- Sau khi lên ngôi lập nên vương triều của những người nông dân khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế trong triều đình. Từ thành Hoàng đế, các đạo quân Tây Sơn chủ động vào Nam, ra Bắc thực hiện sứ mệnh của vương triều mới trong lịch sử.
Trung ương hoàng đế
[links(left)]Năm 1784, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ vào Nam dẹp tàn quân chúa Nguyễn. Đánh tan 3 vạn quân Xiêm La thâm nhập lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền dân tộc vùng đất phía Nam.
Năm 1786, nhận lệnh từ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dẫn hai đạo thủy bộ tiến đánh Phú Xuân, sau khi giành được thắng lợi, chớp thời cơ, thừa thắng xốc tới, Nguyễn Huệ để Nguyễn Lữ giữ Phú Xuân còn ông đem đại quân tiến ra Bắc, lật đổ chúa Trịnh, giành đất Bắc Hà. Nguyễn Nhạc trên cương vị Hoàng đế cũng tức tốc ra Thăng Long hội kiến cùng vua Lê.
Sau khi ổn định tình hình, quân Tây Sơn trở về Nam. Năm 1786, Hoàng đế Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương "lấy từ cửa Hải Vân ra ngoài cho thuộc về Huệ, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương "cho Gia Định thuộc về Lữ" còn tự mình cai quản vùng đất từ Nam Hải Vân đến Bình Thuận "tự xưng là Trung ương Hoàng đế".
Như vậy, sứ mạng lịch sử của Nguyễn Nhạc đề ra mục đích cho cuộc khởi nghĩa đã hoàn thành. Hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước thành Đàng Trong - Đàng Ngoài bị xóa sổ, bảo vệ độc lập chủ quyền phương Nam. Lãnh thổ dân tộc bước đầu hình thành sự thống nhất dưới sự quản lý của triều đình Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Nhạc.
|
Ảnh minh họa. |
Vua anh - vua em
Theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử cho biết, Nguyễn Nhạc là anh đầu trong 3 anh em nhà Tây Sơn, kế tiếp là Nguyễn Huệ. Nếu năm 1792, Nguyễn Huệ mất khi tròn 40 tuổi thì có thể thấy, ông sinh năm 1752 và khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra năm 1771, Nguyễn Huệ mới 19 tuổi và Nguyễn Lữ chắc chắn ít hơn.
Được rèn luyện trong chiến tranh, Nguyễn Huệ đã dần chứng tỏ tài năng quân sự đặc biệt của mình. Năm 1775, sau khi đánh Phú Yên thắng lợi, ông được phong Tây Sơn Hiệu tiền phong tướng quân khi vừa 23 tuổi. Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong Phụ chính. Năm 1778, ông được phong là Long Nhương tướng quân khi ông 26 tuổi.
Suốt 7 năm cầm quân dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Nhạc và đã lập nên nhiều chiến tích, nhưng phải đến khi được phong là Long Nhương tướng quân với độ tuổi đỉnh cao thời thanh niên, tài năng của ông mới có điều kiện tỏa sáng. Năm 1786, ông cầm quân đánh tan 3 vạn quân Xiêm nổi danh với trận quyết chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, cùng năm đó ông dẫn đại quân tiến ra Bắc lật đổ chính quyền chúa Trịnh và được phong làm Bắc Bình Vương.
Ngoài việc xử lý nội bộ khôn khéo để giữ yên chính quyền và an ninh lãnh thổ, năm 1788, khi quân Thanh xâm lược nước ta, vi phạm chủ quyền độc lập dân tộc, nhận thấy Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc tạm bằng lòng với thành quả giành được, ngày càng đi đến chỗ "tuổi già ham dật lạc" Nguyễn Huệ đã chủ động lên ngôi Hoàng đế ngày 25/11 lấy niên hiệu là Quang Trung dẫn đại quân ra Bắc đại phá quân Thanh.
Chiến công vang dội đại phá quân Thanh đã đưa vị trí Nguyễn Huệ lên trở thành người anh hùng dân tộc kiệt xuất trong lịch sử chống ngoại xâm.
Như vậy, kể từ năm 1786, sau khi trở thành một bộ phận chủ động của vương triều Tây Sơn, bằng tài năng kiệt xuất, Nguyễn Huệ đã giải quyết được hai vấn đề cơ bản. Một là thống nhất lãnh thổ. Về danh nghĩa có hai vua "vua anh và vua em" nhưng thực chất là đất nước nằm chung trong sự quản lý của nhà Tây Sơn "Trẫm và Hoàng đại huynh là hai anh em ruột cùng chung một dòng máu".
Hai là về độc lập chủ quyền dân tộc được giữ vững, nâng cao vị trí dân tộc trong khu vực, khẳng định sự bất khuất, kiên cường của một dân tộc với tinh thần "nước Nam chi hữu chủ".
(còn nữa)
Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học)