Lời nguyền của Pharaon có thực sự linh nghiệm?

Google News

Liệu những lời nguyền của Pharaon có thực sự linh nghiệm như người đời vẫn đồn đại?

- Liệu những lời nguyền của Pharaon có thực sự linh nghiệm, liệu những hầm mộ ấy có ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên đủ sức định đoạt số mệnh của một con người?

Bao đời nay, những câu chuyện về lời nguyền của Pharaon Ai Cập vẫn luôn ẩn chứa nhiều bí mật, khơi gợi trí tò mò của nhân loại. Giới khoa học luôn miệt mài nghiên cứu, phân tích để tìm kiếm câu trả lời xác đáng nhất cho mối băn khoăn chung của hậu thế. Vậy, lời nguyền của các đấng tối cao thời cổ đại Ai Cập có thực sự tồn tại và linh nghiệm như người ta vẫn đồn thổi?.

Những cái chết kỳ quái
 
Nhắc tới lời nguyền trong các lăng mộ của Pharaon Ai Cập, người ta nghĩ đến những câu nói hàm ý sâu xa, cũng là những dự ngôn về tương lai xui xẻo, bất hạnh của bất kỳ ai dám xâm phạm, phá hoại lăng mộ. Lời nguyền không trừ một ai, phàm là những người từng động chạm, trộm cắp, làm hư hỏng lăng mộ và xác ướp đều có thể phải hứng chịu lời nguyền. Mọi xui xẻo sẽ xảy ra, từ chuyện rủi ro trong cuộc sống, tới những bệnh tật, ốm đau, thậm chí là mất mạng.
 
 
Lời nguyền của Pharaon thực sự bùng nổ khi mọi chuyện liên quan tới hầm mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập Tutankhamun được phát hiện, khám phá. Vị vua này lên ngôi vào năm 1332 trước CN khi mới lên 9 tuổi và băng hà vào năm 18 tuổi.
 
Cho đến nay, những lời nguyền trong lăng mộ của vị “ấu chúa” Tutankhamun vẫn luôn được hậu thế đem ra ngẫm nghĩ, phân tích, giải mã: “Kẻ nào dám quấy rối giấc ngủ của Pharaon, thần chết sẽ sà xuống đầu kẻ ấy” và: “Bất cứ kẻ nào vào mộ với tâm hồn đen tối, ta sẽ bóp cổ hắn như bóp một con chim”.
 
 
Nhân loại có lẽ sẽ không quên đóng góp lớn lao của Howard Carter cho ngành khảo cổ học của thế giới. Vào ngày 17/2/1929, chính ông là người đã khám phá ra hầm mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập cổ đại Tutankhamun trong trạng thái gần như còn nguyên vẹn, gồm cả xác ướp của nhà vua lẫn kho báu đầy những ngọc ngà. Hầm mộ của Tutankhamun được phát hiện tạo ra một cú hích khổng lồ cho ngành khảo cổ học thế giới. Đây được xem là sự kiện gây “động đất” cực mạnh trong giai đoạn bấy giờ. Nhưng, kể từ ngày hầm mộ của vị vua trẻ được mở ra, những điều thần bí cũng theo đó mà xuất hiện và lời nguyền về sự chết chóc cũng bắt đầu được xem là linh nghiệm từ đây.
 
 
Trước tiên phải kể đến cái chết thảm của con chim hoàng yến – vật nuôi yêu thích của nhà khảo cổ Howard Carter. Con vật đáng thương này đã bị một con rắn hổ mang nuốt sạch. Trong khi đó, rắn hổ mang được cho là biểu tượng của kẻ canh giữ hầm mộ Pharaon.
 
Nhưng cái chết của con chim có vẻ không mấy sửng sốt bằng sự ra đi của Lord Carnarvon – nhà tài trợ cho công cuộc khám phá, khai quật hầm mộ Pharaon Tutankhamun. Không lâu sau thông tin gây rung động nhân loại - mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập được tìm thấy - thế giới lại sửng sốt thêm lần nữa khi biết tin “mạnh thường quân” Carnarvon đã qua đời. Nhà quý tộc này chết vì bị muỗi cắn. Kỳ lạ và quái đản thay, sau khi ông mất, người ta đã tiến hành kiểm tra xác ướp của Tutankhamun và bàng hoàng phát hiện, vết muỗi cắn trên mặt Carnavon có vị trí tương tự với vị trí vết thương trên mặt Pharaon Tutankhamun.
 
Chưa hết, vào chính cái ngày Carnarvon mất, cả thành phố Cairo, Ai Cập bỗng dưng tắt điện. Trong lúc ấy, ở xứ sở sương mù London, con chó của Lord Carnarvon không ngừng tru lên nhiều tiếng rồi tắt thở. Hàng loạt sự kiện lạ lùng liên tiếp xảy ra, khiến một số người mê tín cho rằng: “Đó là lời nguyền của Pharaon”.

