Những chuyện tình éo le nhất trong cung đình Việt Nam (3)

Google News

Tưởng như kết duyên với vua chúa là điều diễm phúc, vậy mà có người đẹp thà tự sát, điên loạn hoặc trở thành ni cô chứ không chấp nhận điều này…

Tưởng như kết duyên với vua chúa là điều diễm phúc, vậy mà có những người đẹp thà tự sát, điên loạn hoặc trở thành ni cô chứ không chấp nhận điều này…

Thà chết chứ không làm vợ vua

Đánh đâu thắng đấy trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh được suy tôn là Vạn Thắng vương. Vậy mà khi trở thành hoàng đế, ông đã “thua trắng” khi muốn đánh chiếm trái tim của một cô thôn nữ có tên là Nguyễn Thị Hoa Nương.

Hoa Nương quê ở đất Quảng An thuộc Ái châu (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Tương truyền bố mẹ cô ăn ở thiện lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chỉ có một ước nguyện họ không đạt được là có một đứa con.

Vào một ngày mùa hè oi bức, mẹ Hoa Nương đang ngồi hóng mát trên một gò đất nhỏ, được gọi là gò Kim Quy thì bỗng thấy trong người choáng váng, bụng đau âm ỉ. Đủ 9 tháng 10 ngày, bà sinh hạ một nữ nhi. Lúc đứa bé ra đời hương thơm lan tỏa khắp nhà như một điềm lành. Hai vợ chồng rất vui mừng và đặt tên con là Hoa Nương.

Càng lớn, Hoa Nương càng trở nên xinh đẹp lạ thường. Đến năm 18 tuổi, cô đã nổi tiếng khắp gần xa. Biết bao chàng trai tài giỏi đã tìm đến cầu hôn cầu hôn nhưng đều bị chối từ.

Danh tiếng của Hoa Nương đã lan đến tận kinh đô Hoa Lư. Vua Đinh Tiên Hoàng lúc này dù đã lập 5 hoàng hậu và có nhiều phi tần nhưng vẫn bị nhan sắc của thôn nữ chinh phục.

Nhà vua cho người mang lễ vật mời cha mẹ Hoa Nương về triều và tỏ ý muốn tuyển con gái họ vào làm vương phi. Hai vợ chồng vui mừng rỡ về nhà nói lại với Hoa Nương, nhưng lạ thay cô gái đã kiên quyết từ chối lời mời của vua. Theo lời Hoa Nương, cô muốn sống trong cảnh thôn quê, phụng dưỡng cha mẹ chứ không muốn sống trong cảnh gò bó lễ nghi trong cung đình.

Không thuyết phục được con, cha mẹ Hoa Nương đành viết thư gửi về triều đình xin nhận tội. Nhưng có lẽ hiểu được tâm tư của Hoa Nương nên vua không đoái hoài gì nữa. Về phần Hoa Nương, sợ rằng vì mình mà cha mẹ sẽ bị vua trừng phạt nên đã tìm đến cái chết ở sau nhà để chuộc lỗi…

Không chịu lấy chúa, từ giả điên thành... điên thật

Vào giai đoạn ác liệt trong cuộc đối đầu với nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã phải lẩn trốn khắp vùng sông nước Cửu Long trước sự truy lùng của đối phương. Năm 1787, ông về trú tại làng Tân Long xứ Sa Đéc. Thấy dân làng thuần hậu, ông đổi tên làng thành Long Hưng (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Tại ngôi làng này, Nguyễn Phúc Ánh được ông Nguyễn Văn Mậu, một bậc hào phú, giúp đỡ hết mình. Gia đình ông Mậu đã mở cả kho lúa của mình làm lương thực, xuất tiền của để chu cấp cho đội quân chúa Nguyễn nhiều tháng trời. Ngoài ra, ông còn vận động con cháu và trai trẻ trong làng đi theo chúa Nguyễn.

Đáp lại nghĩa cử của Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Phúc Ánh gọi ông là “Ông Bõ”, nghĩa là cha nuôi.

