Những bảo vật của vua Hàm Nghi ở thành Sơn Phòng

Google News

Hơn 124 năm đã trôi qua, nhân dân ở Sơn Phòng đã tự nguyện thay nhau thờ tự và bảo vệ những hiện vật mà vị vua yêu nước để lại.

- Thành Sơn Phòng cũng là nơi thực dân Pháp bắt vua Hàm Nghi. Hơn 124 năm đã trôi qua, nhân dân nơi đây đã tự nguyện thay nhau thờ tự và bảo vệ những hiện vật mà vị vua yêu nước để lại.
[links()]
Chân dung vua Hàm Nghi.
Chân dung vua Hàm Nghi.
Thực dân Pháp vô cùng lúng túng trước phong trào Cần Vương đang diễn ra rầm rộ, chúng đã đưa quân về vùng Hương Khê, Hà Tĩnh. Dùng kế phản gián, thực dân Pháp đã bắt được vua Hàm Nghi tại căn cứ Hương Khê, đưa xuống thuyền đưa về Huế ngày 14/11 năm Mậu Thân (1888). Bấy giờ vua mới 17 tuổi. Thực dân Pháp tìm mọi cách dụ dỗ thuyết phục Hàm Nghi cộng tác, nhưng ông đã thẳng thắn khước từ "Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh chị em nữa".

Không mua chuộc nổi, thực dân Pháp đẩy nhà vua đi an trí tại Angie. Ông sống ở đây 47 năm, thọ 64 tuổi. Sau ngày thống nhất nước nhà, Nhà nước ta đã đưa hài cốt của ông và bài vị về thờ tại Thái Miếu - Huế.

Trước khi vua Hàm Nghi và triều thần rời khỏi Sơn Phòng, nhà vua có để lại cho nhân dân xã Phú Gia một số đồ gồm có: 8 bộ áo mũ triều thần, 20 cờ lọng, 1 con voi bằng đồng, 2 con voi bằng vàng, 2 thanh kiếm cán gỗ chạm khắc hình rồng phượng sơn son, vi bố (trang phục của vua) bằng gấm gắn 36 lục lạc bằng đồng, 37 đạo sắc phong, trong đó có một đạo sắc của vua Hàm Nghi phong cho "Hầu công Kiến quốc nguyên huân Dương Chính tướng quân". Sắc đề Hàm Nghi nguyên niên, cửu nguyệt, nhị thập ngũ nhật (Hàm Nghi năm thứ nhất. Tháng 9 ngày 25 (1885)), không có đại triện.

Với tấm lòng kính trọng nhà vua yêu nước Hàm Nghi và các nghĩa sĩ Cần vương, nhân dân Phú gia đời này kế tiếp đời khác đã dày công gìn giữ và bảo vệ các bảo vật mà nhà vua đã để lại. Trải qua hơn 124 năm kể từ ngày vua Hàm Nghi rời khỏi Sơn Phòng, rời khỏi làng Phú Gia, trong điều kiện không có đền thờ Hàm Nghi, nhưng nhân dân xã Phú Gia đã tự nguyện đưa hiện vật về thờ tại nhà mình vào bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Tục lệ cứ hằng năm vào ngày 25 tháng Chạp, nhân dân trong xã tề tựu làm lễ mộc dục để kiểm kê, lau chùi bảo vật bình chọn gia đình được thờ tự số bảo vật (được gọi là đạo chủ). Nếu được bình chọn là đạo chủ trong năm, gia đình đó phải chuyển bàn thờ tổ tiên ở gian giữa ra gian ngoài, dành gian giữa để thờ bảo vật của vua. Một vùng quê nghèo, với nếp nhà gỗ ba gian chật chội đã dành gian giữa để thờ Vua còn 2 gian vừa thờ gia tiên vừa là nơi sinh hoạt gia đình với 7, 8 con người. Thế nhưng, những người dân hết sức vui vẻ vì đây là một diễm phúc cho gia đình.

Ngày 7 tháng Giêng, nhân dân tổ chức lễ rước bảo vật về nhà đạo chủ mới. Lễ rước có kiệu, có người cao tuổi mặc lễ phục đọc chầu văn. Cuộc rước diễn ra trong cả ngày với hàng ngàn người tham gia.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nắng mưa, bão lũ, với bao cuộc chiến tranh ác liệt, bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng với đức độ và tinh thần yêu nước của Hàm Nghi, những bảo vật của đức vua để lại cho nhân dân Hương Khê vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, trở thành một đức tin mang đậm dấu ấn văn hoá của các thế hệ người dân Phú Gia - Sơn Phòng và nhân dân cả nước.
Chí Đức