba trái núi tròn đầu là hình chữ phẩm – nơi ấy (sẽ có người) làm tới thượng thư”.Nếu núi có hình như chiếc mão, đứng tựa, đất kết nơi ấy sẽ có người làm tới đông cung thị giảng, dạy các hoàng tử trong cung vua “hình như tịch mạo, ỷ lập đông cung thị giảng“.Nếu núi có hình như tòa lâu đài, ngọc bộ, sẽ sản sinh người làm chức ngự sử đảm nhận quyền can gián vua “hình như lâu đài, ngọc bộ, chức cư ngự sử“.
Nếu núi rời rạc, tán loạn, gia đình sẽ chia lìa, cha con phân ly “hình như tán loạn phụ tử phân ly“… Nhưng ở đây là cả một dải núi liên hoàn dồn tụ nên khí lực phong thủy không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến một hai số phận mà chung cho cả cộng đồng (gọi là cộng nghiệp) Từ đặc điểm ấy, trong lịch sử, vùng Thuận Hóa với dải Hải Vân là “đất phên giậu” của nước ta một thời.Hải Vân cũng là danh sơn được viết đến bởi nhiều tác gia Việt Nam như Dương Văn An (1555), Lê Quý Đôn (1776)…
|
Thiên hạ đệ nhất hùng quan.
|
Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu tuần du qua núi Hải Vân có thơ ngự đề với câu mở đầu “Việt Nam hiểm ải thử sơn điên” (Núi này ải hiểm đất Việt Nam) và Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “về phía bắc chân núi kề bãi biển có hang Dơi, có bãi Cháy, tương truyền xưa có sóng thần, thuyền đi qua đây hay bị đắm nên dân gian có câu ca rằng “đi bộ thì sợ Hải Vân – đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi” là chỉ chỗ này”.
Vua Minh Mạng cũng sai xây cửa Hải Vân năm 1826, cửa hướng về phía kinh đô Huế đề 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và cửa hướng về phía Quảng Nam đề 3 chữ “Hải Vân quan” – bằng đá thanh – và cho khắc nổi hình Hải Vân sơn và Hải Vân quan vào Cửu đỉnh (Dụ đỉnh).Vua Minh Mạng cũng sai lập đền thờ thần núi Hải Vân trên đất xã An Cư (Phú Lộc) là một trong các đền thờ sơn thần lớn nhất với điển lệ cúng tế riêng (4).
Đặt núi Hải Vân (cùng Bạch Mã và Đèo Ngang) trong bối cảnh chung của các vùng văn hóa trên toàn quốc để xem xét: “từ bắc tới nam ta thấy nơi đây có nhiều mạch núi ăn ra tận chân sóng biển (…) Ngô Thì Trí trong bài văn Đăng Hải Vân quan phú đã mô tả cảnh sắc hùng vĩ của Hải Vân: Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tầng đá trập trùng khó vịn, cây cối xum xuê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như mưa từ lưng trời đổ xuống”.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Đính trong một tờ trình năm 1962 đã ghép Hải Vân với Bạch Mã vào tên gọi “Lâm viên quốc gia Bạch Mã – Hải Vân”.Ở độ cao 1.000 – 1.444 m, Bạch Mã có một quần thể kiến trúc gồm 139 biệt thự nghỉ mát được xây từ nửa đầu TK 20, mỗi biệt thự có một dáng riêng về tạo hình mỹ thuật, tạo thành một góc phố núi nhỏ nhắn êm đềm bên dải Hải Vân hùng vĩ.Nhưng rất tiếc, khu biệt thự trên bị triệt phá bỏ hoang trong thời chiến và Bạch Mã trở thành “nàng công chúa ngủ trong rừng” nằm mơ màng cô độc ở cuối dãy Trường Sơn bắc…
(1) Hải ngoại ký sự – Viện Ðại học Huế, Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963.
(2) Huỳnh Thị Ðược – Ðiêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Ðộ, NXB Ðà Nẵng 2005.
(3) Nguyễn Việt Phương – Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, NXB Trẻ.
(4) Xem Nguyễn Văn Ðăng – Hải Vân sơn trong sử sách triều Nguyễn, Tập san TT Khoa học và công nghệ, Huế số 2 (28) – 2000.
Giao Hưởng - Ảnh: Gia Tiến, Tư liệu
Theo Một thế giới