Không chỉ giúp đỡ về quân sự, ông Mậu còn ngỏ ý muốn gả con gái út của mình cho Nguyễn Phúc Ánh làm vợ lẽ, và bản thân chúa Nguyễn cũng đã ưng thuận. Nhưng cô gái không bằng lòng, chỉ muốn giữ mối quan hệ với chúa Nguyễn ở “tình anh em” mà thôi.

Để chúa Nguyễn không còn vương vấn, cô đã giả điên, thường tự bôi bẩn mặt mũi, xõa tóc rũ rượi và làm những điều quái dị.

Nhưng điều này không làm chúa Nguyễn quên cô mà chỉ khiến ông buồn đau, tiếc thương cho số phận một cô gái trẻ đẹp. Ông Mậu cũng không hiểu, tưởng con gái mình ưu tư đến mất trí, lòng cũng vô cùng đau đớn.

Trớ trêu thay, từ giả điên, cô gái phát cuồng thật, tâm trí rối loạn mà thành bệnh mà qua đời.

Cũng có lời kể khác cho rằng, cô gái không dám trái lời cha nên chấp nhận lấy chúa Nguyễn, nhưng khi đoàn thuyền rước đi từ nhà ra chốn hành cung, cô đã lợi dụng đêm tối đẻ nhảy xuống sông và biệt tích luôn kể từ đó.

Từ chối làm vương phi để xuống tóc đi tu

Thời giặc Lương đô hộ nước Việt, ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí. Vợ mất sớm, một mình ông nuôi cô con gái Phạm Thị Toàn trở thành người tài sắc và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.

Năm 541, khi nghe tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở Thái Bình, cha con ông đã bán nhà cửa, tài sản để mộ quân tham gia cùng nghĩa quân. Với thanh thế rất lớn, chỉ trong vòng 3 tháng, quân Lý Bí đã đánh tan giặc Lương, khiến chúng phải bỏ chạy về về phương Bắc.

Trong các cuộc chiến, Phạm Thị Toàn tuy là nữ nhi nhưng đã chứng tỏ được sự dũng cảm phi thường và trở thành một nữ tướng nổi danh, được quân dân kính nễ và kẻ thù khiếp sợ.


Sau khi đất nước giành được quyền tự, đến năm 542, Phạm Thị Toàn lại tham gia đánh tan âm mưu tái lập ách đô hộ của giặc Lương khi chúng kéo quân qua biên giới và đến năm 543 theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam.

Các chiến tích của Phạm Thị Toàn đã góp phần ổn định được tình hình đất nước. Năm 544, Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế (sử thường gọi là Lý Nam Đế), lấy niên hiệu là Thiên Đức và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân.

Sau khi lên ngôi, vưa nhớ đến người con gái xinh đẹp và tài giỏi Phạm Thị Toàn nên cho người đón nàng vào cung lập làm vương phi. Nhưng Phạm Thị Toàn đã từ chối và ngỏ ý muốn được về quê hương chăm sóc mộ phần cha mẹ, vui thú ruộng rồng và nghe câu kinh tiếng kệ.

Biết rằng không thể lay chuyển ý định của người phụ nữ có ý chí thép, Lý Nam Đế đã chấp thuận nguyện vọng của Phạm Thị Toàn. Từ đó, nàng ở lại quê nhà lập chùa tịnh tu cho đến khi mất. Sau khi Phạm Thị Toàn qua đời, người dân đã lập đền thờ tôn bà làm thành hoàng.

Hoàng Phương

Bài đang đọc nhiều
Chuyện kỳ bí về trăn tinh khổng lồ ở Thất Sơn Chuyện kỳ bí về trăn tinh khổng lồ ở Thất Sơn 10 người đàn bà đẹp huyền thoại Việt Nam (2) 10 người đàn bà đẹp huyền thoại Việt Nam (2) Những điều thú vị về Vua Trần Nghệ Tông Những điều thú vị về Vua Trần Nghệ Tông

[links()]