Khi quân Liên Xô tiến vào Ba Lan vào ngày 17/9/1939, cũng là bắt đầu một hành trình phi thường qua 3 lục địa để tìm miền đất sống của nữ sinh nhỏ bé Ba Lan ngày ấy: Danuta Maczka.
Cơ khổ trên hành trình đến Siberia lạnh giá
Đối với người Ba Lan, nó là bắt đầu một cuộc chiến đã khiến cho hàng triệu người chết và nhiều triệu người khác di tản khắp thế giới sống kiếp tị nạn ở nước ngoài. Ngày nay ở tuổi 80, bà Danuta Maczka đang sống lại những ngày tháng tận cùng gian nan khổ ải của cuộc đời mình.
Cuộc đời bà đã xuất phát từ một nông trang ở Ba Lan, sống trong trại lao động ở Siberia, đến Iran, Palestine và Ai Cập và hiện tại đang sống những ngày tháng cuối đời trong căn nhà mới ở London.
Danuta Maczka chào đời là một thôn nữ ở Rovne, miền Đông Ba Lan (ngày nay là Rivne, Ukraine). Cô bé sống cùng với cha mẹ, anh trai Stefan và em gái Zosia trong một nông trang xinh xắn được bao quanh bởi hàng cây Anh Đào.
Tháng 9/1939, Danuta mong ngóng được đến ngày đi học trường trung học phổ thông, cha đã mua cho Danuta một chiếc áo cộc tay. Nhưng cuộc sống nhanh chóng bị đảo lộn. Lính Đức xâm nhập miền Tây Ba Lan – còn quân Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan.
Mùa đông 1939, các điệp viên thuộc lực lượng Cảnh sát mật Liên Xô (NKVD) đã bao vây các quan chức quân đội Ba Lan và sau đó, họ đã bị giết hại một cách mờ ám trong cánh rừng Katyn. Những gia đình bình thường như Danuta muốn được sống yên ổn.
6 giờ ngày 10/2/1940, khi trời còn mờ mờ tối, tuyết rơi dầy đặc, Danuta nhớ mang máng giọng nói ngay cửa vào nhà của những người lính Nga, ra lệnh cho cha mẹ của Danuta ra khỏi nhà. Họ đã lấy đi bất cứ thứ gì có thể: thực phẩm, quần áo ấm, chăn ấm và dồn vào một chiếc xe trượt.
Danuta nhớ lại: “Tôi ngoái lại ngôi nhà thân yêu và chú chó nhỏ đang chạy sau lưng chúng tôi cho đến khi nó kiệt sức không thể chạy nổi nữa”. Hàng trăm gia đình Ba Lan đứng tề tựu chật ních nhà ga đường sắt Lubomyrka.
Một số người hiểu rằng họ sẽ bị trục xuất đến các trại lao động khổ sai ở Siberia và Kazakhstan. Không ai biết có bao nhiêu người Ba Lan bị trục xuất trong những tuần này nhưng ước tính cũng cỡ 1 triệu người.
Danuta nhớ lại: “Chúng tôi bị đưa lên một chuyến tàu chở hàng. Mỗi toa tàu nhét đến 72 người. Có một cái lỗ được khoét trên sàn tàu… dùng để làm chỗ đi vệ sinh, và một cái bếp bé xíu để nấu ăn”.
|
Danuta Maczka (phải) cùng với gia đình mình. |
Đồng bào Ba Lan đã hát các bài Thánh ca khi tàu hoả ra khỏi biên giới đất nước. Trên đường đi, Danuta luôn cập nhật mọi sự việc trên cuốn nhật ký của mình. Trên hành trình, nhiều đứa bé đã chết vì mệt mỏi và đói khát.
Trong nhật ký của mình, Danuta viết: “Bọn lính gác đến từng toa tàu, giật lấy những xác hài nhi từ tay cha mẹ chúng và quẳng qua cửa sổ tàu ra ngoài. Khi người lớn chết, lính gác đợi khi tàu đến ga đã đem xác họ ra chôn sơ sài gần đó”.
