- Nhà Tây Sơn kéo dài được có 30 năm nhưng là một triều đại rạng danh, tỏa sáng trong lịch sử dân tộc. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc chính là người khởi xướng phong trào khởi nghĩa và đặt nền móng cho vương triều.
Nguyễn Nhạc - Người khởi xướng phong trào khởi nghĩa
[links(left)]Theo các nguồn tài liệu và truyền thuyết địa phương, Nguyễn Nhạc là anh cả trong 3 anh em nhà Tây Sơn. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, ông đã âm thầm tiến hành xây dựng lực lượng và xây dựng biểu tượng cho cuộc khởi nghĩa. Là người tài giỏi, buổi đầu "lấy việc buôn bán trầu làm nghề nghiệp, thường buôn bán ở miền người Thượng". Thời kỳ này ông đã bí mật xây dựng các vùng hậu cứ của mình trên vùng đất Tây Nguyên, mà dấu tích còn để lại trên vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo.
Để có tài chính xây dựng căn cứ, ông tình nguyện làm biện lại thu thuế ở tuần Vân Đồn "tiêu pha mà thiếu tiền thuế, bị viên Đốc trưng Đằng tìm bắt rất gấp, bèn vào núi làm giặc cướp". Như vậy, trước khi vào núi khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc đã xây dựng được căn cứ địa vững chắc, chỉ đợi thời cơ chín muồi là hành động. Nguyễn Nhạc chủ động liên kết các thành phần nhân dân và dân tộc chuẩn bị cho khởi nghĩa. Năm mất mùa thiếu đói, lòng dân oán hận đối với chính quyền, ông đánh cướp của người giàu, chia cho người nghèo. Đối với hào phú địa phương, ông liên kết tạo lực lượng: "Ông Huyền Khê nhà vốn giàu có bỏ tiền của ra giúp đỡ thuận theo việc khởi nghĩa. Ông Nguyễn Thung tay thổ hào khuyến khích dẫn dắt cho Nhạc".
Để xây dựng nên hình ảnh bản thân, ông bắt được một thanh gươm cổ "tự bảo là gươm thần", dùng thanh gươm bước đầu xây dựng quyền lực tượng trưng cho mình. Để có thêm kiến thức ông đi học tại trường của giáo Hiến, một môn khách của Ngoại hữu Trương Văn Hạnh. Giáo Hiến là người chọn và khuyến khích Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa "Giáo Hiến nói riêng với Nhạc: Lời sấm nói khởi nghĩa ở tây (Tây Sơn) thu chiến công ở bắc. Anh là người Tây Sơn hãy gắng lên". Lược qua những tư liệu trên cho thấy, Nguyễn Nhạc chính là thủ lĩnh và là người khởi xướng nên phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn.
|
Tượng “Tây Sơn tam kiệt” tại bảo tàng Quang Trung. |
Người khai mở vương triều mới
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dựng cờ năm 1771, sau hai năm chuẩn bị trên vùng thượng đạo, năm 1773, Nguyễn Nhạc tiến quân xuống đồng bằng chiếm phần lớn vùng đất Bình Định ngày nay. Ông "xưng là Đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện là Phù Ly và Bồng Sơn. Và Nguyễn Thung là Đệ nhị Trại chủ, Huyền Khê làm Đệ tam Trại chủ.
Riêng phủ thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc dùng mưu tự mình ngồi vào cũi cho người báo bắt được Nhạc giải nộp vào trong thành, đêm phá cũi mà ra, phối hợp quân trong ngoài chiếm giữ thành Quy Nhơn. Trong cuộc chiến này, Nguyễn Nhạc đã tự mình làm tiên phong, chiếm cứ được một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Năm 1774 quân Trịnh vượt sông Gianh chiếm Phú Xuân, quân Nguyễn chạy về Nam, quân Tây Sơn bị kẹp giữa hai thế lực thù địch, Nguyễn Nhạc đã khôn khéo tạm hòa mặt bắc để dồn sức tấn công phương nam, ông nhận chức Tây Sơn hiệu trưởng tráng tiết tướng quân chỉ huy toàn bộ nghĩa quân.
Năm 1775 Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Yên, Nguyễn Huệ được phong chức Tây Sơn Hiệu tiền tướng quân. Năm 1776 Nguyễn Nhạc cho sai sửa thành Đồ Bàn làm trụ sở Bộ chỉ huy nghĩa quân. Ông tự xưng là Tây Sơn vương, đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Huệ làm Phụ chính; Nguyễn Lữ làm Thiếu Phó điều hành quân Tây Sơn. Từ đại bản doanh ông trực tiếp điều hành các đạo quân vào nam ra bắc, điều Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định đập tan cuộc nổi dậy của tàn quân chúa Nguyễn. Năm 1777 Nguyễn Nhạc nhún mình nhận chức "Quảng Nam trấn thủ tuyên úy Đại sứ" và tước "Cung Quốc Công". Năm 1778 Nguyễn Nhạc xây xong quốc thành" tự lập làm Hoàng Đế, gọi năm đầu niên hiệu là Thái Đức, gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế" chính thức khai mở một vương triều mới trong lịch sử Việt Nam.
(còn nữa)
Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học)