Sau đấy, người trợ lý của Carnarvon cũng chết đầy bí ẩn. Bố anh ta thì nhảy lầu tự vẫn. Ngay cả George Gould – một người bạn tốt của Carnarvon, người đã từng vào trong hầm mộ của Pharaon trẻ tuổi cũng đột nhiên sốt cao rồi qua đời. Và Reid – nhà khoa học Anh, người đã tiến hành kiểm tra để tìm ra nguyên nhân cái chết của vị vua trẻ cũng bất ngờ ra đi khi vừa quay về London và bắt đầu công việc phân tích, thu thập dữ liệu…

Và còn nhiều những cái chết khác liên quan tới lời nguyền bí ẩn của Pharaon Ai Cập. Trải suốt bao năm, nhân loại vẫn cố kiếm tìm đáp án chính xác và giàu tính thuyết phục nhất cho câu chuyện này. Không ít những tranh cãi, những cuộc thảo luận đã diễn ra, chỉ để nhằm giải mã câu đố hãy còn vẹn nguyên sắc màu kỳ bí trải suốt ngàn đời: “Có hay không sự trừng phạt của Pharaon đối với những kẻ động chạm tới xác ướp, tới hầm mộ”?

Giải mã bí ẩn…

Theo một số tài liệu, có tới 22 nhà khảo cổ tham gia vào công cuộc nghiên cứu, khai quật, phát hiện ra các kim tự tháp Ai Cập đã mất mạng.

Vài năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra một số manh mối để giải mã lời nguyền. Một số nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trước chuyến hành trình đến Ai Cập, Carnarvon trên thực tế đã mắc một loại bệnh mãn tính. Căn bệnh này ngày càng phá hủy hệ miễn dịch trong cơ thể nhà quý tộc.

 
Còn theo National Geographic, Jennifer Wegner – một nhà Ai Cập học thuộc Bảo tàng ĐH Pennsylvania ở Philadelphia thì cho rằng, ngoài xác chết, trong hầm mộ của Pharaon Ai Cập còn có cả các loại thực phẩm, gồm thịt, rau và hoa quả. Những thứ ấy chắc hẳn đã thu hút đám côn trùng, vi khuẩn, mốc và những gì tương tự. Chúng hiện diện trong hầm mộ bị đóng kín suốt hàng ngàn năm và trở thành thứ mầm bệnh độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy, một số xác ướp cổ đại có hiện tượng bị mốc. Aspergillus niger và Aspergillus flavus là những loại nấm mốc nguy hiểm được phát hiện. Chúng là “kẻ thù số một” với những người có hệ miễn dịch kém. Thậm chí, Aspergillus niger và Aspergillus flavus còn có thể gây phản ứng dị ứng nhiều cấp độ, từ sung huyết đến chảy máu phổi.

Khí ammoniac, formaldehyde và H2S còn được các nhà khoa học phát hiện ra trong quách kín. Đó là những chất độc có thể làm bỏng mắt mũi, khiến con người xuất hiện các triệu chứng như viêm phổi, thậm chí gây chết người nếu chúng ở nồng độ cao.

Ngoài ra, phân của những con dơi trong các hầm mộ đã khai quật cũng chứa những loại nấm độc hại. Chúng có thể là nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp như cúm, hoặc gây chết người trong trường hợp nghiêm trọng.

Cũng có quan điểm cho rằng, trên tường vách của lối xuống hầm mộ tồn tại một lớp những thứ có sắc hồng phấn và màu xanh lục. Rất có thể đó là một lớp ánh sáng gây chết người. Nó sẽ phóng ra những vật chất khiến con người phải bỏ mạng.

 
Lại có ý kiến lý giải, nền văn minh Ai Cập cổ đại đã phát triển tới mức có thể lợi dụng những côn trùng và chất độc cực mạnh bố trí trong lăng mộ của Pharaon, coi chúng như thứ vũ khí phòng vệ rất hiệu quả. Loại vũ khí này có nhiệm vụ đối phó với những kẻ phá hoại hầm mộ, đánh thức giấc ngủ ngàn thu của người xưa.

Một số nhà khoa học khác thì nhận định, lời nguyền của Pharaong xuất phát từ chính kết cấu của lăng mộ. Thiết kế lối dẫn xuống hầm mộ và mộ huyệt có thể sản sinh và tập trung những từ trường hoặc sóng năng lượng đặc thù gây chết người. Nhưng để thiết kế được cấu trúc như vậy, rõ ràng đòi hỏi một trình độ khoa học kỹ thuật cao của xã hội hiện đại. Vậy, những người Ai Cập cổ đại sống cách chúng ta hơn ba ngàn năm sao có thể nắm bắt về loại năng lượng này?
 
Cũng có quan điểm cho rằng, những đồn đại về lời nguyền của Pharaon trên thực tế là tuyệt chiêu kích thích ngành du lịch Ai Cập phát triển. Bởi, điều nào càng huyền bí, càng thu hút được trí tò mò và ham muốn tìm hiểu của nhân loại.
 
Điều đáng lưu ý là Howard Carter – người đầu tiên khám phá ra lăng mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập lại không chịu chung số phận như những người khác. Sau khi hoàn thành công việc khai quật mộ vua Tutankhamun, ông vẫn sống bình an và mất vì bệnh ung thư ở tuổi 65. Ngay bản thân ông cũng không tin vào lời nguyền của Pharaon. Carter nhấn mạnh, cơ bản, truyền thống tôn giáo của người Ai Cập không cho phép sự tồn tại của lời nguyền như vậy, trái lại, họ hy vọng chúng ta sẽ dành cho người đã khuất những lời cầu chúc tốt đẹp…

Minh Hạnh (theo Ifeng, 163, Sohu, China.com, Wiki, National Geographic)