Mãi rồi đoàn người cũng đặt chân đến một trại đốn củi ở Siberia, nó là một phần trong hệ thống “địa ngục nhà tù Gulag” – một phức hợp các túp lều gỗ nằm sâu trong rừng. Khu trại không có tường rào nhưng cũng chẳng có nơi nào để chạy trốn.
Trong nhật ký, Danuta viết: “Không có tiếng chim hót trong rừng. Không muông thú, chẳng có chó sói và gấu. Nơi đây, thậm chí không có cả chuột. Không có gì cả. Có lẽ tù nhân đã ăn chim chóc vì đói kém, tôi không dám chắc, nhưng tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng chim hót cả”.
Công việc hàng ngày của cô bé Danuta khi đó là tước sợi từ thân vỏ cây bạch dương và cưa chúng. Người em gái Zosia của Danuta hàng ngày đi dọc theo tuyến đường ray để nhặt nhạnh các mẫu gỗ nhỏ. Họ có thể đổi gỗ để lấy thức ăn.
Mẹ Danuta đã kiếm đâu đó mấy củ khoai tây và tăng gia để lấy nguồn thức ăn cho gia đình. Danuta rùng mình nhớ lại: “Nhiều gia đình đã chết. Có một gia đình gần với chúng tôi, 7 đứa trẻ và cha mẹ, tất cả đã chết chỉ còn chừa lại một cô con gái. Người mẹ đã không có sữa để cho các con bú. Không có bò cho sữa. Vì thế lũ trẻ và cả người lớn lăn ra chết”.
Mùa đông năm 1940, Zosia bị bệnh viêm phổi. Có một bệnh viện được trang bị giường nhưng không có thuốc. Vào đêm Giáng Sinh, Danuta và cha đến thăm Zosia. Danuta nhớ lại: “Chúng tôi đến giường Zosia nhưng con bé đã chết, cha tôi đau khổ đem con về nhà.
Ngày Giáng Sinh, cha tôi thẫn thờ đục đẽo gỗ làm chiếc quan tài, dùng một chiếc xe trượt nhỏ để đem quan tài đi chôn. Vào Ngày tặng quà, chúng tôi mang xác Zosia đi chôn. Cha tôi kéo chiếc xe trượt, mẹ và tôi đi lẽo đẽo đằng sau vừa khóc, vừa cầu nguyện rì rầm. Thế là xong một kiếp người bạc mệnh”.
Tuổi 18 gia nhập đội quân kỳ lạ nhất thế giới
Tháng 6/1941, Adolf Hitler xâm lược Liên Xô. Người Ba Lan bị giam cầm đã trở thành đồng minh của Liên Xô. Họ có 2 cơ hội, một là tham gia Hồng Quân Liên Xô, hai là tự thành lập quân đội Ba Lan lưu vong, tập hợp quân ở Uzbekistan, về phía Nam của Liên Xô. 10.000 người Ba Lan xuôi về phương Nam.
Một số chuyến tàu chở hàng xuôi ngược, hàng hoá, vật dụng được nhồi nhét vào những toa tàu bẩn thỉu ngày này sang ngày kia. Hàng ngàn người chết vì chứng sốt phát ban – người làng Uzbekistan nhớ lại đã mở cửa các toa tàu, xác người ngã rạp như que củi.
Những người Ba Lan còn đã tự cứu lấy tính mạng mình bằng cách ăn khoai tây sống bới móc trên các cánh đồng. Rồi đoàn người Ba Lan cũng đến Guzar (Uzbekistan) dưới quyền chỉ huy của Tướng Wladislaw Anders.
Danuta khai tăng 2 tuổi cho đủ 18 và gia nhập vào đội quân này. Cô tự tay thêu hình một con đại bàng Ba Lan trắng trên quân phục của mình, và nhồi rơm vào đôi ủng để giữ ấm cũng như ra vẻ cho cơ thể cứng cáp hơn.
