Huyền Trân công chúa và cuộc hôn nhân ngoại giao

Google News

Huyền Trân công chúa, nàng công chúa xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông, người đã được gả cho vua Chiêm - Chế Mân.

- Huyền Trân công chúa, nàng công chúa xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông, người đã được gả cho vua Chiêm - Chế Mân. Đây là cuộc hôn nhân mang ý nghĩa lịch sử của hai dân tộc Việt - Chiêm.

Hứa gả con trong chuyến thăm đặc biệt

Vua Trần Nhân Tông có 3 người con là Trần Thuyên (Vua Trần Anh Tông), Trần Quốc Chẩn (Huệ Võ Vương) và công chúa Trần Huyền Trân. Công chúa Huyền Trân sinh khoảng năm 1285, lớn lên nổi tiếng là người đẹp của Kinh thành Thăng Long. Tương truyền rằng lúc Chiêm Vương Chế Mân thời còn là Thái tử đã từng sang thăm cũng như du học tại Thăng Long nghe tiếng và vẫn hằng để ý đến nàng công chúa "cành vàng lá ngọc" của nhà Trần này.

Và lúc bấy giờ, nàng công chúa duyên sắc thanh xuân Huyền Trân cũng đã có mối tình đầu với chàng võ tướng tài ba là Đỗ Khắc Chung, người sau này đã được vua Trần ban cho quốc tính là Trần Khắc Chung. Tuy thế, cuộc tình duyên giữa đôi trai tài gái sắc không thể tránh khỏi tan vỡ. Đó là vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trưởng Anh Tông rồi lên tu ở núi Yên Tử. Đến năm Tân Sửu (1301), nhân có phái bộ Chiêm Thành sang giao hảo, Thượng hoàng Trần Nhân Tông được mời du ngoạn nước Chiêm. Thượng hoàng Trần Nhân Tông thuận theo chân phái đoàn sang Chiêm quốc sống trong cung điện Chiêm Vương Chế Mân (Jaya Sinharcarman III tức Po Đevada Sver) và đi tham quan nhiều nơi trên đất Chiêm Thành tươi đẹp.

Chuyến đi kéo dài 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 năm Tân Sửu - 1301). Đây là một cuộc viếng thăm ngoại giao đặc biệt, người cầm đầu bề ngoài là một đại sư nhưng thực sự vẫn là Thái Thượng hoàng của quốc gia Đại Việt. Chính trong cuộc viếng thăm này, Ngài đã hứa gả con gái yêu là Huyền Trân Công chúa cho vua Chiêm mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Hoàng hậu Tapasi, người Giava. Mục đích của Thái Thượng hoàng là nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đại Việt - Chiêm Thành, một quan hệ láng giềng giữ vai trò trọng yếu trong bố phòng lực lượng tự vệ để đấu tranh chống họa xâm lăng của Nguyên - Mông.

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội đền Huyền Trân, TP Huế.
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội đền Huyền Trân, TP Huế.

Sự ra đời của đất Thuận Hóa

Năm 1305, vua Chiêm sai sứ bộ hơn một trăm người do Chế Đô Đài cầm đầu, đem nhiều báu vật gồm nhiều vàng bạc, hương liệu quý làm lễ vật cầu hôn. Nhưng triều Trần không nhất trí. Duy chỉ có Văn Túc Vương, Trần Đạo Tái trong hàng quý tộc và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung trong hàng ngũ sĩ phu hiểu được ý Thượng hoàng và đã thuyết phục mọi người, cho là việc tốt đẹp nên làm. Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân và Chiêm Thành đem hai châu Ô, châu Lý làm lễ dẫn cưới.

Huyền Trân về làm dâu Chiêm Thành thì dân hai châu Hoan, Ái (Thanh Hoá, Nghệ An) cũng rầm rộ kéo nhau vào tiếp nhận hai châu Ô, châu Lý. Châu Ô đổi thành châu Thuận, châu Lý đổi thành châu Hoá, nhân dân thường gọi chung là Thuận - Hóa. Nhà Trần còn cử một trọng thần là tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài, người đã từng cùng đi Chiêm Thành với Thượng hoàng Trần Nhân Tông về tận nơi phủ dụ, ban hành chính sách bổ dụng người Chiêm làm quan, cấp ruộng đất tha tô thuế trong 3 năm.

Đất Thuận Hoá ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không bằng chiến tranh xâm lấn mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hoà hiếu và của một cuộc hôn nhân Việt - Chiêm mang ý nghĩa lịch sử của hai dân tộc.
(còn nữa)
Trần Hồng Đức
[links()]