Trong quan niệm về đường con cái, người Việt cho “có nếp có tẻ” mới là đẹp. Bởi thế, từ xưa dân ta đã quan tâm và tìm nhiều cách để điều chỉnh kết quả sinh con mà ngày nay ta gọi là thuật sinh con theo ý muốn.
Dựa theo các quẻ Bát Quái
Bát Quái có 8 quẻ chính là Càn, Khôn, Đoài, Tốn, Khảm, Chấn, Ly, Cấn. Các quẻ này lại chia ra thành các quẻ dương và quẻ âm. Các quẻ dương là Càn, Khảm, Cấn, Chấn. Còn lại các quẻ âm là: Khôn, Đoài, Tốn, Ly. Người xưa dựa trên các quẻ âm và quẻ dương vừa nêu để tính một đứa trẻ sắp sinh ra là con trai hay con gái.
|
Các quẻ trong Bát quái. |
Phương pháp tính là lấy tuổi theo âm lịch của cha và mẹ và tháng thụ thai để tính. Nếu khi có bầu mà người mẹ ở tuổi chẵn: 20, 22, 24, 26… thì vẽ 2 vạch ngắn liền nhau (--). Nếu ở tuổi lẻ như 21, 23, 25… thì vẽ 1 vạch dài ( _ ). Đối với người bố cũng thế. Tiếp theo là tháng thụ thai. Nếu tháng thụ thai là tháng lẻ thì 1 vạch dài, tháng chẵn thì 2 vạch ngắn. Lưu ý là tháng thụ thai cũng tính theo âm lịch và tuổi âm lịch thì phải cộng thêm cả tuổi Mụ, ví dụ sinh năm 1986 thì sang năm 2013 là 27 theo dương lịch nhưng là 28 theo âm lịch.
Tính được các vạch ngắn dài rồi thì ta sắp xếp lại. Xếp vạch ứng với tuổi bố ở trên, mẹ ở dưới và chèn vào giữa là vạch ứng với tháng thụ thai của đứa trẻ. Nếu tạo thành các quẻ dương thì sẽ sinh con trai, ngược lại thì sinh con gái. Để dễ nhớ thì ta tóm lược, nếu tuổi của bố, mẹ và tháng thụ thai tạo thành: 2 chẵn 1 lẻ là con trai, 2 lẻ 1 chẵn là con gái, 3 chẵn là con gái, 3 lẻ là con trai.
Đây là phương pháp để người ta đoán một người mang bầu sẽ sinh ra con trai hay con gái trong thời đại chưa có máy siêu âm. Lâu dần, dựa vào cách toán quẻ này, người ta ứng dụng thành phương pháp để sinh con theo ý muốn. Tuổi bố và tuổi mẹ là đã biết trước, vậy chỉ cần chọn tháng thụ thai làm sao để tạo ra quẻ dương.
Phương pháp tính theo tuổi
Lấy tổng tuổi của vợ chồng theo Âm lịch trừ đi 40. Nếu số dư trên 40 tiếp tục trừ đi 40. Đem số dư còn lại đầu tiên trừ 9, tiếp tục trừ 8, lại trừ 9, trừ 8… cho đến khi số dư nhỏ hơn hoặc bằng 9 thì thôi. Nếu hiệu số cuối cùng là số chẵn thì thụ thai trong năm, sinh trong năm là con trai còn thụ thai ngoài năm, sinh trong năm thì sẽ là con gái. Nếu hiệu số cuối cùng là số lẻ thì thụ thai trong năm, sinh trong năm là con gái. Ngược lại thụ thai ngoài năm, sinh trong năm là con trai.
Ví dụ tuổi bố theo âm lịch là 30, mẹ là 25 ta có tổng là 55. Đem trừ đi 40 còn 15. Trừ tiếp cho 9 thì còn 6. Đây là số chẵn. Vậy thụ thai trong năm và sinh trong năm thì sẽ là con trai còn thụ thai từ năm trước và đến năm nay sinh thì sẽ là con gái.
|
Bảng tính giờ và tháng thụ thai. |
Bên cạnh đó, cũng có một phương pháp nữa dựa theo phép cộng trừ tính toán tuổi mẹ với tháng sinh con dựa theo một bài ca quyết chưa rõ xuất xứ:
49 từ xưa đã định rồi.
Cộng vào tháng đẻ để mà chơi.
Trừ đi tuổi mẹ bao nhiêu đấy!
Thêm vào 19 để chia đôi.
Tính tuổi trăng tròn cho thật chuẩn.
Chẵn trai, lẻ gái đúng mười mười.
Theo cách mà bài ca quyết này chỉ dẫn thì ta lấy 49 cộng với tháng sinh lại cộng với 19 rồi trừ đi tuổi người mẹ (theo âm lịch). Được bao nhiêu đem chia đôi, nếu chia hết thì ta gọi là số chẵn, chia không hết thì là số lẻ. Kết quả chẵn sẽ sinh con trai, lẻ sinh con gái. Ví dụ, người mẹ 27 tuổi, sẽ sinh vào tháng 10. Ta lấy 49 + 10 + 19 = 78. 78 – 27 = 51. 51/2 = 25,5. Kết quả này là số lẻ. Vậy người mẹ 27 tuổi mà sinh con vào tháng 10 sẽ là con gái theo cách tính trên.
Ngoài ra, trong lịch vạn sự có bảng tổng kết về “Tháng thụ thai sinh con trai hay con gái”. Người ta truyền tụng rằng bảng tổng kết này là do các thái giám trong cung đình xưa tổng kết mà thành.
Các phương pháp này lưu truyền trong dân gian, sự đúng sai ra sao chưa ai dám khẳng định. Nay tác giả sưu tầm và dẫn lại để bạn đọc trước hết biết thêm cách làm đời xưa. Nếu có ai may mắn áp dụng thành công thì âu cũng là một điều vui mừng, đỡ được nạn nạo phá thai vừa hại người vừa ảnh hưởng đến phúc đức.
Vũ Tiến Đức