Đội quân của Wladislaw Anders chẳng giống đội quân nào ở thời hiện đại. Không phải bởi nó có gốc gác từ những người Ba Lan sống lưu vong, mà binh lính còn đi kèm với cả những người phụ thuộc vào họ, đó là chồng, vợ và hàng ngàn đứa trẻ, nhiều đứa là trẻ mồ côi.
Anders đã lãnh đạo đoàn quân Ba Lan ô hợp khổng lồ này đi xuyên qua vùng Trung Á đến biển Caspia, nơi đây, đoàn người lên các sà lan chở dầu, lênh đênh đến Iran. Các lực lượng đồng minh Anh đã gặp họ trên bờ biển hải cảng Pahlavi.
Danuta nhớ lại: “Chúng tôi thật sự là những người may mắn. Người Anh giúp chúng tôi đi qua thiết bị phun khử trùng, và trong khi chúng tôi ở đó, họ đã đốt sạch tất cả mọi thứ, chiếc áo đồng phục học sinh kỷ niệm của tôi cũng bị thiêu ra tro.
Nhưng may là cuốn nhật ký và cuốn sách vẻ của tôi vẫn còn nguyên vẹn tại lều khử trùng, tôi lấy chúng ra và giữ khư khư bên mình”. Trẻ mồ côi Ba Lan ở trong các nhà trẻ ở Iran, nhưng đội quân của Anders đã chuyển đến Bắc Phi.
|
Danuta Maczka gặp chồng Jerzy Gradosielski khi hai người đang trong quân ngũ của Tướng Anders. |
Gặp và kết hôn với người lính Ba Lan
Trong lứa tuổi thanh nữ, Danuta nằm trong số 800 phụ nữ và thiếu nữ Ba Lan không chỉ làm y tá hoặc thư ký mà còn làm tài xế lái xe tải giao đạn dược, xăng và thực phẩm xuyên suốt Palestine để tiếp tế cho các lực lượng Ba Lan và Anh.
Danuta viết trong hồi ký: “Tôi lái chiếc xe Dodge nặng 3 tấn. Vì thân mình nhỏ bé nên tôi cuộn tấm chăn và ngồi lên đó để quan sát bánh xe. Cánh đàn ông tỏ ra sửng sốt khi nhìn thấy những tài xế xe tải nữ giới”. Danuta nghe những từ tiếng Anh đầu tiên từ phía những người lính Anh.
Danuta nhớ lại: “Họ gọi tôi là Baby! Lúc đầu tôi không hiểu từ đó nghĩa là gì?”. Nhiều người Ba Lan Do Thái quyết định ở lại Palestine. Nhưng những người khác như Danuta đã đi cùng cuộc chiến tranh đến Italia vào năm 1943, hỗ trợ cho quân đội Ba Lan trong trận chiến Monte Casino.
Duyên trời định cho Danuta khi ở Italia, cô đã gặp gỡ một viên chức Ba Lan trẻ tuổi, tình yêu lớn dần và họ đã lấy nhau, và ở đây, Danuta quyết định chấm dứt cuộc chiến. Danuta cùng hàng ngàn người Ba Lan khác cuối cùng đã đến Anh, nơi đây, cô đoàn tụ với anh trai Stefan và cha mẹ.
Một số người khác đã về quê hương Ba Lan. Nhưng miền Đông Ba Lan thì nay đã trở thành Ukraine, và họ phát hiện mình trên các chuyến tàu một lần nữa lại đến Siberia. Vài người sống sót trong đợt bị trục xuất lần thứ 2 này.
Tướng Anders sống ở London cho đến cuối đời. Vợ chồng Danuta có với nhau 6 đứa con và họ định cư gần cánh rừng Epping (giữa London và Essex, Anh). Ngôi nhà của gia đình Danuta nằm ở Đông London, xung quanh đều trồng cây cối, mảnh vườn của gia đình đầy ắp cây Anh Đào. Chúng làm cho bà nhớ đến nông trang ở Rovne (Ba Lan), nơi gia đình bà đã bị trục xuất cách đây 70 năm.
Theo Phunutoday